Chồng không chịu đóng góp nuôi con

20/12/2023 - 19:08

PNO - Em và chồng phải có những cuộc nói chuyện thẳng thắn, rạch ròi về các vấn đề kinh tế của gia đình.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Chúng em có con trai 3 tuổi, đó là niềm trăn trở duy nhất, có lẽ là của cả hai khi không/ hoặc chưa ly hôn được.

Em không hạnh phúc trong hôn nhân, chúng em kết hôn tới nay chỉ còn vài tuần nữa là được 8 năm. Chúng em chạy chữa hiếm muộn hết 5 năm, nguyên nhân từ ảnh. Con ra đời, thì chuỗi ngày địa ngục về tinh thần lẫn thể xác bắt đầu.

Con em khó nuôi, 6 tháng khóc dạ đề, em thực vất vả, hy sinh tất cả từ tiền bạc, thời gian, thanh xuân lẫn sự nghiệp vì con, nhưng không được như ý. Cháu vẫn không tròn trịa như ông bà mong, lại hay đau ốm, em thường xuyên xin nghỉ họp vì con.

Hai vợ chồng chung cơ quan, em luôn là người phải hy sinh chịu cực riêng cho mình. Lúc sống chung với ông bà, em phải bỏ tiền chi tiêu cho con, từ bỉm tã, sữa, thuốc, đồ chơi, áo quần... chồng em chỉ thỉnh thoảng mới mua một lần. Nhưng ảnh có một tính đặc biệt về tiền bạc: chỉ cần mua 1 lon sữa là đinh ninh mình đã mua tất cả. Lúc đó em cũng không rạch ròi, chi tiêu không ghi lại, nên bây giờ không cãi được.

Mỗi lần con đau ốm, em phải xin xỏ người khác để nghỉ dạy chăm con, không đi làm thêm được, công việc thì tới hạn, ngập đầu; chúng em lại căng thẳng và gây gổ nhau. Trong lúc không bình tĩnh, bao uất ức em trút xuống đồ vật và ném lung tung. Anh ta chửi em bằng những từ ngữ rất khó nghe.

Chúng em giận nhau cả tháng nay, không nói chuyện, mỗi lần đụng tới tiền bạc là lại cãi nhau. Anh ta bảo em là ăn cướp vì không trả tiền điện sinh hoạt chung, dù nhiều lần em đề nghị trả một nửa nhưng anh không đồng ý. 

Em sống trong nhà riêng của ba mẹ cho ảnh, nhưng luôn có cảm giác như người hầu, có thể bị đuổi bất cứ lúc nào. Bản thân ảnh đã đối xử với em rất tệ bạc từ lúc sinh con, muốn em ở nhà chăm con nhưng lại yêu cầu em phải chịu một nửa chi phí. Em làm gì cũng bị mắng chửi, con đau cũng là lỗi của em.

Ảnh cư xử với em luôn thô lỗ, ích kỉ, cộc cằn, vô cảm. Nhưng giờ ly hôn chắc chắn anh ta sẽ giành toàn bộ quyền nuôi con, em thân cô thế cô, cứ giả câm giả điếc sống qua ngày.

Xin chị cho em lời khuyên, em phải làm gì ạ?

Thanh Mai

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Em Thanh Mai thân mến,

 

Có một điều rất rõ ràng trong bức thư của em, đó là mâu thuẫn của vợ chồng trong vấn đề chi tiêu gia đình chỉ bắt đầu từ khi con xuất hiện. Trước đó, các em đã có 5 năm chung sống, và nếu không bình yên, hạnh phúc, thì có lẽ các em đã không đi một đoạn đường chung dài đến như vậy, để phấn đấu có cho bằng được một đứa con chung.

Như vậy thì có thể hiểu một điều: những mâu thuẫn của các em bắt đầu từ sự vất vả, cực khổ khi nuôi một đứa con nhỏ có vấn đề sức khỏe không như ý. Em cảm thấy không được chồng chia sẻ, giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất. Và điều này có một phần nguyên nhân phát xuất từ chính em: không rạch ròi tiền bạc ngay từ đầu.

Các em có đến 5 năm trầy trật để có thể có được đứa con, Hạnh Dung hiểu rằng đó là một hành trình không hề dễ dàng của nhiều người bị hiếm muộn. 5 năm đó chẳng phải là khoảng thời gian quá phù hợp để các em có một sự chuẩn bị tốt nhất cho việc cùng nhau nuôi dạy con, trong đó có cả vấn đề kinh tế?

Hạnh Dung hy vọng tâm trạng của em lúc viết bức thư này chỉ là một đoạn mâu thuẫn rất tồi tệ của em, sau một cuộc tranh cãi nào đó, mà em đã chọn cách rất dở để thể hiện ấm ức của mình: đập phá đồ đạc. Cách hành xử này của vợ hay chồng trong các cuộc tranh cãi thường sẽ gây nên những hậu quả rất xấu, vì người kia nhìn thấy trong đó sự thiếu tôn trọng cuộc sống chung.

Nếu chồng em chín chắn và bình tĩnh, anh ấy có thể chỉ ra cái sai của em trong việc đập phá đồ đạc, thì có lẽ mọi việc đã khác. Nhưng mâu thuẫn đã biến thành cuộc chiến tranh lạnh kéo dài cả tháng, và cả hai cố tình mang các vấn đề về tiền bạc chi tiêu ra để làm tổn thương nhau.

Em và chồng phải có những cuộc nói chuyện thẳng thắn với nhau để tìm ra nguyên nhân gốc rễ của mọi mâu thuẫn: là thái độ sống và sự chia sẻ trách nhiệm với nhau, hay là vấn đề kinh tế của gia đình. Hãy dẹp những ấm ức, tự ái, suy đoán sang một bên, và chuẩn bị những suy nghĩ rõ ràng, thẳng thắn.

Cuộc trò chuyện đó phải giúp các em có được sự bình đẳng và rõ ràng trong đóng góp về công sức chăm sóc con lẫn việc chi tiêu sinh hoạt và nuôi con. Nó có thể là sự phân công từng việc, từng khoản chi tiêu cho hai bên, cũng có thể là việc đóng chung một quỹ để không phải tranh cãi mỗi ngày. 

Đừng nghĩ rằng mình thân cô, thế cô, vì đây không phải là cuộc đấu tranh của phe nào, mà là việc một người cha và một người mẹ cùng bàn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình với con.

Nếu một trong hai người không hiểu, chối bỏ nghĩa vụ, và đời sống gia đình không tìm được những điểm lợi ích chung, thì khi đó em vẫn có thể nhờ đến sự phân xử của gia đình, họ hàng và cuối cùng là của pháp luật. 

Điều quan trọng là em phải mạnh mẽ, lý trí để có thể tự minh bạch, rõ ràng mọi việc, ghi chép và chuẩn bị mọi dữ liệu, chứ không thể dùng cảm xúc để thuyết phục mọi người hiểu, tin và đứng về phía em, bênh vực hay an ủi em.

Quan trọng là hãy nhìn vào đứa con của mình, và làm mọi điều cho con được lớn lên trong bình an, với sự chăm sóc tốt nhất của hai người đã quyết tâm tạo ra nó.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI