Chia sẻ kỳ nghỉ: Tận hưởng cuộc sống, không phải là khoản đầu tư

31/08/2019 - 18:38

PNO - Gần đây, mô hình sở hữu kỳ nghỉ (vacation Ownership) hay chia sẻ kỳ nghỉ (timeshare) bắt đầu phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, làm sao để tránh “tiền mất, bực tức mang” khi mua kỳ nghỉ?

Trải nghiệm thượng lưu

Gia đình chị Nguyễn Thị Phương Trà vừa bỏ ra gần 100 triệu đồng để sở hữu kỳ nghỉ do một công ty khá uy tín trong nước chào bán, với thời hạn trong vòng 8 năm. Mỗi năm, gia đình chị sẽ được nghỉ dưỡng một tuần tại bất kỳ resort, khách sạn 5 sao nào trong cả nước do hệ thống công ty tổ chức kỳ nghỉ cung cấp; thậm chí nếu muốn, chị còn có thể “đổi gió” ở nước ngoài.

“Giá phòng khách sạn 4-5 sao trung bình khoảng 3,5 triệu đồng/đêm/phòng. Nếu một năm đi du lịch 7 ngày, bạn phải trả khoảng 200 triệu tiền phòng cho 8 năm (chưa tính tỷ lệ lạm phát). Như vậy, bạn có thể tiết kiệm 1/4-1/2 số tiền này chỉ bằng cách mua một chiếc thẻ sở hữu kỳ nghỉ phù hợp - chị Trà lý giải.

Sở hữu kỳ nghỉ được hình thành từ ý tưởng chia nhỏ thời gian sử dụng bất động sản để có được chi phí sở hữu hợp lý với đại đa số người sử dụng. Nói cách khác, chủ sở hữu kỳ nghỉ có quyền sử dụng một sản phẩm, dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định và chia sẻ sản phẩm hoặc dịch vụ đó với các chủ sở hữu khác.

Chia se ky nghi:  Tan huong cuoc song, khong phai la khoan dau tu
Giá trị lớn nhất khi mua sở hữu kỳ nghỉ là khả năng trao đổi kỳ nghỉ với những người cùng sở hữu kỳ nghỉ trên toàn cầu

Người mua dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ hay timeshare sẽ chi một khoản tiền để sở hữu một thẻ sở hữu kỳ nghỉ tại các bất động sản bất kỳ trong hệ thống của người phát hành thẻ (một tập đoàn chuyên kinh doanh bất động sản hay một câu lạc bộ nghỉ dưỡng) và có quyền sử dụng bất động sản đó trong một khoảng thời gian thường là 7 ngày/năm theo truyền thống hoặc theo mùa và liên tục trong nhiều năm (từ 5-30 năm) với mức giá tại thời điểm thẻ được bán ra và sẽ thanh toán một lần duy nhất. Thẻ đứng tên một người nhưng có thể dùng cho cả gia đình.

Bất động sản dành cho sở hữu kỳ nghỉ thường được thiết kế đầy đủ tiện nghi đáp ứng các sinh hoạt thường nhật của một gia đình. Các bất động sản này thường rất đa dạng, có thể là phòng khách sạn theo tiêu chuẩn 4 sao trở lên, resort 4-5 sao, căn hộ cao cấp trong các khu nghỉ dưỡng hay các villa.

Điểm nổi bật của loại hình này là khả năng trao đổi kỳ nghỉ giữa những người sở hữu thẻ với nhau. Nghĩa là chủ nhân sở hữu kỳ nghỉ tại các bất động sản ở một địa phương hay một quốc gia này có thể đổi lấy kỳ nghỉ của người khác tại địa phương hay một quốc gia khác trong cùng hệ thống của công ty phát hành thẻ. Bằng cách này, việc du lịch ở các nơi trên thế giới trở nên dễ dàng và tiết kiệm hơn.

Theo thống kê, hiện nay trên thế giới có khoảng 4 triệu người mua “sở hữu kỳ nghỉ”, đa số ở Mỹ. Tại châu Âu ước tính có khoảng 1,2 triệu người đang sở hữu kỳ nghỉ. Tại châu Á, hình thức kinh doanh này vẫn còn khá mới mẻ. Một số tên tuổi nổi tiếng và đã rất thành công trong việc kinh doanh theo mô hình timeshare là: Hilton, Sheraton, Marriott, Disney…

Giá trị lớn nhất khi mua sở hữu kỳ nghỉ là khả năng trao đổi kỳ nghỉ với những người cùng sở hữu kỳ nghỉ trên toàn cầu. Hiện có hai tổ chức lớn nhất thế giới vận hành hệ thống này: RCI (Resort Condominiums International) và II (Interval International) với tổng cộng khoảng 7.000 khu nghỉ dưỡng tại hơn 100 quốc gia. Tuy nhiên, chi phí để tham gia hệ thống khá cao. RCI thu phí mỗi người tham gia hệ thống khoảng 100 USD/năm và phí mỗi lần trao đổi khoảng 200-300 USD, có khi lên đến 1.000 USD/lần. Đây được xem là mức phí khá đắt đỏ đối với nhiều khách hàng khi họ muốn trao đổi kỳ nghỉ với người khác.

Sở hữu dịch vụ, không phải sở hữu bất động sản

Nếu ở châu Âu, sở hữu kỳ nghỉ là một sản phẩm lai ghép giữa việc sử dụng dịch vụ du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng thì ở Việt Nam, sở hữu kỳ nghỉ đôi khi bị công ty kinh doanh lập lờ thành sản phẩm bất động sản để mua bán. Điều này khiến nhiều người lầm tưởng có thể thu lợi nhuận từ việc mua bán bất động sản sau thời gian ký hợp đồng mua gói sản phẩm sở hữu kỳ nghỉ.

Công ty TNHH khu du lịch Vịnh Thiên Đường, bị khách hàng tố vì những điều khoản bất thường trong hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ và cách bán hàng thiếu minh bạch. Đơn vị này cũng bị phạt 30 triệu đồng vì xây dựng dự án chậm tiến độ.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, khi tham gia sở hữu kỳ nghỉ, khách hàng phải hiểu rõ bản chất của mô hình sở hữu kỳ nghỉ là sở hữu dịch vụ, không phải sở hữu bất động sản.

Điểm mạnh của sở hữu kỳ nghỉ vẫn là giá trị nghỉ dưỡng. Ông Howard C. Nusbaum, CEO của Hiệp hội Phát triển resort Mỹ, cho rằng để thu lợi được nhiều nhất từ sở hữu kỳ nghỉ, cách tốt nhất là hãy sử dụng nó.

Chỉ dành cho người có thu nhập cao

Dù rất phát triển trên thế giới nhưng tại Việt Nam, đây vẫn là một mô hình kinh doanh khá mới. Khung pháp lý quy định về timeshare đối với chủ đầu tư và việc bảo vệ quyền lợi khách hàng còn thiếu. Do đó, rủi ro về pháp lý đối với khách hàng vẫn còn rất lớn bởi nhiều điều khoản bất lợi trong hợp đồng.

Theo các chuyên gia, mô hình timeshare chỉ phù hợp với một số đối tượng đặc thù. Khách hàng phải là những người có thu nhập cao và đam mê du lịch. Nói cách khác, đây là những người không phải “cân đối” quá nhiều về vấn đề chi phí khi đi du lịch. Số đối tượng khách hàng này chắc chắn không quá nhiều và việc mua một timeshare chưa chắc đã là tối ưu đối với họ.

Tại Việt Nam, mức giá cho một gói dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ từ 20 - 40 năm khoảng 15.000 - 20.000 USD. Nếu bạn chọn thời gian ngắn hơn, từ 5-10 năm, mức giá trung bình khoảng 4.000 - 8.000 USD. Mới đây, “tân binh” LiV Resorts cũng chào bán sở hữu kỳ nghỉ theo hình thức tuần cố định trong thời gian 35 năm, với mức phí thay đổi tùy theo loại phòng và loại tuần từ khoảng 11.800 - 18.000 USD/đơn vị tuần/35 năm. Đặc biệt, khách hàng có thể trao đổi kỳ nghỉ trong hệ thống quốc tế gồm hơn 3.200 khách sạn và khu nghỉ dưỡng chất lượng hàng đầu tại 80 quốc gia trên thế giới.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cảnh báo để hạn chế rủi ro, trong khi hệ thống các quy định pháp luật còn nhiều khoảng trống đối với hình thức kinh doanh bất động sản này, khách hàng cần thận trọng tìm hiểu kỹ thông tin trước khi ký hợp đồng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương nơi có các dự án cần thường xuyên kiểm tra, làm rõ những vấn đề pháp lý liên quan đến các công trình này. 
Lưu ý:
- Khách hàng phải thận trọng đối với sản phẩm sở hữu kỳ nghỉ “trên giấy”. Phải cân nhắc và xem xét các hạ tầng và dịch vụ được mời chào đã hiện hữu hay chưa, có đúng theo quảng cáo hay hướng dẫn, giới thiệu của họ trong hợp đồng không. Bởi một số nhà cung cấp chưa có khách sạn, thậm chí còn chưa có giấy phép xây dựng.

Cũng không nên mua những gói sản phẩm quá rẻ mà mình chưa chắc chắn về chất lượng dịch vụ. Bởi nhiều đơn vị cung cấp sản phẩm sở hữu kỳ nghỉ tại Việt Nam chưa có khách sạn hiện hữu nên chưa có kinh nghiệm trong vận hành thực tế, dẫn đến việc không thể tính toán một cách sát nhất các chi phí liên quan đến sản phẩm.

- Đọc, hiểu rõ từng thuật ngữ, điều khoản trong hợp đồng.

- Xác định khoản tiền đóng bao gồm dịch vụ nào, phân cấp chất lượng ra sao. Đa số trường hợp chỉ là tiền phòng nghỉ, thậm chí là phòng hạng thấp. 

- Đặc biệt lưu ý các loại phí phát sinh (phí thường niên, chuyển đổi địa điểm, nâng cấp dịch vụ, thay đổi số người tham gia, chuyển nhượng hợp đồng…). 

- Trong hợp đồng bắt buộc phải có quy định và trách nhiệm liên quan khi muốn kết thúc hợp đồng. 

Bạn có thể gửi câu hỏi hoặc chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân cho chuyên mục thông qua email: tuvantaichinh@baophunu.org.vn

Phương Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI