Chung tay để Hà Nội “đẹp từng centimet”

12/08/2022 - 14:44

PNO - “Ở nước ngoài, cứ giơ ống kính lên, bất kể góc nào cũng có thể cho ra một tấm ảnh check-in đẹp. Còn ở Hà Nội, phải căn góc mãi mới có một bức ảnh đẹp”, tiến sĩ - kiến trúc sư Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Trưởng ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội - nói ở tọa đàm về thiết kế công cộng “Hanoi Design City - Hà Nội đẹp từng centimet”, diễn ra ngày 10/8 tại Hà Nội.

Sự kiện do Vietnam Design Group và Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp cùng UBND quận Hoàn Kiếm, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức. Nhiều đại diện cơ quan ban, ngành, chuyên gia, kiến trúc sư quan tâm đến không gian công cộng đã tham dự. Mục đích nhằm hướng đến việc biến Hà Nội thành một thủ đô đẹp, hấp dẫn, xứng tầm, sáng tạo, một Hà Nội “đẹp từng centimet”. Đây cũng là một đề bài của cuộc thi Designed by Vietnam trong khuôn khổ Vietnam Design Week 2022 (VNDW), nhằm tìm kiếm các ý tưởng thiết kế khả thi cho không gian công cộng của Hà Nội.

 

Trẻ em vui chơi ở phố đi bộ (quận Hoàn Kiếm) - ảnh: C.V.

Trẻ em vui chơi ở phố đi bộ (quận Hoàn Kiếm) - ảnh: C.V.

Kinh nghiệm từ phố cổ

Quận Hoàn Kiếm có diện tích khiêm tốn nhưng mật độ dân số cao nhất trong các đô thị trên cả nước, với gần 40.000 người/km2. Khu vực này là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo của thủ đô. Ngoài một đô thị điển hình tích hợp rất nhiều chức năng, quận này còn sở hữu quỹ di sản dày đặc (190 công trình di tích với đầy đủ các loại hình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng: đình, đền, chùa, miếu. Trong đó, riêng khu phố cổ với diện tích khoảng 8,2ha, đã có 121 công trình di tích. 

Theo tiến sĩ - kiến trúc sư Phạm Tuấn Long, với một đô thị đa chức năng như vậy, nhu cầu về không gian công cộng của quận rất lớn. “Phố cổ Hà Nội hoàn toàn khác các đô thị khác như Huế, Hội An nên trong nhiều năm, phố cổ Hà Nội gặp khó khăn trong việc bảo tồn và tìm nguồn lực để bảo tồn”, ông Long nói. Ông diễn giải thêm, quản lý đất đai và sở hữu các vùng khác không phức tạp như ở đây. Điều đó dẫn đến nhiều khó khăn và vướng mắc trong vấn đề bảo tồn. Chưa kể, ở quận Hoàn Kiếm, các thiết chế đô thị (nhà hát, bảo tàng, rạp chiếu phim, trung tâm triển lãm, trường học…) gần như đã hoàn thiện, nên việc giãn dân rất khó. “Vì thế, chúng tôi quyết định tập trung cải tạo không gian công cộng và nâng cấp thiết chế văn hóa”, ông Long kể về “nguồn cơn” dẫn đến việc thành lập không gian phố đi bộ cho Hà Nội.

Từ những khó khăn thực tế trên, chính quyền TP.Hà Nội nhận định không thể áp dụng mô hình phố đi bộ ở châu Âu về Hà Nội. Tiến sĩ Long nhớ lại khi triển khai phố đi bộ vào năm 2016, có tới 54 cửa hàng xung quanh Hàng Khay và Đinh Tiên Hoàng, chủ yếu bày bán va li, túi xách, ba lô… tràn ra cả vỉa hè. Tận dụng ngày nghỉ cuối tuần của các cơ quan hành chính và các không gian công cộng chưa dùng tới, Hà Nội đã quyết định tổ chức, cấm đường trước rồi mới cải tạo chỉnh trang, nâng cấp sau. Ông Long đánh giá, đây là một quyết định sáng suốt của chính quyền Hà Nội thời điểm đó, vì nếu chờ chỉnh trang, thì không biết đến bao giờ mới tổ chức được phố đi bộ.

Lãnh đạo quận cũng chia sẻ, vào năm 2008, nhờ phố đi bộ và các hoạt động khác, mà tổng thu ngân sách của quận từ 7.000 tỷ đồng (năm 2008) đã tăng gấp đôi vào năm 2021. Hiện quận Hoàn Kiếm đang hướng tới chủ đề quận di sản, quận văn hóa, bằng cách tạo ra các sự kiện, chương trình, cũng như nâng cấp, cải tạo các thiết chế văn hóa, nhằm thu hút, tập hợp văn nghệ sĩ, trí thức trở lại đây. Đồng thời, trong năm nay sẽ giải phóng mặt bằng xung quanh đền Bà Kiệu, tháng sau cải tạo vườn hoa Con cóc, và nghiên cứu thêm những tuyến đi bộ mới. Sau đó, tiến ra sông Hồng, rà soát để phát triển không gian công cộng.

Đích đến là đô thị nhân văn

Kiến trúc sư Lê Việt Hà - Chủ tịch Vietnam Design Group, đồng trưởng BTC VNDW - nhắc lại Hà Nội là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế. Cần có một chiến dịch chung để Hà Nội trở nên “đẹp từng centimet”. Ông nhắc lại thiết kế tận dụng chấn song cửa cũ để làm hàng rào của nhà thiết kế Tây Ban Nha Diego Cortizas del Valle - một người yêu và gắn bó với Hà Nội nhiều năm qua. Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng thiết kế này tại phố đi bộ để tạo ra một cảm thức cuộc sống mới trên ký ức cũ.  

Một trong những hoạt động nghệ thuật trên phố đi bộ (quận Hoàn Kiếm)
Một trong những hoạt động nghệ thuật trên phố đi bộ (quận Hoàn Kiếm)

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc nghệ thuật tại Heritage Space, cố vấn thiết kế công cộng của VNDW - chia sẻ: Giải pháp xanh (nhằm giảm cứng hóa, giảm khí thải cacbon) đang trở thành xu hướng cho thiết kế không gian công cộng. Có thể là cải tạo một không gian lớn để mọi người có những hoạt động ngoài trời, ngăn chặn - giảm thiểu xả rác hoặc thu gom đồ tái chế ở nơi công cộng. Cũng có thể cải tạo/thay đổi/xây mới một công trình, một nơi chốn bị bỏ hoang thành một nơi hữu ích cho nhiều người và mang tính sinh thái nhất. Cũng có thể là những ý tưởng “vô hình” tại nơi công cộng, mang lại sự thư thái cho mọi người và ít/không tạo ra chất thải hay tiêu tốn năng lượng. 

Theo ông Tuấn, giải pháp này sẽ bao gồm cả ý tưởng cho không gian lớn và ý tưởng dành cho những đồ vật nhỏ bé, không gian nhỏ bé nhưng có khả năng lan tỏa và nhân rộng ở nhiều nơi. Ông ví dụ thiết kế công cộng các tuyến đường đi bộ của Walala, Adam Nathaniel Furman và Ilori tại London (Anh quốc). Hay việc Fallon Kesicier thay đổi các bậc thềm của quảng trường công viên New York (Mỹ) để kỷ niệm tháng Pride - tháng tự hào dành cho những người thuộc giới tính thứ ba…

Tiến sĩ - kiến trúc sư Tô Kiên - Chuyên gia cao cấp quy hoạch đô thị, Tập đoàn EJEC (Nhật Bản) - đề cập đến mô hình hệ sinh thái đô thị nhân văn. Ông nhắc đến các khái niệm phần cứng (cơ sở hạ tầng kỹ thuật, không gian vật lý, hạ tầng...), phần mềm (người sử dụng, có mặt, quan sát từ xa, người đi qua, người vận hành quản lý...) và phần tâm (sự thấu cảm, tinh tế) trong quy hoạch và quản lý đô thị. Theo ông, giữa phần cứng và phần mềm có mối quan hệ qua lại kiểu tương sinh (thành công) hoặc tương khắc (sẽ thất bại). Hồn và bản sắc đô thị đến từ phần mềm, chứ không phải phần cứng. Mấu chốt để quy hoạch - xây dựng không gian công cộng thành công hay không, nằm ở phần mềm trong các công đoạn.

Ông Kiên cũng đánh giá, cộng đồng mới chính là người sáng tạo nhất trong việc thiết kế không gian công cộng. Ông nhấn mạnh việc thiết kế không gian công cộng phải phù hợp với người Á Đông. Chẳng hạn như không gian rất mở, tính cộng đồng rất cao (gốc văn hóa làng xã…), ranh giới mờ giữa riêng - chung, công - tư (vỉa hè, hành lang, sân giữa…),… 

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế - nhà nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật - nói: “Hà Nội bây giờ đang xấu từng kilomet, nên sẽ phải làm đẹp lại từng centimet”. Anh đang phối hợp với nhóm “Cùng dính” thiết kế một cây cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật. Trước đó, nhân ngày mất của nghệ sĩ Diego Cortizas, tiến sĩ Thế và nhóm nghệ sĩ Phúc Tân cũng đã làm tác phẩm Con đường Chula để tưởng nhớ một người bạn đã cống hiến và đóng góp cho dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, cũng như đóng góp cho sự giàu có của văn hóa sáng tạo Hà Nội và Việt Nam suốt gần 20 năm.

Cốc Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI