'Chợ' rau dại giữa rừng cao su

18/11/2014 - 07:00

PNO - PN - Nhiều du khách từ Vũng Tàu trở về TP.HCM đã ghé khu chợ này mua các loại rau dại về ăn hay tặng bạn bè, người thân như một thứ quà đặc biệt.

edf40wrjww2tblPage:Content

Vừa rời khỏi trung tâm hành chính huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), theo hướng ra phà Cát Lái để về TP.HCM, du khách sẽ gặp khu chợ tự phát bán các loại rau dại, rau rừng (ảnh)… Những loại rau được bán ở đây chủ yếu được hái từ tự nhiên: rau chạy (đọt choại), càng cua, kèo nèo, bình tinh, khổ qua rừng, măng rừng… vừa có hương vị lạ, vừa không bị phun xịt hóa chất.

Khu chợ nằm giữa rừng cao su, dọc tuyến đường 25B, kéo dài chừng 500m nhưng có tới vài chục điểm bán. Những bó rau chạy, kèo nèo… xanh mướt được xếp thành hàng ngay ngắn. Không có cảnh chào mời, chèo kéo, nhưng khách đi xe máy, xe du lịch cứ thay nhau ghé mua.

Dì Tư Ngọc, buôn bán tại đây gần tám năm cho biết, những năm trước các hộ chỉ mắc võng trên thân cây cao su để bán nước giải khát cho khách du lịch dừng chân nghỉ ngơi, số ít người mang rau, củ ra bán… Rồi người mua ngày một tăng, nhất là khi con đường dẫn ra phà Cát Lái hoàn thiện, đông đảo khách du lịch từ Vũng Tàu trở về Sài Gòn bằng xe máy, xe con. “Khách quen thì dừng xe, nhặt nhanh mỗi loại một ít, khách lạ thì ghé uống nước, mua thử…”, dì Ngọc nói. Nhiều người bán rau dạo trước đây trở thành “nhà cung cấp” cho các chủ quán nước giải khát.

'Cho' rau dai giua rung cao su

Dạo một vòng các sạp, chúng tôi được hầu hết người bán nói rõ về nguồn gốc các loại rau. Rau chạy được người dân các xã Vĩnh Thanh, Phước An, Phước Khánh… H.Nhơn Trạch, Đồng Nai, thu hái ở những vùng bến sông, sình lầy. “Nó như cỏ dại mọc ngoài bến sông. Cũng chẳng lo dơ bẩn gì vì cây cao tới mét rưỡi, hai mét, khi hái chỉ hái đọt trên cao…”, ông Nguyễn Văn Tính, một người chuyên đi thu hái đọt choại tại xã Vĩnh Thanh cho hay.

Vào mùa mưa, rau mọc nhiều nên giá thường rẻ hơn (khoảng 10.000 đồng/bó/kg), nhưng vào mùa khô thì giá tăng gấp đôi. Một số khác như măng, khổ qua, kèo nèo, càng cua… thì có cả loại thu hái tự nhiên lẫn loại người dân lấy giống từ rừng về trồng. Giá sản phẩm thu hái tự nhiên luôn cao hơn gấp hai, ba lần so với giống trồng. Chẳng hạn, khổ qua rừng tự nhiên giá 40.000-60.000 đồng/kg, còn khổ qua rừng lấy giống về trồng chỉ 20.000 đồng/kg…. Những sạp có sản phẩm vừa trồng vừa thu hái tự nhiên đều xếp hàng hóa riêng biệt để khách so sánh và lựa chọn.

Bất cứ khách hàng nào muốn tìm hiểu cách chế biến các loại rau này cũng sẽ được người bán chỉ dẫn rất nhiệt tình. Rau chạy vị đắng, nhớt nhưng luộc chấm kho quẹt hay xào tỏi như rau muống ăn nóng rất ngon. Măng rừng có thể mua loại chế biến sẵn ngâm giấm hay loại nguyên búp về xào, nấu canh…

Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, nhân viên một ngân hàng tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM cho hay: “Ban đầu tôi mua về ăn thử, thấy ngon nên lần nào ngang qua đây cũng ghé vào. Rau vườn như đọt lang, măng, cà pháo, mướp, bí… ở thành phố bán nhiều nhưng không thơm ngon bằng ở đây, dù hình thức có thể hơn”.

Thạc sĩ Lương Văn Dũng, Khoa Sinh, Trường ĐH Đà Lạt, người có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về các giống rau rừng cho biết, với những cây được lấy giống từ rừng về trồng như khổ qua, măng… có chất lượng, hương vị hơn những giống cây đã được lai tạo, với điều kiện người trồng không sử dụng phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật. Thạc sĩ Dũng hướng dẫn thêm: với măng rừng, dù hái tự nhiên hay trồng, người dùng cần biết loại bỏ vị đắng và một số độc tố trong măng bằng cách bỏ vỏ, xé nhỏ hoặc thái lát ngâm trong nước sạch qua đêm, hoặc thái ra luộc trước khi chế biến. Riêng những loài rau dại, mọc ở những vùng rừng thưa được người dân bản địa thu hoạch, sử dụng từ lâu nay thì không phải lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm.

 THƯ HÙNG

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEanlanhsongmanhvi /strCate=anlanhsongmanh
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthitruongvi /strCate=thitruong