Cha - con và giấc mơ tiếp bước

30/01/2025 - 06:39

PNO - Lớn lên cùng tiếng đàn, lời ca…, nghệ thuật cải lương đã như hơi thở của Nghệ sĩ ưu tú Phan Quốc Kiệt và Bình Tinh. Họ bền bỉ viết tiếp ước mơ của gia đình theo cách riêng. Hành trình ấy vừa là đam mê vừa là nỗ lực không ngừng để đưa cải lương đến gần hơn với công chúng.

Người “lái tàu” năng động

Giám đốc nhà hát Trần Hữu Trang - Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Phan Quốc Kiệt - là trường hợp khá đặc biệt của sân khấu cải lương. Anh không chỉ “nối nghiệp cải lương” cha mình - nghệ sĩ Phan Quốc Hùng - mà còn “nối nghiệp giám đốc” của ông, trở thành giám đốc nhà hát và viết tiếp ước mơ dang dở khi cha anh về hưu năm 2013.

Nhắc về nghệ sĩ Phan Quốc Hùng, NSƯT Hoa Hạ từng nói chị yêu quý vị giám đốc này bởi sự hồn hậu, dễ gần, dám nghĩ, dám làm và cái tâm trong sáng khi dùng người. Thừa hưởng lối sống, cách làm nghề của cha, NSƯT Phan Quốc Kiệt cũng được nhiều đồng nghiệp đánh giá giàu nhiệt huyết, năng động, quyết liệt và gần gũi, luôn quan tâm đến từng thành viên của nhà hát.

Quốc Kiệt trong vai diễn Thà, trích đoạn Dòng đời
Quốc Kiệt trong vai diễn Thà, trích đoạn Dòng đời

Từng trải qua vị trí đạo diễn, phó đoàn, trưởng rạp, trưởng đoàn, rồi phó giám đốc trước khi được bổ nhiệm làm giám đốc, hơn ai hết NSƯT Quốc Kiệt nhận diện rõ điểm mạnh, yếu, điều cần quyết tâm thực hiện để phát triển nhà hát. Thay đổi dễ nhận nhất ở nhà hát cải lương Trần Hữu Trang thời Giám đốc Quốc Kiệt là sự “trẻ hóa” và chiến lược nâng tầm đội ngũ nghệ sĩ. 16 nghệ sĩ của nhà hát đã tốt nghiệp và đang theo học đạo diễn, trong đó có 4 người đang tiếp tục bậc thạc sĩ.

Không dừng lại ở “lý thuyết”, nhiều chương trình dự thi, biểu diễn đã được mạnh dạn giao phó cho lớp đạo diễn mới như Điền Trung, Lê Trung Thảo, Minh Trường, Kim Tiến… Lực lượng diễn viên trẻ Nhã Thy, Nguyễn Văn Mẹo, Hoàng Hải, Thanh Toàn, Nguyễn Văn Hợp, Kim Luận… lần lượt được giao những vai diễn quan trọng.

NSƯT Điền Trung - Trưởng đoàn 2, nhà hát cải lương Trần Hữu Trang - hào hứng: “Đây là thời điểm lớp trẻ được đặt niềm tin và động viên nhiều nhất, được khuyến khích tự do sáng tạo, không có bất kỳ sự áp đặt nào. Tôi nể anh Quốc Kiệt ở thái độ bình tĩnh và biết nhận trách nhiệm trong công việc, đồng cam cộng khổ với anh em mọi lúc mọi nơi”.

Nhiều nghệ sĩ ở nhà hát cho biết họ được tiếp thêm sự tự tin khi lãnh đạo biết lắng nghe, biết chia sẻ và kích thích sự sáng tạo. Nghệ sĩ Minh Trường chia sẻ thêm: “Bằng những trải nghiệm, kinh nghiệm của bản thân sau nhiều năm gắn bó với nhà hát, Giám đốc Phan Quốc Kiệt đã rất khéo léo kết nối được sự đoàn kết của tập thể nhà hát. Chúng tôi đang có một tập thể đồng sức đồng lòng”.

Nghệ sĩ ưu tú Quốc Hùng (bìa trái)  trong ngày kết nạp Đảng của con trai ông  - Nghệ sĩ ưu tú Quốc Kiệt (thứ hai từ trái sang)
Nghệ sĩ ưu tú Quốc Hùng (bìa trái) trong ngày kết nạp Đảng của con trai ông - Nghệ sĩ ưu tú Quốc Kiệt (thứ hai từ trái sang)

Còn một điều khiến NSƯT Quốc Kiệt được mọi người nhận xét giống hệt ông Quốc Hùng, đó là sự lúng túng khi phải nói về bản thân. Nhưng khi nói về nghề, về sân khấu, họ đều trở nên sôi nổi, hào hứng, lan tỏa tình yêu dành cho cải lương sang người đối diện.

Viết tiếp ước mơ của cha

Trong số những nghệ sĩ cải lương trẻ hiện nay, nếu chọn gương mặt cho nhân vật nữ anh hùng trong sử Việt, có lẽ là cái tên được nhiều đạo diễn nghĩ đến nhất là Bình Tinh. Khả năng hóa thân của cô đã được chứng minh bằng 3 chiếc huy chương (2 Vàng, 1 Bạc) tại các cuộc liên hoan cải lương chuyên nghiệp.

Lớn lên trong chiếc nôi của dòng họ tuồng cổ Huỳnh Long nhưng từ lúc 8-9 tuổi, Bình Tinh lại “mê mệt” nhân vật Nguyễn Huệ của cha - NSƯT Đức Lợi (vở Mặt trời đêm thế kỷ) - và mơ một ngày được đóng nhân vật lịch sử Việt Nam.

Thấy con gái mê tuồng sử, nghệ sĩ Đức Lợi động viên: “Đóng tuồng sử khó hơn tuồng cổ, ba hy vọng khi lớn lên, con sẽ thể hiện được nhân vật anh hùng sử Việt. Khi đó, chắc chắn ba sẽ rất tự hào về con gái”.

Lời nói của cha đi theo Bình Tinh suốt hành trình làm nghề. Không có cơ hội thử sức với tuồng sử dài hơi, Bình Tinh chọn diễn trích đoạn để bắt đầu thực hiện ước mơ. Thần tượng cha trong hình tượng Nguyễn Huệ, Bình Tinh chọn thử sức với vai công chúa Ngọc Hân để được diễn cùng vai Nguyễn Huệ.

Nghệ sĩ Bình Tinh
Nghệ sĩ Bình Tinh

Tuy vậy, khởi đầu của cô không dễ dàng. “Diễn tuồng cổ chỉ cần giỏi vũ đạo và có sức khỏe để ca diễn, còn lại âm nhạc sẽ hỗ trợ. Khán giả cũng không có hình mẫu để so sánh nên nghệ sĩ ít áp lực. Tuồng sử không chỉ yêu cầu nghệ sĩ phải giỏi vũ đạo, có giọng ca, mà còn đòi hỏi nhiều yếu tố khác: phải hiểu lịch sử, bối cảnh xã hội, thân thế, đặc trưng tính cách nhân vật, mối liên kết với những nhân vật xung quanh… Tôi phải học cách tiết chế để ca diễn đằm hơn, chi tiết hơn” - Bình Tinh chia sẻ.

Mỗi suất diễn công chúa Ngọc Hân, bất kể ở sân khấu lớn hay nhỏ, Bình Tinh cũng luôn xem đó là cơ hội để hoàn thiện kỹ năng. “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, cô đào của gia tộc Huỳnh Long bước đầu khẳng định khả năng thể hiện nhân vật lịch sử của mình ở cuộc thi Sao nối ngôi mùa 1 năm 2016. Vượt qua những “đối thủ” là con nhà nòi, 2 vai diễn công chúa Ngọc Hân (Mặt trời đêm thế kỷ) và quận chúa Huyền Nga (Bão táp nguyên phong) của Bình Tinh đã nhận về số điểm gần như tuyệt đối của ban giám khảo, giúp cô trở thành quán quân của cuộc thi.

Nhưng mãi 6 năm sau, Bình Tinh mới thực sự bay bổng với ước mơ. Cô được trao Huy chương Vàng tại Liên hoan sân khấu Hà Nội 2022, với vai diễn đầu tiên trong tuồng sử - vai Tống Thị Quyên (vở Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên). Hóa thân thành đào văn, nhân vật hoàn toàn khác sở trường với nội tâm khá phức tạp, Bình Tinh đã chứng minh lời cô từng nói: “Chỉ cần đam mê và quyết tâm, tôi có thể làm mọi việc tốt nhất trong khả năng của mình”. Cũng năm 2022, Bình Tinh được trao Huy chương Bạc tại Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc với vai diễn công chúa Hạ Kiều (vở Vương Đạo).

Sau khi “thử lửa” Bình Tinh, đạo diễn, NSƯT Nguyên Đạt đã mạnh dạn giao vai nữ tướng Bùi Thị Xuân cho cô trong vở Tây Sơn nữ tướng để tham dự Liên hoan cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2024. Ông nhận xét: “Tôi ngạc nhiên trước nỗ lực, cách làm việc lăn xả, quên mình khi hóa thân nhân vật của Bình Tinh. Cô luôn biết lắng nghe và học hỏi từ những điều nhỏ nhất để vai diễn đạt hiệu quả cao nhất”.

Rất sinh động trong thể hiện cảm xúc bằng ánh mắt, nét mặt, biết cách tiết chế diễn xuất để chững chạc, chắc và sắc trong từng lời thoại, câu ca, động tác vũ đạo, vai Bùi Thị Xuân đã mang về cho Bình Tinh thêm một chiếc Huy chương Vàng. Nhưng Bình Tinh vẫn nói: “Với tôi, mọi lời khen ngợi, thành tích, huy chương… là sự động viên, là lời nhắc nhở để mình phải cố gắng nhiều hơn nữa”.

Không chỉ thực hiện ước mơ, Bình Tinh còn truyền tình yêu sử Việt cho những diễn viên trẻ của đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long. Sau Trọng Nhân, đến với tuồng sử từ Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên, cô đào trẻ Bảo Ngọc cũng đã có một vai diễn quan trọng trong Tây Sơn nữ tướng.

“Tôi tin sẽ không gì làm khó được Bình Tinh, cô đào nhỏ bé sẽ còn đi xa hơn nữa trên hành trình đã chọn” - đạo diễn, NSƯT Lê Nguyên Đạt khẳng định.

Hoa Huyền

Ảnh do nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI