Tiểu thương tái khởi động kinh doanh với nhiều hy vọng

22/04/2020 - 10:10

PNO - Một ngày trước khi hết thời hạn cách ly đợt hai (từ ngày 16-22/4), tiểu thương nhiều sạp chợ ở TPHCM rục rịch chuẩn bị mở cửa buôn bán trở lại sau gần một tháng tự đóng cửa do vắng khách. Các tiểu thương hy vọng nhịp sống kinh doanh trở lại bình thường.

Duy trì các biện pháp phòng dịch

Bến Thành là chợ chủ yếu bán đồ thời trang, đồ thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm, bánh mứt cho khách du lịch nên trong thời gian cách ly xã hội, hơn 1/4 tiểu thương ở đây phải đóng cửa sạp, chỉ một sạp bán trái cây, thực phẩm còn mở cửa nhưng cũng hoạt động cầm chừng vì rất ít khách ra vào. 

Toàn bộ các cửa ra vào chợ Bến Thành (Q.1) đều có bảng dán thông tin và các văn bản về phòng, chống dịch COVID-19, trang bị nước rửa tay và có bảo vệ túc trực đo thân nhiệt cho khách 24/24 giờ, ngăn khách vào chợ nếu khách không đeo khẩu trang. Trong chợ, rất đông bảo vệ tới lui, nhắc nhở tiểu thương và khách hàng tuân thủ quy định giữ khoảng cách khi mua hàng.

Nhiều sạp tại các chợ truyền thống đóng cửa, vắng khách
Nhiều sạp tại các chợ truyền thống đóng cửa, vắng khách

Chủ sạp trái cây Ngọc Hảo cho biết, từ khi có dịch, phần lớn tiểu thương tại đây đều đóng sạp, riêng chị vẫn mở cửa với hy vọng kiếm được đồng nào hay đồng nấy để trang trải cuộc sống. “Nghe tin TPHCM hết ổ dịch, chúng tôi mừng lắm vì có thể sắp tới, khách ghé chợ nhiều hơn” - chủ sạp này chia sẻ.

Tại chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), số lượng quầy, sạp mở cửa chiếm khoảng 60-70% tổng sạp chợ, chủ yếu là các sạp kinh doanh thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống, nhu yếu phẩm, rất ít sạp quần áo, vải, giày dép… hoạt động. Chị Nga - chủ sạp quần áo - cho biết, chị đã đóng sạp hai - ba tuần nay vì “có mở cửa cũng không có khách mua”. Chị vừa ra chợ xem tình hình thế nào để vài hôm nữa mở sạp bán lại: “Nếu xóa lệnh cách ly từ ngày 22/4, tôi sẽ mở cửa bán lại; còn nếu tiếp tục cách ly, chắc phải nghỉ hết tháng Tư”.

Ông Trần Thanh Nguyên - Phó ban quản lý (BQL) chợ Bà Chiểu - cho hay, trong giai đoạn 1 cách ly toàn xã hội (từ ngày 1-15/4), chợ chỉ đông khách vào buổi sáng và hơn 50% số sạp đóng cửa, nghỉ bán. Vài ngày trở lại đây, một số sạp mở cửa bán lại và chợ đông khách hơn. Để tránh tình trạng khách vào chợ không đeo khẩu trang, đứng tụ tập đông, BQL chợ dán thông báo, phát loa tuyên truyền thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp an toàn, như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, đứng cách 2m… Tuy nhiên, phần lớn khách vẫn chưa chịu đứng xếp hàng giãn cách.  

BQL chợ có tổ bảo vệ đi khảo sát, nhắc nhở tiểu thương và khách về việc phải đeo khẩu trang. Nhiều tiểu thương trang bị sẵn khẩu trang để phòng trường hợp khách quên đeo hoặc không có khẩu trang, thậm chí để sẵn nước rửa tay trước quầy cho khách rửa. BQL chợ cũng trang bị ít nhất 10 điểm đặt nước rửa tay sát khuẩn trong chợ để khuyến khích khách rửa tay trước và sau khi mua hàng. 

Tiểu thương hy vọng khi khởi động kinh doanh trở lại
Tiểu thương hy vọng khi khởi động kinh doanh trở lại

Tại chợ Bình Tây (Q.6), nhiều sạp kinh doanh túi xách, quần áo, giày dép… hiện vẫn chưa mở cửa lại sau thời gian cách ly. Ông Cao Văn Thành - Phó BQL chợ Bình Tây - cho biết, một số tiểu thương cũng tới chợ mở cửa lại nhưng về sớm hơn do chợ vẫn còn vắng khách.

“Tiểu thương thực hiện khá tốt việc đeo khẩu trang, khách đến chợ cũng được nhắc nhở thường xuyên. Những trường hợp khách cố tình không đeo khẩu trang thì lực lượng chức năng quản lý địa bàn sẽ xử phạt theo quy định. Riêng việc đứng giãn cách 2m thì chưa nhiều khách thực hiện và BQL chợ sẽ tăng cường nhắc nhở” - ông Thành nói. 

Đảm bảo yêu cầu giãn cách xã hội

Theo chị Nga và một số tiểu thương nhiều chợ ở TPHCM cho biết, họ đóng sạp là do vắng khách chứ không chủ động nghỉ bán. Chị Hương - kinh doanh giày dép tại chợ An Đông, Q.5 - cho biết, ki-ốt của chị mỗi tháng phải nộp hơn 10 triệu đồng tiền mặt bằng, vệ sinh, điện, máy lạnh, bảo vệ, hoa chi… Từ khi có dịch, chị phải cho nhân viên nghỉ hết và ra chợ ngồi với hy vọng bán được vài đôi dép/ngày để trang trải tiền thuê sạp, thay vì đóng cửa. “Nếu lệnh cách ly tiếp tục kéo dài, chắc tôi không trụ nổi” - chị Hương nói.

Tại các chợ truyền thống, nhiều sạp phải đóng cửa  do vắng khách
Tại các chợ truyền thống, nhiều sạp phải đóng cửa do vắng khách

Chị Nhi - có hơn 30 năm bán thịt heo tại chợ Gò Vấp - cho biết, dù thịt heo là mặt hàng thiết yếu nhưng chị chỉ bán được mỗi ngày 30kg, giảm 70kg so với trước lúc có dịch. “Khách đi chợ ít quá nên tôi không dám lấy nhiều hàng. May hai con nhà tôi đang nghỉ học, không phải đóng các khoản học phí nên tháng rồi, cả nhà mới trụ nổi. Chỉ mong dịch được kiểm soát tốt, thành phố hết cách ly xã hội, có khách vào chợ” - chị Nhi chia sẻ. 

Hầu hết tiểu thương mong muốn được trợ giảm hoặc cho trả chậm các khoản phí ở chợ. Đại diện BQL chợ Bà Chiểu, chợ Gò Vấp cho biết, đang xem xét để hỗ trợ cho tiểu thương. Ông Đinh Hồ Duy Ngọc - Trưởng BQL chợ An Đông - cho biết, thời gian qua, chợ vẫn mở cửa hoạt động, vẫn phục vụ thương nhân và khách hàng, nhưng toàn bộ các ngành hàng tại chợ đều bị ảnh hưởng, trong đó nặng nhất là các sạp kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, bánh mứt, thực phẩm khô, ngành hàng phải nhập nguyên vật liệu từ nước ngoài như may mặc. Đã có 595 hộ kinh doanh xin tạm ngưng kinh doanh. Phần đông tiểu thương đã thông báo sẽ kinh doanh trở lại khi hết thời hạn cách ly. 

“Trong thời hạn tạm ngừng kinh doanh, tiểu thương tại chợ được miễn thuế, giảm một số chi phí quản lý, mặt bằng, hoa chi. Tới đây, toàn bộ tiểu thương và khách hàng sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp phòng dịch theo quy định. Chúng tôi sẽ cho bảo vệ túc trực 24/24 giờ, nếu phát hiện tiểu thương và khách hàng không đeo khẩu trang, không tuân thủ biện pháp phòng dịch, chúng tôi sẽ xử lý” - ông Ngọc khẳng định. 

Ông Trần Phước Nhiều - Phó BQL chợ Tân Định (Q.1) - thông tin, chợ hiện có 894 sạp đang kinh doanh và gần 200 sạp xin tạm ngưng kinh doanh, gần 700 sạp xin giảm thuế. Mới đây, Chi cục Thuế Q.1 lập danh sách một số tiểu thương có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm để trợ cấp 1 triệu đồng/tháng nên tiểu thương rất mừng. 

Đại diện UBND Q.1 cho biết, quận có sáu chợ gồm Bến Thành, chợ đêm Bến Thành, Tân Định, Thái Bình, Đa Kao, Dân Sinh. Số tạm ngưng kinh doanh tại chợ Bến Thành là 1.239 hộ, chiếm 85,9%; chợ đêm Bến Thành thì ngừng hoạt động hoàn toàn theo quy định của UBND TPHCM; chợ Thái Bình có 105 hộ ngưng kinh doanh, chiếm 22,7%; chợ Đa Kao có 30 hộ ngưng kinh doanh, chiếm 8,2%; chợ Dân Sinh có 120 hộ ngưng kinh doanh, chiếm 26,4%. 

Tại cuộc họp trực tuyến về tình hình phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ chiều 20/4, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM sẽ bố trí lực lượng kiểm soát dịch bệnh tại các chợ. Theo ông Phong, tuy không còn ổ dịch nhưng nguy cơ dịch bệnh vẫn tiềm ẩn. Do đó, bên cạnh việc chuẩn bị kỹ các phương án, biện pháp để tái khởi động các hoạt động kinh tế, TPHCM sẽ tiếp tục tổ chức lực lượng phản ứng nhanh cấp thành phố và cấp quận, huyện, phường, xã để bảo đảm tuân thủ yêu cầu giãn cách xã hội. 

Thanh Hoa - Nguyễn Cẩm

Duy trì đo thân nhiệt tài xế, thương nhân từ các địa phương 

Theo đại diện Công ty cổ phần Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, chợ vẫn duy trì việc đo thân nhiệt tài xế, thương nhân khi họ đưa hàng từ biên giới hay từ các địa phương trong nước về chợ. Khách vào chợ phải đeo khẩu trang. Chợ trang bị nước rửa tay ở một số điểm để mọi người vệ sinh trước và sau khi vào chợ. 
Trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, đa phần tiểu thương tại chợ đều gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, do là chợ đầu mối, buôn hàng sỉ nên chợ không ghi nhận tình trạng đóng cửa, ngưng kinh doanh. 

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI