Cấp thiết bảo vệ di sản nghe nhìn ở Việt Nam - Bài 3:

Nhiều quốc gia chi triệu đô bảo vệ di sản nghe nhìn

17/05/2022 - 18:10

PNO - “Quá nhiều di sản nghe nhìn đã thất truyền do con người coi thường giá trị của nó, hoặc bị phân hủy hóa học, hoặc do kỹ thuật lỗi thời".

Ở nước ta, do chiến tranh cũng như điều kiện lịch sử, bộ sưu tập âm thanh và nghe nhìn quý giá đã thất thoát nhiều. Có những tư liệu giờ không thể tìm thấy nữa. Do vậy, cấp thiết bảo vệ di sản nghe nhìn cũng là bảo vệ một phần còn sót lại của lịch sử dân tộc.

Bài 1: Thiếu một chiến lược tổng thể
Bài 2: 
Di sản không phải là câu chuyện của sự tự tin

Tư liệu nghe nhìn của mỗi quốc gia là nền tảng của một quá trình lịch sử, phát triển văn minh của nước đó. Bà Irina Bokova - cựu Tổng Giám đốc UNESCO - trong một dịp kỷ niệm ngày Thế giới về các di sản nghe nhìn (27/10) đã từng nhấn mạnh: thế giới cần gìn giữ cho các thế hệ tương lai cơ hội được nghe và xem lại những khoảnh khắc lịch sử đã khắc sâu vào ký ức của lịch sử quốc gia. 

Bà khẳng định bảo tồn các di sản nghe nhìn thế giới là bảo tồn ký ức tập thể của nhân loại, và đảm bảo chuyển nó cho thế hệ tương lai. Từ đó đưa ra lời cảnh báo: “Quá nhiều di sản nghe nhìn đã thất truyền do con người coi thường giá trị của nó, hoặc bị phân hủy hóa học, hoặc do kỹ thuật lỗi thời. Vì vậy, bảo vệ và làm đậm đà hơn các di sản này là điều kiện để di sản sống mãi”.

Các nhân viên Memnon cần ba năm để cùng người địa phương số hóa các dữ liệu nghe nhìn của New Zealand
Các nhân viên Memnon cần ba năm để cùng người địa phương số hóa các dữ liệu nghe nhìn của New Zealand

Công cuộc bảo vệ di sản nghe nhìn rất tốn kém, và một số quốc gia trên thế giới đang nỗ lực chi ngân sách mạnh, chạy đua với thời gian, để giữ gìn những giá trị văn hóa của đất nước. Cuối năm ngoái, Viện Lưu trữ âm thanh và phim ảnh Úc (NFSA) đã được chính phủ liên bang Úc tuyên bố “bơm” 41,9 triệu đô Úc trong bốn năm cho công tác số hóa các dữ liệu nghe nhìn. Số tiền này sẽ giúp NFSA bảo quản tốt 240.000 vật phẩm có nguy cơ hư hại cao đang được nơi này và bảy đơn vị sưu tầm quốc gia khác trong nước sở hữu. Ngoài ra, Chính phủ còn chi 5,7 triệu đô Úc trong hai năm, nhằm củng cố duy trì dịch vụ tập hợp cơ sở dữ liệu thư viện trực tuyến của Úc (thuộc Thư viện quốc gia Úc) cho đến tháng 6/2023. 

Khoản tài trợ Chính phủ dành cho NFSA là một phần của cam kết chi 67,7 triệu đô la Úc cho chương trình bảy năm, giúp cơ quan lưu trữ quốc gia Úc (NAA) số hóa khẩn cấp những tài liệu có nguy cơ bị mất cao nhất. Cơ quan này đang chạy đua với thời gian để số hóa hơn 11 triệu mục ảnh, và 400.000 mục nghe nhìn trên băng từ và phim, những tư liệu có thể bị mất trong vòng 5-10 năm tới, do thiết bị phát đã quá cũ kỹ, còn các nhân viên có kỹ năng bảo quản các tài liệu này sẽ nghỉ hưu từ năm 2025. NAA mới số hóa 4% bộ sưu tập băng từ nghe nhìn. Vì vậy, việc tăng tốc số hóa các tư liệu trên là một trong những kế hoạch đang được quan tâm hàng đầu tại NAA.

Nhân viên Memnon sẽ ở NZ làm việc 3 năm
Nhân viên Memnon sẽ ở NZ làm việc 3 năm

Trong khi Úc chi tiền để tự lực trong quá trình số hóa, thì Chính phủ New Zealand mời hẳn chuyên gia nước ngoài về giúp. Tháng trước, ba đơn vị gồm Thư viện quốc gia, cơ quan lưu trữ New Zealand và cơ quan lưu trữ điện ảnh, truyền hình và âm thanh New Zealand Ngā Taonga vừa ký hợp đồng mời các chuyên gia người Bỉ của công ty Memnon sang hỗ trợ. Đây là đơn vị có 20 năm kinh nghiệm chuyển đổi số trên quy mô lớn dữ liệu nghe nhìn của các thư viện, đài phát thanh, bảo tàng, các tổ chức chính phủ… trên thế giới. Nhóm chuyên gia sẽ ở lại nước này ba năm, giúp các nhân viên bản địa thực hiện số hóa hàng trăm ngàn vật phẩm nghe nhìn có nguy cơ bị hư hại cao của ba đơn vị kể trên.

Dự án số hóa này có tên là Utaina trị giá 40 triệu USD, bắt đầu từ quý hai năm nay và hoàn thành vào năm 2025. Hiện hơn 10 tấn trang thiết bị phục vụ cho việc chuyển đổi số đang được vận chuyển từ nước ngoài về. Dự án sẽ tạo công ăn việc làm cho 15-20 lao động địa phương. Số lượng vật phẩm sắp số hóa khá nhiều, trong đó Ngā Taonga có đến 348.000 vật phẩm ở nhiều định dạng, thư viện quốc gia có 106.000 vật phẩm và cơ quan lưu trữ New Zeland có 10.500 vật phẩm. Chỉ riêng 348.000 vật phẩm kia, nếu không nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia, người New Zealand phải mất 2000 năm mới số hóa xong. 

Hương Nhu

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI