Chưa tiêm bổ sung vắc xin sởi liệu có nguy cơ mắc bệnh?

05/05/2025 - 10:15

PNO - Những người đã được tiêm chủng từ quá lâu, miễn dịch với bệnh tật suy giảm, nếu không được tiêm bù, tiêm bổ sung thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh sởi.

Con trai tôi 13 tuổi, đã tiêm ngừa sởi từ hồi nhỏ. Gần đây, tôi thấy mọi người đưa trẻ đi tiêm mũi sởi bổ sung do dịch sởi vẫn diễn biến phức tạp, nhiều ca nặng. Con tôi đã tiêm đủ mũi vắc xin sởi trước đây, nay không tiêm mũi bổ sung thì có nguy cơ mắc bệnh sởi hay không?

Phạm Văn Việt (TPHCM)

Bác sĩ chuyên khoa 2 Dư Tuấn Quy - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 - trả lời: Người chưa tiêm mũi bổ sung vẫn có nguy cơ mắc bệnh sởi. Dịch sởi theo chu kỳ cứ 5 năm lại xảy ra 1 lần. Trước đây, chúng ta có độ bao phủ tiêm ngừa vắc xin tốt nên có miễn dịch cộng đồng, ít thấy bệnh sởi.

Tiêm phòng sởi cho trẻ - Ảnh: TTXVN
Tiêm phòng sởi cho trẻ - Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 xảy ra, do phải cách ly nên tỉ lệ người dân được tiêm chủng thấp đi, thậm chí có những giai đoạn không tổ chức tiêm chủng được. Chính vì vậy, sau này, những người đã được tiêm chủng từ quá lâu, miễn dịch với bệnh tật suy giảm, nếu không được tiêm bù, tiêm bổ sung thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh sởi.

Cách đây gần 1 năm, dịch sởi tại TPHCM bắt đầu xuất hiện và sau đó lan tràn khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Tình hình bệnh sởi biến động liên tục và tăng dần. TPHCM đã lập tức ứng phó, tiêm ngừa xuyên lễ cho tới tết. Nhờ vậy tình hình dịch sởi ở TPHCM đã được kiểm soát tốt.

Tuy nhiên, đối với một số tỉnh, thành lân cận TPHCM thì chiến dịch tiêm ngừa sởi chưa được trọn vẹn lắm. Bởi vậy, bệnh sởi lại gia tăng dần và vẫn còn diễn biến phức tạp. Bệnh viện Nhi Đồng 1 là tuyến cuối, hằng ngày đón nhận rất nhiều ca sởi từ khắp nơi chuyển đến. Tất cả ca mắc sởi tới khám và điều trị đều chưa được tiêm chủng, hầu như các bé này đều có biến chứng.

Thanh Huyền (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI