Chiến tranh để lại gì trong mắt những đứa trẻ mồ côi tại Nhật Bản sau 75 năm

16/08/2020 - 06:00

PNO - Những câu chuyện kể lại sau 75 năm nhấn mạnh nỗi đau của nhóm trẻ mồ côi vì chiến tranh, và cách Nhật Bản chấp nhận quá khứ đen tối của mình.

Bị bỏ rơi bên lề xã hội

Trong nhiều năm, trẻ mồ côi ở Nhật Bản chịu nhiều tủi nhục chỉ vì “lỡ” sống sót sau chiến tranh. Họ bị bắt nạt, bị gọi là rác rưởi và bị bỏ mặc để tự kiếm sống trên đường phố. Cảnh sát vây bắt và ném họ vào tù. Họ bị gửi đến trại trẻ mồ côi hoặc bị bán để lao động. Tất cả cảm thấy như chính phủ bỏ rơi họ, lạm dụng và phân biệt đối xử.

Kisako Motoki nói về trải nghiệm chiến tranh của mình tại Cầu Kikukawa, nơi bà may mắn trốn thoát khỏi cuộc Không kích ở Tokyo vào ngày 10/3/1945.
Kisako Motoki nói về trải nghiệm chiến tranh của mình tại Cầu Kikukawa, nơi bà may mắn trốn thoát khỏi cuộc không kích ở Tokyo vào ngày 10/3/1945

Giờ đây, 75 năm sau khi Chiến tranh Thái Bình Dương kết thúc, một số người đã phá vỡ hàng thập niên im lặng để mô tả cho thế giới về tinh thần phục hồi, nỗ lực sinh tồn, cùng vô số đau khổ của họ và kêu gọi công lý.

Kisako Motoki chỉ mới 10 tuổi khi bom chùm của Mỹ dội xuống khu phố trung tâm Tokyo mà gia đình bà sinh sống. Trong nhiều thập niên, Kisako giữ im lặng về những khốn khổ sau đó.

Vào ngày 10/3/1945, khi những quả bom napalm biến phía đông Tokyo thành một cánh đồng đổ nát cháy âm ỉ, Motoki và anh trai đã trốn trong một hầm trú ẩn mà cha cô bé đã đào sau nhà.

Cuối cùng Motoki đã bỏ trốn cùng anh trai và không bao giờ gặp lại cha mẹ mình.

Hai đứa trẻ cùng nhau đi qua những đống xác cháy đen. Họ nhìn thấy những người bị bỏng nặng nằm la liệt bên vệ đường, hay những nạn nhân với cơ thể không nguyên vẹn. Motoki tự trách mình sao không đợi cha mẹ, cảm giác như chính bà gây ra cái chết của họ.

Motoki đến nhà của người chú ruột, và điều này đánh dấu sự khởi đầu của thử thách kéo dài nhiều năm với tư cách là một đứa trẻ mồ côi trong chiến tranh.

Motoki đã sống sót sau cuộc không kích chết chóc nhất từ ​​trước đến nay. Ước tính hơn 105.000 người đã thiệt mạng chỉ trong một đêm, nhưng sự tàn phá phần lớn bị lu mờ bởi hai vụ tấn công bằng bom hạt nhân và sau đó bị lãng quên trong quá trình gấp rút xây dựng lại Nhật Bản thời hậu chiến.

Khi còn là một nữ sinh, Motoki làm người giúp việc cho gia đình 12 người của chú; họ trả tiền học cho cô gái trẻ. Nhưng Motoki bị bạo hành bằng lời nói, và những người anh em họ liên tục đánh hai anh em bà cho đến khi mặt của họ bị sưng và bầm tím. Cả hai chỉ được ăn một lần một ngày.

Bà Motoki dùng một tấm giấy kính màu đỏ để diễn tả lại khung cảnh sau trận oanh tạc của Mỹ vào Tokyo hơn 75 năm trước.
Bà Motoki dùng một tấm giấy kính màu đỏ để diễn tả lại khung cảnh sau trận oanh tạc của Mỹ vào Tokyo hơn 75 năm trước

Motoki cho biết những người thân của bà khi đó, cũng như hàng chục ngàn người khác, đang phải vật lộn để làm lại cuộc đời. Họ có rất ít thời gian dành cho những đứa trẻ mồ côi, thậm chí dù là ruột thịt. Chính phủ hoàn toàn không hỗ trợ họ.

Bà Motoki (86 tuổi) kể: “Tôi rất đau đớn khi kể câu chuyện của mình. Nhưng tôi vẫn phải tiếp tục lên tiếng vì tôi không muốn bất kỳ đứa trẻ nào rơi vào cảnh mồ côi trong chiến tranh, như tôi đã từng trải qua. Làm thế nào mà chúng tôi, khi còn trẻ, có thể lên tiếng chống lại chính phủ? Họ bỏ rơi chúng tôi, và hành động như thể chúng tôi chưa từng tồn tại".

Sau nhiều năm đau đớn vì quá khứ, bà Motoki vào đại học để theo đuổi ước mơ âm nhạc vào lúc 60 tuổi.

Bị kỳ thị

Mitsuyo Hoshino (86 tuổi) nhớ lại sự bùng nổ của chủ nghĩa dân tộc vào tháng 11/1940, khi chính phủ thời chiến của Nhật Bản tổ chức một lễ kỷ niệm hoàng gia lớn. Trong chiến tranh, học sinh Nhật Bản được dạy phải tôn kính Thiên hoàng như một vị thần và dành cả cuộc đời cho ngài.

Vào một ngày tháng 11 đó, Hoshino bước ra khỏi cửa hàng mì của cha mẹ cô ở khu phố Asakusa trung tâm thành phố Tokyo và chứng kiến ​​đám đông người dân vẫy cờ Mặt trời mọc. Đường phố được trang trí với các biểu ngữ tôn vinh hoàng đế, kỷ niệm sự thịnh vượng và mở rộng của Nhật Bản.

Mitsuyo Hoshino đứng trước trường tiểu học Chuwa, ngôi trường mà 75 năm trước bà đang theo học ở Tokyo.
Mitsuyo Hoshino đứng trước trường tiểu học Chuwa, ngôi trường mà 75 năm trước bà đang theo học ở Tokyo

Một năm sau, vào ngày 8/12, Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng.

Mitsuyo nhớ mình từng chơi với em gái bên ngoài cửa hàng mì, và rất vui khi cùng cả nhà đến một cửa hàng bách hóa. Đó là những kỷ niệm tuổi thơ hạnh phúc cuối cùng của cô.

Năm 13 tuổi, Mitsuyo Hoshino và các bạn cùng lớp sơ tán đến một ngôi đền ở Chiba, ngoại ô Tokyo, vào năm 1944, khi các vụ ném bom của Mỹ leo thang. Sau đó, người chú tiết lộ rằng cha mẹ và hai anh chị em của Mitsuyo đã chết trong vụ đánh bom ngày 10/3/1945.

Hoshino và hai người em của cô được gửi đến nhà họ hàng. Có lần cả ba trốn thoát khỏi nhà một người cô trước nguy cơ bị bán cho những người cần lao động, và đến nhà bà ngoại.

Sau đó, Mitsuyo sống với gia đình một người chú, giúp đỡ nông trại của họ khi học xong trung học. Khi trưởng thành, cô quay trở lại Tokyo, nhưng phải vật lộn với sự phân biệt đối xử trong quá trình kiếm việc làm. Mitsuyo nghe thấy những người thân của chồng xì xào về “lý lịch đáng ngờ” của mình ngay trong lễ cưới.

Sau đó, Mitsuyo quyết định chia sẻ trải nghiệm của mình bằng cách vẽ truyện tranh cho trẻ em. Người phụ nữ mạnh mẽ đã biên soạn cuốn sách gồm 11 câu chuyện về trẻ mồ côi, bao gồm cả câu chuyện của chính mình.

Một bức tranh vẽ của bà Mitsuyo Hoshino thể hiện cảnh những đứa trẻ mồ côi dắt tay nhau chạy trốn.
Một bức tranh vẽ của bà Mitsuyo Hoshino thể hiện cảnh những đứa trẻ mồ côi dắt tay nhau chạy trốn

Nhật Bản cần đối mặt quá khứ

Một cuộc khảo sát của chính phủ năm 1948 cho thấy có hơn 123.500 trẻ mồ côi trong chiến tranh trên toàn quốc. Nhưng các trại trẻ mồ côi được xây dựng chỉ có sức chứa 12.000 người, khiến nhiều trẻ em không nơi nương tựa.

Nhiều trẻ em bị ngược đãi trốn thoát khỏi những người thân hoặc trại trẻ mồ côi và sống tại các ga tàu, kiếm tiền bằng cách đánh giày, lượm tàn thuốc hoặc móc túi. Trẻ em đường phố thường bị cảnh sát vây bắt, gửi đến các trại trẻ mồ côi hoặc đôi khi bị những kẻ môi giới bắt và bán cho các trang trại làm công nhân.

Quang cảnh Tokyo sau vụ đánh bom tháng 3/1945.
Quang cảnh Tokyo sau vụ đánh bom tháng 3/1945

Những người sống sót sau vụ đánh bom cùng những đứa trẻ mồ côi cảm thấy họ đã bị lịch sử và những người lãnh đạo lãng quên.

Các chính phủ thời hậu chiến cung cấp tổng cộng 60 nghìn tỷ yên (565 tỷ USD) hỗ trợ phúc lợi cho các cựu chiến binh và gia đình tang quyến của họ, nhưng không có gì cho các nạn nhân dân sự của các vụ đánh bom, mặc dù những người sống sót ở Hiroshima và Nagasaki được hỗ trợ y tế.

Những đứa trẻ trong một trại mồ côi ở Tokyo năm 1946.
Những đứa trẻ trong một trại mồ côi ở Tokyo năm 1946

 

Một số trẻ mồ côi sau chiến tranh lăn lộn ngoài xã hội, bị ghét bỏ, đánh mắng và kỳ thị.
Một số trẻ mồ côi sau chiến tranh lăn lộn ngoài xã hội, bị ghét bỏ, đánh mắng và kỳ thị

Mari Kaneda (85 tuổi) cho biết vụ đánh bom đã thay đổi cuộc đời bà, buộc bà phải sống trong điều kiện khắc nghiệt với người thân. Mari đã phải chịu đựng nỗi đau và sự kỳ thị suốt đời vì là một đứa trẻ mồ côi, và phải từ bỏ ước mơ thời thơ ấu của mình là trở thành một giáo viên.

 

Bà Mari Kaneda chia sẻ rằng 75 năm sau chiến tranh, công lý cho những đứa trẻ mồ côi vẫn chưa được thực thi.
Bà Mari Kaneda chia sẻ rằng 75 năm sau chiến tranh, công lý cho những đứa trẻ mồ côi vẫn chưa được thực thi

Chính phủ Nhật Bản đã từ chối việc bồi thường cho các nạn nhân dân thường của các vụ đánh bom. Nhưng Kaneda, trong hành trình tìm kiếm công lý, đã tìm kiếm hồ sơ của chính phủ thời hậu chiến, phỏng vấn hàng chục đồng nghiệp và xuất bản một cuốn sách đoạt giải về trẻ mồ côi trong chiến tranh.

Bà Kaneda nói: “Tôi chưa thấy bất cứ điều gì được giải quyết. Đối với tôi, chiến tranh vẫn chưa kết thúc".

Ngọc Hạ (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI