Chế độ dinh dưỡng ngày Tết cho người bệnh

21/01/2018 - 12:00

PNO - Theo bác sĩ Lưu Ngân Tâm - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, thực đơn bữa ăn trong ngày tết cổ truyền của Việt Nam rất đa dạng, giàu muối, dầu mỡ và năng lượng.

Với người bình thường, nếu ăn uống thoải mái, chắc chắn sau tết sẽ bị tăng cân và có nguy cơ mắc nhiều bệnh liên quan tới chuyển hóa. Nếu là bệnh nhân, việc ăn uống lại càng phải lưu ý để tránh nguy cơ thúc đẩy bệnh tật biến chứng nguy hiểm.

Đối với người mắc bệnh chuyển hóa

Bao gồm các bệnh về tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu. Nếu gia đình có người mắc những bệnh này thì thường xuyên chế biến các món ăn tươi, tránh đồ ăn đóng hộp, các món làm sẵn như các loại chả, dưa món, củ kiệu.

Bởi trong các thực phẩm này chứa rất nhiều muối, ăn nhiều sẽ khiến huyết áp tăng cao. Kiểm soát huyết áp là điều bắt buộc đối với các bệnh nhân mắc bệnh chuyển hóa. 

Che do dinh duong ngay Tet cho nguoi benh
Ăn uống lành mạnh là chìa khóa của sức khỏe, giúp người bệnh an vui đón tết cùng gia đình

Bánh tét, bánh chưng - hai loại bánh thường có mặt trong ngày tết, tuy ăn rất ngon miệng nhưng lại là thực phẩm không lành mạnh cho sức khỏe bởi chứa rất nhiều năng lượng. Một chiếc bánh tét nhân đậu xanh ngọt nặng 200g cung cấp 444Kcal, một chiếc bánh tét nhân chuối nặng 200g cung cấp 402Kcal, bánh tét nhân mặn có trọng lượng 200g cung cấp tới 500Kcal.

Chưa kể một số người thích ăn bánh tét chiên. Khi được chiên lên, bánh tét có thể gia tăng năng lượng lên thành 700-800Kcal. Bánh tét chứa nhiều tinh bột, ăn nhiều còn khiến đường huyết tăng. 

Vậy người bị bệnh huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu có được ăn bánh tét không? Theo bác sĩ Tâm, các bệnh nhân này vẫn có thể ăn bánh tét nhưng mỗi ngày không quá một lần, mỗi lần chỉ nên ăn khoảng 100g. Giò và chả cũng chứa rất nhiều năng lượng. 100g chả lụa chứa 136Kcal.

Nếu thèm ăn giò chả, các đối tượng thuộc nhóm bệnh kể trên chỉ nên ăn một miếng nhỏ là đủ. Bệnh nhân tiểu đường phải hạn chế ăn tinh bột như chế độ ăn hằng ngày, bổ sung thêm nhiều rau xanh và trái cây, chất xơ. Tuy nhiên, khác với bệnh nhân tim mạch có thể ăn trái cây đa dạng, người bị tiểu đường chỉ nên ăn táo và lê. Bác sĩ Tâm cho rằng, nếu gia đình có người mắc các bệnh về chuyển hóa, tốt nhất nên chịu khó nấu nướng thì mới đảm bảo được sức khỏe. Các món có lợi cho những bệnh nhân này là hấp, luộc, kho (kho nhạt). Tránh ăn đồ chiên, xào, thịt mỡ. 

Che do dinh duong ngay Tet cho nguoi benh
 

Đối với người suy gan, thận

Ăn uống trong ngày tết không chỉ cực kỳ quan trọng đối với người mắc bệnh chuyển hóa, mà còn là yếu tố không thể bỏ qua đối với các bệnh nhân có chức năng gan, thận suy giảm. Bệnh nhân suy thận phải tránh ăn giò chả, bánh tét, dưa món bởi hàm lượng muối nhiều, đạm và phốt-pho cao.

Đây là ba chất mà thận yếu không đào thải được. Các trái cây nhiều kali như bưởi, cam, chuối, đu đủ, xoài chín cũng được khuyến cáo hạn chế với những ai bị suy thận. Nhóm bệnh nhân này nên ăn táo và lê vì đây là hai loại trái cây lành nhất.

Với nhóm bệnh nhân viêm gan và xơ gan cũng cần tuân theo chế độ ăn nghiêm ngặt. Viêm gan có hai nguyên nhân là do vi-rút hoặc do gan nhiễm mỡ, bia rượu. Nếu do gan nhiễm mỡ, người bệnh phải hạn chế tinh bột, tránh thức ăn nhiều chất béo như tai heo, phá lấu, nội tạng động vật.

Bệnh nhân xơ gan ăn chất béo thấy khó tiêu thì lập tức hạn chế ngay bánh tét chiên. Nói như vậy không có nghĩa, người bị viêm gan và xơ gan phải kiêng khem tất cả. Protein (chất đạm) vô cùng quan trọng đối với người mắc bệnh gan. Bệnh nhân cần được cung cấp 1g protein/kg trọng lượng cơ thể/ ngày. 50% lượng protein này có từ ngũ cốc và rau quả, phần còn lại lấy từ thực phẩm như cá, thịt, trứng, sữa hoặc đạm thực vật như đậu phụ...

Cụ thể, mỗi ngày nhóm bệnh nhân này cần ăn 200g cá hoặc 100g thịt nạc, trứng và cốc sữa là đủ cho nhu cầu của cơ thể. Protein từ cá và sữa bò rất tốt cho người yếu gan vì dễ tiêu hóa. Trong sữa bò tươi hoặc sữa bột pha tương ứng có khoảng 3,7% chất đạm và 3,5% chất béo. Chất béo trong sữa bò thuộc loại khó tiêu hóa nên người yếu gan không nên uống nhiều sữa chứ không kiêng sữa, vẫn có thể uống một ly sữa mỗi ngày.

Nhìn chung, tất cả những nhóm bệnh nhân kể trên nên ăn thức ăn tươi, các món hấp, luộc, kho, rau xanh. Thịt kho trứng vẫn ăn được nhưng kho nhạt và chỉ ăn thịt nạc. Mỗi ngày, những bệnh nhân này có thể ăn trứng nhưng lưu ý không ăn quá một quả vì trứng chứa rất nhiều cholesteron. Hai loại trái cây lành nhất mà nhóm bệnh nào cũng có thể ăn được là táo và lê. Rượu bia là thức uống gần như chống chỉ định. Ví dụ: quy định cho người bị cao huyết áp mỗi ngày không uống quá một lon bia.

 Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI