Chàng trai Mỹ và tình yêu với giấy dó Việt

29/11/2021 - 07:25

PNO - James Ojascastro nói giấy dó Việt không chỉ khơi nguồn sáng tạo với origami mà còn có ý nghĩa đặc biệt với con đường học vấn của anh.

Một cuộc gặp gỡ tình cờ

Năm 2009, khi còn là một học sinh trung học, James tình cờ biết đến giấy dó Việt Nam thông qua một trang web lưu trữ hình ảnh của các nghệ sĩ origami Việt Nam. Lựa chọn đi theo con đường nghiên cứu khoa học với lĩnh vực thực vật học, anh say mê khám phá thiên nhiên cây cỏ. Giấy dó từ phát hiện của nhiều năm trước tình cờ đi vào những nghiên cứu của chàng trai trẻ.

“Khoảng thời gian từ 2009, tôi vẫn là một học sinh trung học và sau đó là sinh viên. Mãi đến năm 2018, khi nghiên cứu về nghề làm giấy thủ công, tôi gặp lại giấy dó sau lần chạm mặt tình cờ của 10 năm trước. Có rất ít kiến ​​thức khoa học đằng sau cây dó và cách làm giấy dó. Vì vậy, tôi quyết định lấp đầy khoảng trống kiến ​​thức đó và học nghề làm giấy để lấy bằng tiến sĩ”, anh chia sẻ.

Ngoài học cách làm giấy dó, James cho biết anh khá hào hứng khi làm giấy dướng
Ngoài học cách làm giấy dó, James cho biết anh khá hào hứng khi làm giấy dướng

James cho biết không có nơi nào trên thế giới làm giấy dó vì phần lớn cây dó mọc ở Việt Nam và quy trình sản xuất là độc nhất. Do đó, những bộ môn nghệ thuật truyền thống như tranh Đông Hồ sử dụng giấy dó để làm tranh cũng là một nét văn hoá đặc sắc, chỉ có ở Việt Nam.

Chàng trai trẻ đến Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 1/2019 và ở lại 3 tuần. Anh quay lại vào tháng 8/2019 với chuyến đi kéo dài 5 tuần. Anh cho biết vô cùng may mắn khi được làm việc với Zó Project - một dự án phát triển giấy dó ở Hà Nội. Không chỉ giúp James thực hiện các nghiên cứu, mỗi chuyến đi cùng Zó Project là một trải nghiệm đáng nhớ.

“Tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy thợ làm giấy sử dụng chiếc chiếu trúc mỏng (liềm seo) sàng qua một cái chậu chứa đầy bột giấy để tạo ra một tờ giấy dó ướt, đều và gọn gàng như thế nào. Tôi mang theo một ít logwood, một loại thuốc nhuộm tự nhiên từ gỗ của loại cây có nguồn gốc từ Mexico, để thực hiện thí nghiệm tạo màu cho các sợi. Chúng tôi đã tạo ra một số tờ có màu tím đậm - rất khác với màu vàng nâu tự nhiên đặc trưng của các loại giấy Việt Nam”, anh kể.

Trước luận văn tiến sĩ về giấy dó, James từng có một nghiên cứu về cách làm giấy cổ đại. Một phần dự án lấy cảm hứng từ giấy dó và cách gấp origami bằng giấy dó Việt Nam. Khi nghiên cứu, James phát hiện độ mềm và độ bền của giấy dó khác hẳn giấy dướng hay giấy lokta. Điểm khác biệt ấy được tạo nên từ đặc điểm của cây dó và quá trình xử lý sợi giấy.

Nghiên cứu hiện tại của James tập trung vào các làng nghề làm giấy truyền thống ở Nepal và miền Bắc Việt Nam. Chứng kiến nhiều làng nghề truyền thống làm giấy dần mất đi trên thế giới, James cho biết luận văn của anh cũng sẽ đi theo hướng khuyến khích, bảo tồn các mô hình làm giấy truyền thống nói chung và giấy dó nói riêng.

“Tôi là một nghệ sĩ origami, đồng thời cũng là một nhà khoa học. Cho nên, nghiên cứu thể hiện hai góc nhìn của nhà nghiên cứu và  nghệ sĩ. Như vậy, nó dễ tiếp cận được sự quan tâm của đông đảo mọi người hơn là nghiên cứu học thuật thuần túy. Tôi đã gặp nhiều cá nhân làm việc tại Việt Nam đang cố gắng duy trì nghề làm giấy dó. Là một nhà khoa học, tôi thấy trách nhiệm của mình với nghề làm giấy thủ công, đặc biệt là giấy dó”, anh chia sẻ.

Sáng tạo cùng giấy dó

James cho biết ban đầu, khi sử dụng giấy dó để gấp origami, anh vô cùng hào hứng. Tìm hiểu và nghiên cứu loại giấy đặc biệt của Việt Nam giúp khơi dậy nguồn năng lượng sáng tạo trong chàng trai trẻ. Anh cho rằng giấy dó và origami là một sự kết hợp tuyệt vời.

“Đặc điểm tuyệt vời của giấy dó là độ mềm của nó. Ta có thể tìm thấy đặc tính ấy từ giấy được làm từ cây mitsumata ở Nhật. Họ hàng của mitsumata là argeli, được trồng ở Nepal để làm giấy argeli. Loại giấy này cũng rất mềm. Một loại cây khác cũng được sử dụng để làm giấy chủ yếu ở Việt Nam là dướng, có sợi dài hơn, rất bền và dẻo, nhưng sờ vào thấy cứng và rất khác với giấy dó”, anh cho biết.

Trong hành trình khám phá giấy dó Việt, James hứng thú khi hướng dẫn trẻ em gấp origami
Trong hành trình khám phá giấy dó Việt, James hứng thú khi hướng dẫn trẻ em gấp origami

Giống như bất kỳ loại giấy thủ công nào, dó có đặc tính riêng và đó là thách thức đối với những người chưa có kinh nghiệm. Học hỏi từ các nghệ sĩ Việt Nam, James khám phá ra rằng độ mềm của giấy dó có thể xử lý bằng cách ủ với keo lỏng pha nước trước khi gấp. Công đoạn này giúp người gấp có thể kiểm soát các nếp gấp.

James từng đến Nepal để tìm hiểu về giấy lokta. Tuy nhiên, anh cho rằng loại giấy đó chỉ phù hợp để gấp hình ảnh động vật. Trong khi đó, giấy dó được làm từ các sợi dó dài và chắc nên chất lượng giấy sẽ không bị ảnh hưởng nhiều khi ta thực hiện các hình gấp phức tạp. Đồng thời, sự mềm mại của nó còn giúp người gấp dễ dàng biến hoá các hình gấp.

Theo James, hướng đi mới đầy tiềm năng cho giấy dó là tạo màu cho nó. Trong origami, nhiều nghệ sĩ đặc biệt quan tâm đến màu sắc của giấy như màu xám cho voi, màu xanh cho cá voi, màu hồng cho hoa hồng…

Các tác phẩm origami của James sử dụng giấy dó Việt Nam
Các tác phẩm origami của James sử dụng giấy dó Việt Nam

Thách thức là đảm bảo độ bền của màu nhuộm - một yêu cầu đặc biệt đối với màu tự nhiên. James còn cho biết thêm anh đặc biệt quan tâm đến giấy sắc phong ở Bắc Ninh với màu nhuộm vàng nghệ đậm. Sự đa dạng về màu sắc không chỉ giúp giấy dó có hướng đi mới mà nó còn tạo ra nhiều chất liệu nghệ thuật cho nghệ sĩ.

Hiện tại, chàng trai trẻ đang chuẩn bị cho một triển lãm cá nhân nhỏ ở trong trường đại học của anh. Anh giới thiệu sự đa dạng của thực vật thông qua các loại giấy và các hình gấp origami đã thực hiện.

James còn hào hứng cho biết từ những mô hình làm giấy thủ công mà anh đã tiếp xúc, anh sẽ tự làm giấy để in luận văn tiến sĩ của anh và có thể đó là giấy dó. Ngoài sử dụng giấy dó để gấp origami, anh còn sử dụng giấy dó để in tranh linocut.

Vì COVID-19, James đành tạm gác lại mọi dự định nhưng lại rất chăm chỉ học tiếng Việt để có thể tiếp tục hành trình của mình và khám phá Việt Nam ngay khi có thể.

Tấn Đồng

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI