Chủ tịch UBND TPHCM: “Đừng ngồi chờ nhau mãi, công việc rất đình trệ”

26/08/2020 - 19:27

PNO - Tỷ lệ giải ngân đầu tư công tại TPHCM hiện đang rất chậm chạp. Lãnh đạo TPHCM chỉ ra một trong những nguyên nhân là do các chủ đầu tư chưa chủ động giải quyết vướng mắc.

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước TPHCM, tính đến ngày 26/8, TPHCM giải ngân được 21.280 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 50,5% vốn ngân sách được giao (42.139 tỷ đồng). Theo phân tích của đơn vị này, trong 20 tuần còn lại của năm 2020, phải đạt mức giải ngân trung bình 900 tỉ đồng/tuần. Hiện nay, trung bình chỉ giải ngân khoảng 400-500 tỉ đồng/tuần. Như vậy, phải đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

Chủ trì cuộc họp về tình hình giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách tại TPHCM vào chiều 26/8, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu những địa phương, những đơn vị có tốc độ giải ngân vốn ngân sách dưới 50% chỉ tiêu được giao phải trình bày rõ lí do vì sao.

Quận 4 với tỷ lệ giải ngân 31,6% - mức thấp nhất của TPHCM đã trình bày cái khó của mình. Lãnh đạo UBND quận 4 cho biết được TPHCM bố trí vốn ngân sách 68,5 tỷ đồng với 14 dự án. Trong đó, có dự án xây dựng trụ sở Ban chỉ huy quân sự quận 4 có giá trị đến 30 tỷ đồng (chiếm 43,8%) đang bị kẹt lại vì chưa xong khâu thẩm định giá trị tài sản bồi thường trên đất.

Sau khi tìm hiểu trực tiếp tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong phát hiện ra cái khó này quận 4 không thể tự giải quyết được, mà phải nhờ cấp cao hơn. 

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM tại cuộc họp về giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách chiều 26/8/2020.
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM tại cuộc họp về giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách chiều 26/8/2020

Tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM - một trong những nơi được cấp vốn ngân sách rất lớn với 4.659 tỷ đồng, đến nay chỉ giải ngân được 1.817 tỷ đồng (khoảng 39,2%).

Giải thích vì sao giải ngân chậm, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc đơn vị này cho biết là do các quận huyện không thực hiện được việc giải phóng mặt bằng, dẫn đến một số dự án phải dừng thi công từ 1 đến 3 năm, thậm chí có dự án chậm đến 5 năm. Trong khi vốn cấp cho công tác này lên đến 1.200 tỷ đồng.

Nhiều quận huyện và các sở ban ngành khác cũng nêu lên những cái khó của mình khi giải ngân vốn đầu tư công như do chưa có thẩm định giá, do điều chỉnh vốn đầu tư, do dịch COVID-19...

Công nhân thi công đường ray tuyến metro số 1 tại TP.HCM. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN
Công nhân thi công đường ray tuyến metro số 1 tại TPHCM - Ảnh: Tiến Lực/TTXVN

Nhận định về nguyên nhân của tình trạng chậm chạp này, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho rằng có 2 nguyên nhân: cả khách quan và chủ quan. Trong đó, cái chủ quan nằm ở sự bị động “ngồi chờ nhau mãi”. Lẽ ra khi gặp vướng mắc, lãnh đạo phải lập tức báo cáo cho cấp trên xin ý kiến tháo gỡ. Vì có những vướng mắc, riêng một quận huyện hay một sở ban ngành không giải quyết nổi mà phải có sự kết hợp của nhiều đơn vị.

Ông Nguyễn Thành Phong nói: “Cái này là chuyện chung. Vướng mắc phải báo cáo lãnh đạo, cứ im im sẽ làm đình trệ công việc”.

Nói về chuyện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM “đổ” cho quận huyện không giải phóng được mặt bằng, lãnh đạo UBND TPHCM cho rằng Ban quản lý là chủ đầu tư, phải có trách nhiệm. Khi đăng ký vốn đầu tư công, phải tính toán. Bây giờ dự án không thực hiện được, chứng tỏ là năng lực quản lý kém.

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết lãnh đạo các chủ đầu tư nguồn vốn đầu tư công phải chủ động hơn nữa, vì mục tiêu cho đến trước ngày 15/10/2020 là phải giải ngân được 80% ; đến cuối năm là 95% vốn được giao. Theo ông, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công được thúc đẩy sẽ giải quyết nhiều vấn đề khác như việc làm, tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế...

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI