Chắp cánh cho nhạc truyền thống cách mạng

31/12/2022 - 08:06

PNO - Nhiều chương trình giới thiệu nhạc truyền thống, cách mạng được tổ chức thời gian qua. Giữa thị trường âm nhạc đương đại sôi động, việc giữ gìn âm nhạc gắn với một thời lịch sử hào hùng được xem là một nỗ lực khó khăn nhưng cũng đầy ý nghĩa.

Một số điểm son

Số đầu tiên của Vinh quang người chiến sĩ vừa lên sóng. Tại đây, khán giả được nghe lại nhiều ca khúc cách mạng nổi tiếng như: Hát mãi khúc quân hành, Màu hoa đỏ, Lá cờ, Bay qua Biển Đông… Khán giả cũng được tiếp cận với cuộc sống ở môi trường quân ngũ của các chiến sĩ thông qua một số phóng sự, cuộc trò chuyện được đan cài. Nhờ thế, nội dung chương trình gần gũi hơn với người xem.

Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng (bìa trái) biểu diễn cùng ca sĩ Đoàn Đại Hòa (bìa phải) trong chương trình Mùa thu và mãi mãi ở tiền sảnh Nhà hát TPHCM tháng 9/2022
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng (bìa trái) biểu diễn cùng ca sĩ Đoàn Đại Hòa (bìa phải) trong chương trình Mùa thu và mãi mãi ở tiền sảnh Nhà hát TPHCM tháng 9/2022

Chương trình được Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM lên ý tưởng cách đây 2 năm, nhưng đến nay mới có thể thực hiện do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nối tiếp chương trình này, đêm nhạc vinh danh nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn cũng được tổ chức vào tối 26/12. Đây là đêm diễn mở đầu cho chuỗi chương trình giới thiệu, quảng bá, vinh danh tác giả, tác phẩm có ý nghĩa về tinh thần cách mạng, lòng yêu nước.

Trước đó, vào tháng Chín và tháng Mười, 2 số trong chương trình Mùa thu và mãi mãi với chủ đề Tình ca đất nước, Hát về anh đã diễn ra tại tiền sảnh Nhà hát TPHCM. Công chúng được thưởng thức nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng đi cùng năm tháng như: Hát về anh, Nhánh lan rừng, Tự hào thành phố tôi yêu, Mùa xuân trên biên cương, Lá đỏ, Mùa chim én bay… Ngoài ra, các ca khúc về tình yêu đất nước, khát vọng xây dựng quê hương cũng được truyền tải khéo léo trong chương trình Thành phố tình yêu. 

Thuận lợi và thách thức 

Nhận định về âm nhạc truyền thống cách mạng, yêu nước, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Âm nhạc Việt Nam - phát biểu trong lễ kỷ niệm 65 năm thành lập hội: “Đó là âm nhạc của một dân tộc không bao giờ khuất phục”. Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng chia sẻ: “Xu hướng phát triển của âm nhạc là đi tới tương lai, nhưng không đồng nghĩa với việc lãng quên quá khứ. Mảng nội dung này gắn liền với một phần lịch sử bi tráng của dân tộc. Muốn phát triển thì trước tiên phải biết vững về lịch sử, cội nguồn. Vì lẽ đó, dòng nhạc này nên được giữ gìn, tiếp sức để tiếp tục lan tỏa trong đời sống hiện tại”.

Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng (bìa trái) biểu diễn cùng ca sĩ Đoàn Đại Hòa (bìa phải) trong chương trình Mùa thu và mãi mãi ở tiền sảnh Nhà hát TPHCM tháng 9/2022 Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng (bìa trái) biểu diễn cùng ca sĩ Đoàn Đại Hòa (bìa phải) trong chương trình Mùa thu và mãi mãi ở tiền sảnh Nhà hát TPHCM tháng 9/2022
Ca sĩ Đông Nhi biểu diễn trong chương trình Vinh quang người chiến sĩ

Số lượng chương trình chưa nhiều, nhưng đây là nỗ lực nhất định của TPHCM trong việc giữ gìn, phát huy giá trị của âm nhạc truyền thống cách mạng. Các chương trình đều diễn ra trong bối cảnh thuận lợi, khi nhận được sự ủng hộ từ nhiều đơn vị liên quan. 

“Chương trình Vinh quang người chiến sĩ tôn vinh hình ảnh của người chiến sĩ trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay. Quá trình sản xuất chương trình nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ các cấp lãnh đạo thành phố. Bộ Tư lệnh thành phố, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 lập hẳn một tổ công tác để giúp đỡ. Khi tiến hành quay, những khí tài, vũ khí, trang thiết bị được phép sử dụng đều được đầu tư mới hoàn toàn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ, góp sức nhiệt tình của đội ngũ sáng tạo, văn nghệ sĩ để chương trình đậm chất Nam Bộ, chất lính, sự hùng tráng” - NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM - chia sẻ.

Theo bà, thách thức đặt ra là phải đưa nhạc truyền thống cách mạng đến với người dân, nhưng phải hấp dẫn, thấm sâu. Trong đó, yếu tố bản phối khá quan trọng. Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng cho biết với dòng nhạc này, có những ca khúc phải giữ bản phối bán cổ điển nhằm thể hiện sự hào hùng, bi tráng. Nhiều ca khúc hoàn toàn có thể phối theo kiểu mới, đặc biệt với những tác phẩm có nội dung ngợi ca tình yêu quê hương, đất nước.

Ca sĩ Hòa Minzy biểu diễn trong chương trình Vinh quang
Ca sĩ Hòa Minzy biểu diễn trong chương trình Vinh quang người chiến sĩ

Việc tăng cường đưa ca sĩ trẻ được nhiều khán giả yêu thích cùng tham gia, bên cạnh những tên tuổi kỳ cựu, cũng là cách để dòng nhạc này đến gần công chúng, đặc biệt khán giả trẻ. NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy cho rằng ban tổ chức có tin tưởng, nhưng cũng băn khoăn khi đưa ra phương án này. Bởi nhiều ca khúc đã có dấu ấn trong âm nhạc, chiếm được tình cảm sâu nặng của công chúng. Bà nói: “Khi đưa ra những băn khoăn đó, đội ngũ sáng tạo sẽ cùng bàn thảo với ca sĩ, tìm những điểm mạnh trong giọng hát của họ để khai thác. Chúng tôi cũng chọn lựa ca khúc phù hợp với chất giọng ca sĩ. Bản phối, cách dàn dựng cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Việc đầu tư chuyên môn nghệ thuật tốt: dàn nhạc, hát live sẽ giúp các ca khúc có được vị trí xứng tầm, đi vào đời sống của người dân”. 

Chia sẻ khi tham gia số đầu tiên của Vinh quang người chiến sĩ, Hòa Minzy cho biết cô cảm thấy xúc động, hãnh diện và tự hào khi được tham gia chương trình. Cô hy vọng có thể giúp khán giả trẻ, đặc biệt người hâm mộ của mình biết thêm về dòng nhạc này. Bên cạnh chuyên môn nghệ thuật, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng cho rằng tăng cường quảng bá trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội rất quan trọng. Anh thường sử dụng Facebook chia sẻ các tác phẩm này đến công chúng, và nhận phản hồi từ họ để có thêm động lực sáng tác, trình diễn.

Riêng chương trình Vinh quang người chiến sĩ, thời gian tới sẽ được phát triển định kỳ, có được khung giờ phát sóng tốt trên HTV vào cuối tuần để công chúng dễ tiếp cận. 

Trung Sơn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI