Chông chênh phim cải biên từ cổ tích

30/08/2016 - 14:20

PNO - Bộ phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể (TC:CCK) đang tạo nên hai luồng dư luận trái chiều về chất lượng, nội dung phim mà chủ yếu là phần “chuyện chưa kể”.

Cải biên cổ tích hoặc dựa trên những câu chuyện dân gian quen thuộc là hướng đi “lành ít dữ nhiều”.

Theo thông tin từ phía nhà phát hành BHD, sau ba ngày công chiếu (từ 19/8), TC: CCK đã thu hơn 21,8 tỷ đồng. Doanh thu cao kèm theo những ý kiến trái chiều, trong đó phần lớn ý kiến "chê" tập trung vào phần cải biên với đỉnh điểm là sự xuất hiện của hai quái vật ở cuối phim. TC: CCK không xoay quanh ba mẹ con Tấm-Cám mà dành nhiều thời lượng cho nhân vật thái tử (ca sĩ Isaac đóng) cùng cuộc chiến “kép” vừa bảo vệ giang sơn bờ cõi, vừa chống lại âm mưu phản trắc từ các thế lực trong triều của thái tử.

Tên phim đã ngụ ý thông báo cốt truyện cổ tích quen thuộc chỉ là cái nền, cái cớ để đội ngũ làm phim tưởng tượng ra phần “ngoại truyện”. Ba nhân vật chủ chốt là Tấm và mẹ con Cám không có gì thay đổi so với nguyên tác, từ tình tiết gây xung đột đến tính cách từng người. Các nhân vật còn lại trong truyện như thái tử, bà lão hái thị, ông bụt đều ít nhiều có sự biến tấu, thêm thắt như ông bụt không những hiền lành mà còn nhí nhảnh, vui tính; bà lão được cho là người dân tộc; thái tử dù khí phách nhưng có chút “ngựa non háu đá”, hành xử hơi tùy hứng.

Chong chenh phim cai bien tu co tich
Sự xuất hiện của quái vật Cự Yết Tinh trong Tấm Cám: chuyện chưa kể - một biến tấu chưa thuyết phục người xem

Việc cải biên này cùng những tình tiết thêm thắt như thái tử mở lễ hội thử giày thu hút các công chúa, tiểu thư đến từ nước ngoài tham gia; thái tử đem quân đánh giặc, thừa tướng cấu kết với Cám đầu độc vua, vẫn được nhiều người xem chấp nhận. Nhưng khi nhà làm phim cho thái tử bị biến thành quái vật ở gần cuối phim và đánh nhau một trận long trời lở đất với vị thừa tướng là quái vật Cự Yết Tinh đội lốt người, thì nhiều khán giả phản ứng. Trên các diễn đàn mạng bàn về bộ phim, đoạn hai quái vật đánh nhau này gây nhiều tranh cãi nhất.

Không ít người cho rằng về cuối, câu chuyện cổ tích VN đã như truyện cổ nước ngoài khi thái tử nuốt viên ngọc, biến thành quái vật và đánh nhau tơi bời với quái thú trước sự chứng kiến của Tấm. Còn một cô gái nhà quê như Tấm, chân yếu tay mềm bỗng chốc biến thành nữ cường nhân khi váy áo xùm xòe mà vẫn nhảy phóc lên được người Cự Yết Tinh đâm nó một nhát trí mạng trong khi quái vật-thái tử còn phải “lên bờ xuống ruộng” khi giao đấu với nó.

Đối với dòng phim cải biên, một khi sự sáng tạo không làm bật lên được giá trị cốt lõi của câu chuyện mà chỉ mang yếu tố màu mè, thì sáng tạo đó khó thuyết phục người xem. Một trong những lý do khiến kinh phí TC: CCK tăng cao là vì phần kỹ xảo, nhất là việc tạo hình ảnh hai con quái vật không rõ giống loài để phục vụ khâu sáng tạo này. Biên kịch Châu Thổ nêu quan điểm: “Thuận lợi của việc làm này là tích truyện đã quen thuộc với mọi người, cấu trúc các câu chuyện cổ tích theo lối ba hồi rất rõ ràng, súc tích, dễ hấp dẫn. Khó khăn duy nhất là biên kịch phải có ý tưởng sáng tạo đột phá, khác lạ mà vẫn hợp logic. Vì nếu không sáng tạo thì kịch bản rơi vào tình trạng “biết rồi nói mãi”, mà “phăng” quá đà thì dễ bị người xem phản đối”.

Khai thác cổ tích, truyền thuyết quen thuộc trong dân gian để làm phim là xu hướng hiện nay của nhiều nhà làm phim trên thế giới, nhưng phim cải biên nhận được nhiều lời khen còn khá hiếm. Khán giả từng được thưởng thức biến tấu của những câu chuyện cổ tích như Cô bé quàng khăn đỏ (phim Red Riding Hood), Alice ở xứ sở thần tiên (phim Alice in wonderland, Alice through the looking glass) hay Bạch Tuyết và bảy chú lùn (Mirror mirror, Snow White and the huntsman), Người đẹp và quái vật (phim Beastly), Người đẹp ngủ trong rừng (phim Malefi cent).

Những bộ phim này thậm chí bẻ lái nhân vật chính theo những hướng không ngờ như cô bé quàng khăn đỏ không ngây thơ, cả tin mà là một cô gái trẻ xinh đẹp (Valerie) bị giằng xé tình cảm giữa hai người đàn ông. Bà phù thủy “ác bẩm sinh” trong câu chuyện Người đẹp ngủ trong rừng khi lên phim Malefi cent biến thành một vị tiên tốt bụng nhưng vì bị phụ tình nên mới hóa độc ác. Hay quái thú trong Beastly vốn là một chàng công tử nhà giàu điển trai đến từ khu Manhattan hoa lệ.

Không chỉ biến đổi xuất thân, tuổi tác nhân vật, nhiều phim cải biên còn biến tấu nhiều tình tiết mới, không có trong bản gốc như gã thợ săn yêu luôn nàng Bạch Tuyết (phim Snow White and the huntsman). Tuy vậy, sáng tạo này của Hollywood vẫn chưa khiến khán giả “choáng” bằng việc các nhà làm phim Trung Quốc cải biên câu chuyện bốn thầy trò Đường tăng đi thỉnh kinh quen thuộc thành các dị bản Tây du ký mà ở đó Đường tăng có tính phong lưu, phải đi giải cứu ba đồ đệ và có mặt cả người ngoài hành tinh (phim Tình điên đại thánh), Đường tăng là pháp sư và yêu một nữ đồng nghiệp (trong Tây du ký: Mối tình ngoại truyện), Tôn Ngộ Không yêu một tiên nữ (Đại thoại Tây du 2) hay sắp tới là Đại thoại Tây du 3 có tình tiết Bà La Sát ly hôn Ngưu Ma Vương để đến với Tôn Ngộ Không!

Những câu chuyện dân gian luôn có sức thu hút bởi hướng con người tới những giá trị tốt đẹp: thiện thắng ác, ở hiền gặp lành... là nguồn nguyên liệu tốt cho các nhà làm phim. Nhưng điều khán giả chờ là các phiên bản mới được xây dựng sáng tạo, hấp dẫn, nhất là tôn thêm giá trị tinh thần của nguyên tác, chứ không phải ăn theo, chế biến câu chuyện gốc một cách khiên cưỡng, nhạt nhẽo.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI