Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Quản lý ATVS thực phẩm còn chồng chéo, trách nhiệm chưa rõ ràng

02/08/2016 - 14:07

PNO - “Công tác phối hợp trong quản lý vệ sinh thực phẩm còn chồng chéo, sơ hở, trách nhiệm chưa rõ ràng. Lúc nói thuộc quản lý của Bộ Y tế, lúc nói Bộ Nông nghiệp, khi thì Công thương”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói.

Chu tich nuoc Tran Dai Quang: Quan ly ATVS thuc pham con chong cheo, trach nhiem chua ro rang
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri Q. 4

Ngày 2/8, đại biểu Quốc hội - Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV, đơn vị số 1 đã tiếp xúc cử tri quận 4, TPHCM để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XIV.

Tại buổi tiếp xúc, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) được nhiều cử tri quan tâm.

Cử tri Cao Ngọc Lên băn khoăn: "Báo chí nói rất nhiều, người dân ý kiến rất nhiều nhưng đâu lại vào đấy. Dăm ba bữa lại thấy hàng tấn thịt lợn thối, rau nhiễm độc khiến người dân rất bất an, không biết phải ăn gì, uống gì".

Trong khi đó, cử tri Lê Đức Lượng nói rằng, dù có đến 3 Bộ quản lý chất lượng thực phẩm nhưng ngày nào cũng có thông tin về thực phẩm bẩn. Hàng ngày chất độc vẫn ngang nhiên tồn tại. Ăn thịt thì sợ chất tạo nạc, rau thì sợ thuốc.

"Người dân chỉ biết kêu trời chứ không biết làm sao nữa. Đề nghị Quốc hội phải có biện pháp cụ thể, phải nghiêm khắc hơn nữa để tăng tính răn đe và cần xác định rõ trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, ngành, tránh tình trạng đùn đẩy như hiện nay", ông Lượng đề nghị.

Nhiều cử tri lo lắng, 70% bệnh tật người dân đang gánh chịu bắt nguồn từ thực phẩm bẩn, chứa chất nguy hại. Thực trạng trên trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân. Công tác quản lý nhà nước về VSATTP còn nhiều hạn chế. Cá nhân sai phạm chỉ bị chuyển cơ quan, thậm chí được thăng chức.

Chu tich nuoc Tran Dai Quang: Quan ly ATVS thuc pham con chong cheo, trach nhiem chua ro rang
Chỉ tịch nước trò chuyện với cử tri

Trước những ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng những phản ánh của cử tri về tình trạng thực phẩm mất vệ sinh là hoàn toàn xác đáng.

"Đó thực sự là vấn đề hết sức quan ngại, đe dọa cuộc sống hàng ngày hàng giờ của bà con và của cả chúng tôi. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là an toàn xã hội, ảnh hưởng đến việc người dân có an cư, lạc nghiệp hay không. Đây cũng là một trong những bộ phận cấu thành của an ninh quốc gia nên không thể xem nhẹ được", ông Quang khẳng định.

Chủ tịch nước cho hay, dù thời gian qua nhà nước đã có nhiều biện pháp quan tâm đến công tác bảo đảm vệ sinh thực phẩm nhưng kết quả vẫn còn khiêm tốn, chưa đáp ứng kỳ vọng của người dân. Ông cũng nhìn nhận công tác phối hợp trong quản lý vệ sinh thực phẩm còn chồng chéo, sơ hở, trách nhiệm chưa rõ ràng. Lúc nói thuộc quản lý của Bộ Y tế, lúc nói Bộ Nông nghiệp, khi thì Công thương.

"Có một bữa cơm thôi mà không biết trách nhiệm của ai? Chính vì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn gây nhiều bức xúc cho người dân nên Quốc hội đã quyết định chọn nội dung này để giám sát chuyên đề", Chủ tịch nước nói.

"Tôi thấy ở nước ngoài, một quán ăn mà gây ngộ độc cho khách hàng sẽ bị đóng cửa ngay rồi mới xem xét sau. Nếu chưa kết luận được thì họ cũng tạm thời không cho hoạt động đến khi có kết quả cuối cùng. Luật của chúng ta còn nhiều cái chưa đủ sức răn đe, quy định 'gây hậu quả nghiêm trọng' vẫn còn chung chung. Thế nào là nghiêm trọng? Chẳng lẽ chết người mới mới xử lý được hay sao? Lúc đó thì còn nói làm gì nữa?", Chủ tịch nước cho biết.

Trong thời gian tới Chính phủ sẽ chỉ đạo bộ ngành, địa phương tạo ra thay đổi cơ bản về nhận thức, nâng cao trách nhiệm, nói không với việc sử dụng, chế biến thực phẩm bẩn. Sẽ có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn. Hiện việc chế tài liên quan đến thực phẩm bẩn chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe nên vẫn bị nhiều kẻ hám tiền vô lương tâm chế biến thực phẩm bẩn ảnh hưởng đến sức khỏe người dân”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.

Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI