Châu Âu sẽ khủng hoảng khi vắng Merkel?

31/10/2018 - 07:16

PNO - Người đàn bà đang ở đỉnh cao quyền lực, dẫn đầu danh sách gương mặt nữ có sức ảnh hưởng nhất thế giới năm 2018 do Forbes bình chọn, đã có lựa chọn và hàng loạt câu hỏi về tương lai châu Âu đang được đặt ra.

Chau Au se khung hoang khi vang Merkel?
Bà Angela Merkel đã nhận toàn bộ trách nhiệm về mình cho sự thất bại của liên minh CDU-SPD

Quyết định chẳng đặng đừng

Thông tin Thủ tướng Đức - Angela Merkel không chạy đua vào vị trí Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) tại Đại hội thường niên của CDU sắp diễn ra trong tháng 12/2018 là câu trả lời cuối cùng cho khả năng liệu bà Merkel có nỗ lực cho nhiệm kỳ thủ tướng thứ năm hay không.

Nhiều nhà quan sát nhận định, tình trạng ổn định chính trị của châu Âu đang đối diện với nhiều rủi ro hơn bất cứ thời điểm nào kể từ Chiến tranh thế giới II đến nay. Khi bà Merkel bắt đầu nhiệm kỳ thủ tướng thứ nhất vào năm 2005, Nhà Trắng lúc ấy có Tổng thống George W. Bush, nước Anh có Thủ tướng Tony Blair và Điện Élysée Palace do Tổng thống Jacques Chirac nắm quyền.

Bà Merkel chính là biểu tượng của sự tiếp nối liên tục và bền bỉ, ổn định. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ năm 2021, bà Merkel sẽ không còn là gương mặt đại diện của đảng CDU. Kỷ nguyên Merkel điều hành nước Đức cũng như ảnh hưởng đến chính trị châu Âu cũng chấm dứt. Cả châu Âu sẽ phải đếm lùi đến ngày bầu cử tân thủ tướng Đức. Đây là điều châu Âu không thể né tránh và cũng là quyết định chẳng đặng đừng của bà Merkel sau hàng loạt dấu hiệu cho thấy, người dân Đức cần sự thay đổi. Xuất hiện trước truyền thông ngày 29/10 để đưa ra tuyên bố chính thức, bà Merkel nói: “Tôi nhận toàn bộ trách nhiệm cho sự thất bại của liên minh CDU-SPD”.

Từ các cuộc bầu cử liên bang năm ngoái, tỷ lệ ủng hộ đảng CDU đã sụt giảm đáng kể, rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1949. Kết quả bầu cử nghị viện bang Hessen diễn ra ngày 28/10 chứng kiến thất bại thảm hại của đảng CDU. Tỷ lệ ủng hộ đảng này giảm hơn 10% so với 5 năm trước. Cùng với thất bại của CDU, đảng liên minh trong chính phủ của bà Merkel là đảng Dân chủ xã hội (SPD) cũng nhận kết quả tệ hại. SPD chỉ được khoảng 20% (kém 10% so với kỳ bầu cử 5 năm trước) ủng hộ - kết quả tệ hại nhất của SPD tại Hessen kể từ năm 1946. Sự đảo chiều này cho thấy, các cử tri đã quay lưng với đảng phái truyền thống và đó là dấu hiệu cảnh báo sẽ không còn một châu Âu ổn định chính trị.

Châu Âu mất điểm tựa

Trong khi đó, được nhắc đến nhiều ở thời điểm này tại Đức là AfD - đảng Con đường khác cho nước Đức - một đảng chính trị dân túy cánh hữu theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu ở Đức. Đảng này có hẳn chiến lược gây áp lực buộc các quốc gia Đông Âu rời khỏi Eurozone, dừng nhận các gói viện trợ từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Đảng AfD được chú ý hơn khi làn sóng chỉ trích bà Merkel tăng mạnh, liên quan đến chính sách mở cửa cho người tị nạn với đa số là người Hồi giáo chạy khỏi vùng đất chiến tranh, đói nghèo ở khu vực Trung Đông. Thủ tướng Merkel không hối hận, vì bà đã chọn nền tảng nhân đạo cho quyết định của mình; nhưng trên bàn cờ chính trị, quyết định ấy đã gây bất lợi cho bà và liên minh CDU-SPD.

Thủ tướng Angela Merkel là không thể thay thế và quyền lực của bà không đến từ vị thế trên chính trường mà đến từ bản lĩnh, cách xử lý tài tình và khéo léo giúp Đức lẫn châu Âu đi qua khủng hoảng tài chính năm 2008 “êm” nhất có thể. Trong hàng loạt sự kiện chính trị như Mùa xuân Ả rập hay mâu thuẫn trong quan hệ Nga - Ukraine, dư luận thế giới đều mong chờ bà Merkel lên tiếng.

Rồi đây, vào tháng 3/2019, khi Anh hoàn tất thủ tục rời khỏi EU, tương lai EU chông chênh với những sự tìm kiếm mang màu sắc chủ nghĩa dân túy sẽ trỗi dậy. Sẽ khó tìm thấy một nguyên thủ mạnh mẽ, dám đối đầu với sức ép chính trị, dư luận để chọn lựa giá trị nhân văn, vì con người như bà Merkel. Ở thời điểm hiện tại, người châu Âu cần đặt lợi ích và yên ổn quốc gia lên trên hết.

Bầu cử Nghị viện châu Âu sẽ diễn ra vào tháng 5/2019. Sự yếu thế của bà Merkel ở Đức khiến chính trường EU thêm rối rắm. Giới phân tích vừa cảnh báo nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tài chính khác ở châu Âu, sau khi Ý trình kế hoạch ngân sách 2019 của nước này lên Ủy ban châu Âu (EC) với chỉ tiêu thâm hụt ngân sách lên tới 2,4% GDP - gần gấp ba lần so với chính quyền tiền nhiệm.

Rất nhiều người sẽ khó nghĩ về bài toán Liên minh châu Âu, trong đó có Tổng thống Pháp - Emmanuel Macron. Trong chuyến thăm Berlin tháng Tư năm nay, ông Macron đã thảo luận cùng bà Merkel và thống nhất mong muốn hợp tác chặt chẽ trong cải cách EU và Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Liệu người kế nhiệm bà Merkel có cùng chí hướng này? 

Anh Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI