Chính phủ yêu cầu xem xét việc rút lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến khỏi danh sách di sản

30/05/2022 - 16:18

PNO - Chính phủ giao các cơ quan liên quan xem xét, xử lý kiến nghị của Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc về vụ lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến.

 

Một hoạt động trong phần nghi lễ thuộc lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến
Một hoạt động trong phần nghi lễ thuộc lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến

Trong văn bản số 3176/VPCP-KGVX, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia và các cơ quan liên quan xem xét, xử lý kiến nghị của Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Ngày 30/5, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc cùng các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử ở Huế làm việc với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia về vấn đề trên. 

Trước đó, vào đầu tháng 4, lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Sau đó, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị liên quan về việc rút lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến khỏi danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vì có nhiều thông tin sai, làm xấu hình ảnh vua Gia Long.

Tại buổi tọa đàm khoa học với chủ đề An Sơn miếu và bà Phi Yến ở Côn Đảo - vấn đề từ truyền thuyết đến hồ sơ di sản, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đã làm rõ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến không phải là vợ vua Gia Long; cũng không có việc ném con xuống biển trong quá trình chạy trốn quân Tây Sơn.

Các tham luận cũng nhất trí với quan điểm vua Gia Long không chạy đến Côn Đảo khi thất trận ở Gia Định. Côn Đảo là nơi xuất phát của truyền thuyết về Thứ phi Hoàng Phi Yến. 

An Sơn miếu là điểm đến quen thuộc của nhiều du khách khi tới Côn Đảo
An Sơn miếu là điểm đến quen thuộc của nhiều du khách khi tới Côn Đảo

Truyền thuyết về Thứ phi Hoàng Phi Yến kể rằng bà là vợ vua Gia Long, tên thật Lê Thị Răm. Bà có với vua 4 người con, trong đó có hoàng tử Hội An, còn gọi là hoàng tử Cải.

Khi bị Tây Sơn đánh đuổi, vua dẫn vợ con trốn ra Côn Đảo. Ông có ý định nhờ giám mục Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện, mang theo hoàng tử Hội An làm con tin. Bà Thứ phi can ngăn, suýt bị vua chém đầu. Sau đó, bà bị giam cầm.

Khi quân Tây Sơn đánh đến Côn Đảo, vua Gia Long cùng đoàn tùy tùng chạy đến đảo Phú Quốc. Hoàng tử Cải vì muốn ở lại với mẹ nên bị ném xuống biển, xác trôi dạt vào bờ, được dân làng chôn cất, lập miếu thờ - gọi là miếu Cậu.

Theo truyền thuyết, bà Thứ phi được vượn bạch và hổ cứu sống, giúp bà trông coi mộ hoàng tử. Sau này, bị kẻ xấu xúc phạm, bà tự tử để giữ danh tiết. Người dân lập miếu thờ bà. Câu chuyện này cũng được cho là nguồn gốc ra đời hai câu: "Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay".

Năm 1958, ông Nguyễn Kim Sáu xin xây dựng chùa trên nền miếu cũ để nhang khói cho bà, nhưng dân trong làng không ai nhớ ngày mất của bà. Một người dân tên Trần Hữu Khoẻ đã ăn chay, cầu khấn và được bà cho biết ngày giỗ là ngày 18/10 âm lịch.

Nhiều câu hỏi được đặt ra: vua Gia Long có đến Côn Đảo không?, Vì sao bà Thứ phi gắn liền với cuộc sống người dân nhưng họ lại không nhớ lễ giỗ? Côn Lôn có phải là Côn Đảo hiện tại?...

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI