Tác phẩm "Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt" của nhà văn Đoàn Tuấn:

Chỉ còn lại tình yêu…

08/04/2022 - 06:38

PNO - Đây là câu chuyện của nhân vật cựu chiến binh tên Ánh, sau khi đã lo toan xong công việc của người làm cha, làm chồng, từ Hà Nội anh đã tự nguyện quay lại chiến trường xưa: Campuchia.

“Tôi có thể khẳng định với bạn, dù bạn biết nhiều danh lam thắng cảnh, dù bạn thưởng thức nhiều món ăn hảo hạng, nhưng không có gì thú vị bằng việc được khám phá những điều kỳ lạ về cuộc đời và số phận của con người, nhất là những người từ chiến trận trở về. Những người mẹ, người vợ, người con… của các đồng đội tôi, dù họ ở hậu phương, nhưng những năm tháng đó, khi những người thân của họ ra trận, trái tim họ cũng hành quân theo. Và khi những người thân ngã xuống, trái tim họ cũng chết theo. Tôi có thể khẳng định điều này theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Những câu chuyện của họ, về họ, như những viên thuốc nhỏ giúp đồng đội tôi, gia đình họ và bạn đọc có thể cùng nhau sống một cách vui vẻ hơn trong cuộc sống đầy biến động và lẻ loi” (tr.293). Nhà văn Đoàn Tuấn đã kết thúc tác phẩm Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM - 2022) bằng những dòng này, ít nhiều cho ta biết điều anh muốn gửi gắm đến bạn đọc. 

Tác phẩm Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt
Tác phẩm Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt

Đây là câu chuyện của nhân vật cựu chiến binh tên Ánh, sau khi đã lo toan xong công việc của người làm cha, làm chồng, từ Hà Nội anh đã tự nguyện quay lại chiến trường xưa: Campuchia. Vùng đất này, những tháng năm tuổi trẻ, anh cùng đồng đội đã chiến đấu vì sự hồi sinh của một dân tộc đang bên bờ vực thẳm của sự diệt chủng. Điều bất ngờ nhất, Ánh lại trở thành nhà sư, và cùng với các nhà sư khác trên quê hương chùa tháp, anh đã hành hương nguyện cầu cho những người đã khuất. Có thể đó là thường dân, quân tình nguyện Việt Nam, kể cả những ai đã gây ra sự thù hận, chết chóc… Điều đó thể hiện trong bài văn tế lúc cầu siêu cho chiến sĩ Việt Nam, đã chết khát trong một trận giao chiến khốc liệt tại cao điểm 547 Preah Vihear: “Nước cam lồ đồng đội mình cùng uống/ Nước ngọt nước thơm nước mát nước lành/ Đồng đội gọi thêm tất cả chúng sinh/ Lính Lon Nol, S’rayaka, Pol Pot/ Tất cả cùng về đây cùng uống/ Dòng nước từ bi trong sạch tâm hồn/ Hòa bình đã về trên khắp quê hương…” (tr.183).

Có thể nói, ý nghĩa cao đẹp của tác phẩm này vẫn là cảm xúc chan chứa tình người. Người sống sót sau cuộc chiến và thế hệ trẻ lớn lên sau ngày đất nước Campuchia hồi sinh, đã có cái nhìn nhân văn về quá khứ: khép lại những năm tháng chết chóc, hận thù đó bằng tình yêu thương vĩnh cửu của con người. Và ngay cả đất đã từng chứng kiến biết bao bi đát, oan ức của thời Pol Pot, “Để làm sao, đất cũng bớt nặng nề. Để đất sẽ trở lại như xưa. Là đất của hương thơm. Đất của nguồn sống. Để cho hồn đất và hồn người cùng thanh thản” (tr.209). 

Theo Đoàn Tuấn, hướng tới sự hòa giải thời hậu chiến, còn là tiếng kinh cầu của các nhà sư, trong số đó có nhà sư Phteah Saniphap - chính là cựu chiến binh Ánh. Âm hưởng bi tráng đã khiến người đọc có lúc day dứt, đau đớn, có khi bừng tỉnh. Đó còn là những trang văn thấm đẫm tình yêu thương, những bài văn tế do Đoàn Tuấn viết, cũng có lúc vận dụng cả Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của cụ Đồ Chiểu. Tất cả chỉ từ lòng thành dành cho người còn nằm lại đâu đó trong vùng đất một thời giao tranh khốc liệt. 

Tôi cho rằng, Đoàn Tuấn đã chọn một “giải pháp” hoàn toàn phù hợp với triết lý sống của người Á Đông. Suy nghĩ này khiến tôi sực nhớ đến Văn tế thập loại chúng sinh của thi hào Nguyễn Du, cuối cùng đạt đến sự giải thoát đó vẫn là: “Phật hữu tình từ bi phổ độ/ Chớ ngại rằng có có không không/ Nam mô Phật, nam mô Pháp, nam mô Tăng/ Độ cho nhất thiết siêu thăng thượng đài”.

Không dừng lại ở đó, thông qua câu chuyện của Ánh, nhà văn Đoàn Tuấn còn mở ra một mạch chuyện khác, đó là những người lính từng thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, thời hậu chiến. Hai tuyến nhân vật, hai không gian khác nhau, quá khứ và hiện thực đan xen vào nhau là thủ pháp độc đáo mà Đoàn Tuấn đã sử dụng trong tác phẩm này. Qua đó, còn khắc họa nên vẻ đẹp của người lính Cụ Hồ. Chẳng hạn đọc đoạn văn này, là người trong cuộc, tôi đã ứa nước mắt: 
“Một thương binh bị vết thương vào đầu, trở về hậu phương “anh hay bị đau đầu. Nhiều lúc đập đầu vào cột nhà, máu chảy đầm đìa. Vẫn đập tiếp” nhưng sau nhiều năm nhì nhằng về chính sách trợ cấp. Một ngày kia anh bỗng “ngộ” ra: “- Chuyện tôi bị thương là vì mình đánh giặc không giỏi. Đúng không? Bị thương, đó là lỗi của mình. Không chết là may. Giờ, về nhà, lại bắt đền Chính phủ. Tôi nghĩ, mình phải đòi tiền thằng Pol Pot mới đúng”. “Pol Pot chết lâu rồi” - Sơn bác sĩ cười. “Chết thì thôi. Không bắt đền nó nữa… Từ hôm nay, không được lên xã hay huyện đòi chính sách gì nữa” (tr.88). 

Có thể bạn không tin? Thế nhưng đó là chi tiết có thật của đồng đội chúng tôi - anh Hà Văn Rích ở Mai Châu. Những câu chuyện tương tự này có được là do Đoàn Tuấn từ nhiều năm nay đã thực hiện những chuyến đi tìm gặp đồng đội cũ và ghi chép lại. Nhờ thế, tác phẩm của anh có thêm nhiều chi tiết rất đời thường, giúp bạn đọc càng thấu cảm về tâm thế người lính. Cảm động lắm!

Tác phẩm Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt sẽ giao lưu, ra mắt vào lúc 9g sáng 9/4/2022 tại Đường Sách TP.HCM. Là đồng đội cũ, tôi cũng đồng thời là người dẫn chuyện cho nhà văn Đoàn Tuấn lúc anh trò chuyện cùng bạn đọc. Khách mời của buổi giao lưu còn có nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, nhạc sĩ Thế Hiển và thế hệ cựu chiến binh đã chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, từ năm 1979. 

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI