Chủ thuê bao điện thoại liên tục bị cuộc gọi quảng cáo quấy rầy

06/06/2021 - 08:04

PNO - Các cuộc gọi quảng cáo bán hàng, mời tham gia dự án bất động sản, mời mua chứng khoán… liên tục làm phiền các chủ thuê bao điện thoại di động.

Đủ kiểu gọi làm phiền

8g sáng, vừa đặt chân đến cơ quan, chị M.T. (TP.Hà Nội) đã nhận được cuộc gọi từ đầu số 08662063… hỏi thăm sức khỏe. Sau vài câu xã giao, người ở đầu bên kia tự giới thiệu là nhân viên sàn chứng khoán quốc tế. “Gần như ngày nào, tôi cũng nhận ít nhất 2-3 cuộc gọi hỏi thuê nhà không hoặc mời tham gia sàn chứng khoán quốc tế, không chỉ một mà rất nhiều người thay nhau gọi và mời mọc dai dẳng” - chị M.T. kể. 

Chị T.H. (TP.Hà Nội) cho biết, đã nhắn tin vào website của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), đăng ký số điện thoại di động vào danh sách không nhận cuộc gọi quảng cáo bán hàng (Do Not Call - DNC), nhưng vẫn nhận đều các cuộc gọi mời mua bảo hiểm, tham gia đầu tư tài chính, chứng khoán. Chị kể: “Trước đây, cuộc gọi rác thường là 11 số nhưng bây giờ, đa phần cuộc gọi đến từ các thuê bao 10 số với số đầu 09 nên rất khó nhận biết. Cũng không thể không bắt máy vì sợ bỏ lỡ cuộc gọi của nhân viên giao hàng. Nhiều hôm cáu quá, mắng mấy người gọi quảng cáo nhưng hôm sau vẫn đâu vào đấy”.

Các cuộc gọi quảng cáo bất kể giờ giấc, thời điểm đang làm phiền người dùng điện thoại  - Ảnh: Ngọc Thắng
Các cuộc gọi quảng cáo bất kể giờ giấc, thời điểm đang làm phiền người dùng điện thoại - Ảnh: Ngọc Thắng

Đáng nói, để tránh bị phàn nàn, đồng thời để tiết kiệm nhân viên, một số công ty chuyển sang hình thức cuộc gọi tự động (cài đặt sẵn nội dung), phát ra lời quảng cáo ngay khi người nghe chấp nhận cuộc gọi.

Theo thống kê của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong tháng 3/2021, đã có 17.276 thuê bao phát tán cuộc gọi rác bị các nhà mạng xử lý, gấp đôi so với tháng trước đó. Tính chung trong quý I/2021, đã có hơn 39.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác bị xử lý. Trước đó, trong sáu tháng cuối năm 2020, trung bình mỗi tháng, các nhà mạng đã chặn khoảng 15.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác sau chiến dịch “dọn rác viễn thông” được Cục Viễn thông triển khai từ tháng 7/2020.

Hiện các tiêu chí để xác định cuộc gọi rác gồm tần suất thực hiện cuộc gọi, tỷ lệ cuộc gọi có thời gian liên lạc ngắn, tỷ lệ cuộc gọi có thời gian giữa các cuộc gọi ngắn, tỷ lệ gọi đi cho các thuê bao không có mối quan hệ. Tuy nhiên, đại diện một nhà mạng cho biết, sau thời gian đầu bị “truy quét” quyết liệt, các đối tượng phát tán cuộc gọi rác sử dụng hình thức rất tinh vi để né quy định. Chẳng hạn, họ chỉ gọi với số cuộc nhất định mỗi ngày và sử dụng rất nhiều số vì hiện nay, công ty kinh doanh dịch vụ vẫn có thể đăng ký nhiều sim, một người có thể dùng nhiều sim khác nhau.

Dữ liệu cá nhân có thể đã bị bán

Cũng theo thống kê của Cục Viễn thông, trong tháng 3/2021, Viettel là nhà mạng chặn cuộc gọi rác nhiều nhất với gần 8.600 cuộc, tỷ lệ 49,74%, VNPT chặn được 27%, MobiFone chặn được 20%, I-Telecom chặn được 2% và Vietnamobile chặn được 1% cuộc gọi rác.

Những số liệu này cho thấy, các nhà mạng chưa thực sự quyết liệt và triệt để trong việc chặn các cuộc gọi rác. Theo ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena - cuộc gọi rác, tin nhắn rác vẫn phổ biến chứng tỏ việc quản lý của các nhà mạng chưa chặt. Khách hàng muốn đăng ký thuê bao chính chủ đều phải ra nhà mạng, nhà mạng quản lý định danh (ID) người dùng. Nhưng người ta vẫn mua được sim bất kỳ để sử dụng mà chưa phải đăng ký chính chủ ngay nên rất khó chặn nguồn phát tán tin nhắn và cuộc gọi rác.

Ông Thắng cho rằng, người dùng có quyền nghi ngờ các nhà mạng chưa thực sự muốn dọn rác viễn thông. Việc chặn cuộc gọi, tin nhắn rác phải liên tục chứ không chỉ theo đợt hay chiến dịch, đồng thời Bộ Thông tin và Truyền thông phải có hình thức chế tài những nhà mạng chưa quyết liệt “dọn rác”.

Việc các cuộc gọi quảng cáo từ đủ mọi loại lĩnh vực cho thấy, dữ liệu cá nhân của các chủ thuê bao đã bị tiết lộ. Theo đại diện một nhà mạng, bất kỳ nền tảng nào yêu cầu khách hàng đăng ký thông tin cá nhân như tên tuổi, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân đều có thể để lộ, lọt hoặc mua bán danh sách data khách hàng. “Data dữ liệu cá nhân cũng là một nguồn tài nguyên. Các doanh nghiệp có nhu cầu sẽ mua lại các tệp thông tin này để gọi điện chào mời các dịch vụ” - vị đại diện nhà mạng cho hay.

Ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Tập đoàn Bkav - cho rằng, khi người dân tham gia vào một ứng dụng nào đó thì mọi thông tin cung cấp đều có khả năng bị lộ. Vì thế, người dùng cần cẩn trọng trong việc khai thông tin cá nhân, đặc biệt là các thông tin định danh điện tử, để tự bảo vệ mình. 

Theo các cơ quan quản lý nhà nước, các thuê bao có thể phản ánh tin nhắn, cuộc gọi rác bằng cách soạn tin nhắn theo đúng cú pháp, gửi đầu số 5656 (miễn phí cước). Để phản ánh cuộc gọi rác, người dùng soạn tin nhắn theo cú pháp “V (dấu cách) số điện thoại phát tán quảng cáo (dấu cách) nội dung quảng cáo”; để phản ánh tin nhắn rác, người dùng soạn tin nhắn theo cú pháp “S (dấu cách) số điện thoại phát tán quảng cáo (dấu cách) nội dung quảng cáo”. 

Nhật Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI