Châm cứu có hồi phục di chứng đột quỵ?

30/11/2020 - 13:28

PNO - Cha tôi bị đột quỵ não (xuất huyết não) đã gần ba tháng và để lại di chứng liệt nửa người bên phải, không thể đi đứng hay cầm nắm được.

* Hiện ba tôi tập vật lý trị liệu tại nhà, nhưng không cải thiện nhiều. Tôi nghe nhiều người nói châm cứu có thể điều trị di chứng của đột quỵ não. Nhờ bác sĩ cho biết, châm cứu có thể trị hết di chứng của đột quỵ não không? Việc điều trị này nên bắt đầu khi nào?

Đỗ Huyền Trang (H.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp)

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trịnh Thị Diệu Thường, Trưởng cơ sở 3 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trả lời: Y học cổ truyền đã có nhiều ứng dụng hiệu quả trong việc phục hồi vận động cho người bệnh sau đột quỵ. Bên cạnh việc sử dụng các bài thuốc giúp tăng tuần hoàn não kết hợp tập vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, châm cứu cải tiến là phương pháp đã được nghiên cứu và chứng minh hiệu quả. Khác với châm cứu kinh điển, các huyệt trong châm cứu cải tiến được lựa chọn tại vị trí nguyên ủy - bám tận của cơ yếu liệt và sử dụng dòng điện xung tần số thấp để kích thích huyệt. 

Trong điều trị di chứng đột quỵ, bệnh viện kết hợp điều trị đa mô thức: dùng thuốc tân dược (điều trị tăng huyết áp, phòng ngừa xuất huyết não tái phát, kiểm soát bệnh lý nền), thuốc đông dược (giúp hành khí hoạt huyết, trừ thấp) kết hợp vận động theo phương pháp tập tác vụ và châm cứu cải tiến. Với những ca đã điều trị thì sau một liệu trình điều trị (kéo dài hai tuần), người bệnh có thể ăn cháo, xúp, uống nước, ăn trái cây mềm không bị nghẹn sặc, có thể tự cầm nắm đồ vật. Sau hai liệu trình, người bệnh có thể bước đi với gậy, tay cầm nắm khéo léo, tự mặc áo quần.

Để đạt được hiệu quả trong điều trị, người bệnh sau đột quỵ nên bắt đầu điều trị phục hồi chức năng càng sớm càng tốt. Khi đó, người bệnh sẽ rút ngắn được thời gian điều trị, tiết kiệm chi phí hơn.

Thùy Dương (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI