Chủ đầu tư sẵn sàng xây vượt tầng vì mức phạt cao nhất chỉ 1 tỷ đồng

23/05/2020 - 19:09

PNO - Đại biểu Quốc hội Cao Đình Thưởng cho rằng, mức phạt tối đa chỉ là 1 tỷ đồng khiến nhiều chủ đầu tư sẵn sàng nộp phạt để hợp thức hoá sai phạm của mình.

 

ĐBQH Cao Đình Thưởng bức xúc vì chủ đầu tư vi phạm khiến người mua nhà không biết kêu ai
ĐBQH Cao Đình Thưởng bức xúc việc chủ đầu tư vi phạm khiến người mua nhà không biết kêu ai

Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ sự bức xúc trước hàng loạt vi phạm của các công trình xây dựng trên cả nước.

Đại biểu Cao Đình Thưởng (tỉnh Phú Thọ) nhấn mạnh, tình trạng chủ đầu tư xây dựng trái phép, sai thiết kế và vượt số tầng để trục lợi nhưng vẫn được cơ quan chức năng cấp phép.

Theo ông Thưởng, ngay cả khi vụ việc bị vỡ lở, cơ quan chức năng vào cuộc, chủ đầu tư bị xử phạt, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng hậu quả để lại vô cùng lớn. Bên cạnh việc ngân sách nhà nước thất thu, người dân cũng gánh chịu thiệt hại nặng nề.

“Người dân bỏ ra hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng để đầu tư vào các công trình sai mà không biết kêu cứu ở đâu, trong khi việc xử lý vi phạm của cơ quan có thẩm quyền thường là chậm” - đại biểu Thưởng nói.

Hơn nữa, theo ông Thưởng, mức phạt tối đa hiện chỉ là 1 tỷ đồng, nhưng nếu xây vượt tầng có thể thu lời nhiều tỷ đồng nên chủ đầu tư sẵn sàng nộp phạt để hợp thức hoá sai phạm của mình. Do đó, ĐBQH tỉnh Phú Thọ đề nghị tăng mức xử phạt, tránh tình trạng phạt cho tồn tại với các công trình sai phép.

ĐBQH Đặng Hoàng Tuấn (tỉnh Long An) cũng bức xúc việc nhiều công trình xây dựng vi phạm nhưng xử lý còn chậm trễ, điển hình như việc tháo dỡ vi phạm tại công trình 8B Lê Trực.

Để đảm bảo quyết liệt trong xử lý vi phạm, đại biểu Đặng Hoàng Tuấn kiến nghị: “Cần có chế tài không cung cấp điện nước đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng”.

Trước đó, báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, một số ý kiến ĐBQH đề nghị cần có giải pháp hạn chế quy hoạch “treo”; cần cấp giấy phép xây dựng có thời hạn trong các khu đất có quy hoạch chậm triển khai để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, pháp luật về quy hoạch xây dựng đã có quy định về rà soát quy hoạch để kịp thời xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển. Luật Xây dựng hiện hành đã có quy định về việc xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ có thời hạn trong vùng quy hoạch.

Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều quy hoạch triển khai quá chậm trễ, kéo dài so với quy định đã gây nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới đời sống và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân trong các khu quy hoạch chậm triển khai.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI