Chọn nghề cho con, không phải cho cha mẹ!

09/03/2014 - 10:37

PNO - PN - Việc chọn đúng nghề góp phần quyết định vào sự thành công và tạo nên hạnh phúc cho mỗi người. Thế nhưng, một trong những nỗi khổ của học sinh là bị buộc phải theo nghề mà mình không hề yêu thích vì sự chỉ định của...

edf40wrjww2tblPage:Content

Lạc đường vì cha mẹ

Nhờ giảng dạy tại các trường đại học, tôi có điều kiện để làm những khảo sát nho nhỏ kiểu như: “Nếu có cơ hội lần hai, anh chị nào đang ngồi đây quyết định sẽ chọn lại ngành học cho mình?”. Kết quả vô cùng bất ngờ: 60-70% sinh viên nhanh chóng giơ tay. Có thể con số này chưa đủ độ tin cậy, nhưng cũng đủ cho thấy một thực trạng gây sốc.

Khi điều tra cụ thể, hai lý do phổ biến nhất là:

- Học xong em mới thấy ngành này không giống em hình dung như trước (tìm hiểu không kỹ).

- Vì em thi theo bắt buộc của gia đình. Ba em bắt học ngành này để khi em tốt nghiệp, ba đưa vào công ty của ba; mẹ muốn em học ngành này để sau này giàu có.

Giờ thì “đã phóng lao, phải theo lao”, các em tự ép mình học ngành mà mình không hứng thú, cũng chẳng phù hợp. Cuối cùng, các em chỉ cố học cho qua, cố thi để ra trường.

Chon nghe cho con, khong phai cho cha me!

Ảnh minh họa: Giờ thực tập của sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM.

Cuộc chiến ngành nghề

Tôi từng tiếp xúc với nhiều trường hợp bạn trẻ đau khổ vì phải thi, phải học theo “chỉ thị” của cha mẹ. Một bạn đã 27 tuổi, ngày xưa đam mê ngành công nghệ thông tin, nhưng cha mẹ của bạn đều làm tại trung tâm y tế, nên buộc bạn phải học ngành y, để cha mẹ dễ sắp xếp chỗ làm. Đấu tranh mãi không được, cuối cùng đành theo ý gia đình. Vật vã mấy năm mới tốt nghiệp với tấm bằng trung bình, bạn chán nản không muốn đi làm ở cơ quan của cha mẹ, ở nhà suốt ngày chơi game, lướt net.

Một em học sinh lớp 12 viết thư tâm sự với tôi: “Ba mẹ em vốn đi đâu cũng nói sẽ cho em học quản trị kinh doanh, nhưng lại không để ý là em chẳng hề thích ngành đó chút nào, chỉ thích học sư phạm văn, trở thành một giáo viên.

Nhiều lần em đã chủ động thăm dò xem ý định của ba mẹ thế nào, mẫu số chung của ba mẹ luôn là: "Ông bà ta dạy: phi thương bất phú".

Em xin ba mẹ cho thi một lúc cả hai ngành quản trị kinh doanh và sư phạm, mẹ bảo làm vậy sẽ bị phân tán thời gian và phí công sức. Sau đó, tất cả các sách tham khảo cũng như tài liệu về khối C của em bỗng dưng biến mất. Ba mẹ còn thống nhất hôm thi khối C sẽ ở nhà đóng cửa để em không đi thi được. Áp lực từ phía ba mẹ còn khủng khiếp hơn là việc thi cử. Em phải làm sao đây?”.

Tam giác chọn nghề

Muốn có một nghề nghiệp hợp lý, phải thỏa mãn cả ba đỉnh của tam giác chọn nghề, nhưng thông thường, cha mẹ chỉ yêu cầu con vì một tiêu chí duy nhất: cơ hội nghề nghiệp, mà không tính đến những yếu tố quan trọng khác.

Đỉnh thứ nhất là đam mê. Muốn sống chung trọn đời với nghề nghiệp đó, muốn có động lực để rèn luyện chuyên môn thì phải có sự yêu thích, có động cơ.

Đỉnh thứ hai là năng lực. Đó chính là năng khiếu. Có câu chuyện thế này: Một hôm lạc đà con mới hỏi lạc đà mẹ:

- Mẹ ơi! Tại sao lạc đà lại có bướu?

- Con trai à, bướu để trữ nước. Ta không thể sống trên sa mạc mà không có nước.

- Dạ. Thế tại sao chân mình dài và bàn chân tròn thế mẹ?

- Đó là phương tiện đi trên sa mạc tốt hơn bất cứ loài nào khác.

- Dạ. Nhưng còn lông mi, thỉnh thoảng nó cọ cọ làm che tầm nhìn con.

- Con trai à, lông mi dài và dày là để bảo vệ mắt khỏi cát và gió sa mạc.

- Dạ con hiểu rồi: bướu là để trữ nước, chân để đi bộ, lông mi để che chắn khi sống trên sa mạc. Vậy mình đang làm quái gì trong sở thú thế hở mẹ?

Tiềm năng của lạc đà bị thui chột vì đã ở sai môi trường. Chọn cho mình một ngành nghề cũng là chọn một môi trường sống cho những tiềm năng của mình. Nếu lạc đà, phải tìm ra sa mạc. Nếu là cá, phải ở môi trường nước. Nếu là chim, phải được bay trên bầu trời. Nghề nghiệp phải hợp với tiềm năng của bản thân.

Tuy nhiên, năng lực không chỉ là năng khiếu, mà còn là khả năng đầu vào và cả khả năng tài chính.

Đỉnh thứ ba là cơ hội nghề nghiệp. Đầu tiên là cơ hội việc làm hoặc tự tạo việc làm. Những ngành nghề xã hội cần lao động sẽ có nhiều cơ hội tìm việc. Tuy nhiên, những ngành ấy cũng sẽ có rất nhiều thí sinh chen vào. Một cái chậu có mười con cá và một cái chậu có hai con cá, hãy chọn lựa một cách khôn ngoan.

Tuy nhiên, đây không phải yếu tố tiên quyết, vì thực ra, dù không phải ngành “hot”, nhưng nếu thật sự giỏi, các em vẫn có thể thành đạt. Thêm vào đó, cơ hội nghề nghiệp còn là cơ hội thực hiện ước mơ trong đời qua nghề nghiệp đó.

Cha mẹ nên làm gì?

Trong mắt chúng ta, con cái luôn bé nhỏ và nông cạn. Tuy nhiên với những chuyện quan trọng cả đời thế này, cha mẹ nên trao quyền quyết định cho con cái và chúng sẽ phải tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Đôi khi, chúng ta có tầm nhìn về cơ hội việc làm, nhưng chính đứa trẻ mới biết chúng thật sự yêu thích cái gì, phù hợp với cái gì. Tuy nhiên, cha mẹ không nên bỏ rơi con cái trong giai đoạn quyết định này, mà phải là những nhà tư vấn cho con, chỉ cho chúng thấy con đường nào sáng, con đường nào tối, để chúng có thêm thông tin mà ra quyết định.

Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, đừng để con mình nằm trong số sinh viên đi lạc đang ngồi trên giảng đường đại học, từ đó tạo ra những con người thiếu lửa, một xã hội thiếu lửa. Để làm được điều đó, cha mẹ phải là người đồng hành, chứ không quyết định thay con.

Bí kíp cho con

Trong trường hợp bị cha mẹ ép buộc phải thi vào một ngành nào đó, các bạn trẻ không nên nóng vội mà cần phải suy nghĩ ba bước sau:

Cha mẹ sống lâu hơn mình, cũng khá hiểu mình. Hãy xem lời cha mẹ khuyên có lý hay không? Nếu có lý và ngành của cha mẹ gợi ý cũng phù hợp, mình cũng có chút hứng thú thì nên tôn trọng ý kiến cha mẹ. Đôi khi, nếu ngành ấy thật sự hợp, tình cảm có thể nảy sinh sau.

Nếu bạn không muốn chọn ngành cha mẹ chỉ định, muốn theo đuổi con đường của mình, nhưng cha mẹ kiên quyết không cho, bạn nên tìm những phương án dung hòa. Chẳng hạn, bạn thích dược, cha mẹ muốn bạn học kinh doanh, bạn có thể làm trình dược viên, kinh doanh thuốc…

Nếu gợi ý của cha mẹ hoàn toàn không phù hợp với năng khiếu của bạn, bạn cũng không yêu thích ngành đó, chỉ thấy ý nghĩa của cuộc sống ở một ngành nghề khác và bạn đã tìm hiểu rất kỹ, chắc chắn về điều đó, thì nên tìm cách thuyết phục cha mẹ.

Cách 1: Thuyết phục bằng lý.

Hãy tìm ra lý do vì sao cha mẹ muốn bạn theo những ngành đó. Nắm được nguyên nhân, mới tìm được các luận cứ chắc chắn để thuyết phục.

Cách 2: Thuyết phục bằng tình.

Bạn không thể nào sưởi ấm người khác nếu không phải là cái lò sưởi. Bạn phải thật sự tin tưởng vào quyết định của mình, thể hiện một cách mãnh liệt khao khát của bản thân. Chính ngọn lửa trong lòng bạn sẽ khiến cha mẹ phải nghiêm túc lắng nghe bạn.

Cách 3: Tìm kiếm đồng minh.

Anh chị trong nhà, cô dì chú bác, ông bà, thậm chí giáo viên chủ nhiệm sẽ là những đồng minh có tiếng nói nặng ký. Đặc biệt, hãy nhờ một người đang làm trong nghề ấy, thẩm định giúp bạn sự tương thích với nghề để trở thành đồng minh giúp bạn thuyết phục cha mẹ.

ThS NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU
(Khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM)

Chon nghe cho con, khong phai cho cha me! Chon nghe cho con, khong phai cho cha me!

Chon nghe cho con, khong phai cho cha me! Chon nghe cho con, khong phai cho cha me!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI