Câu chuyện anh chủ nhiệm CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc

29/03/2021 - 22:13

PNO - Phải vào cấp cứu suốt nhiều tuần trong tình trạng hôm mê sâu. Người thân tuyệt vọng. Y bác sĩ cũng không tin chị có thể hồi phục. Nhưng tình yêu thương, sự thủy chung, niềm tin và sự kiên trì của chồng đã giúp chị sống lại.

Sau ba tuần cấp cứu, qua hồi sức tích cực, rồi chuyển về bệnh viện phục hồi chức năng, người vợ ấy được tiên liệu sẽ sống đời thực vật. Mọi thành viên trong gia đình đều tuyệt vọng, nhưng chồng chị thì quyết không buông tay.

Gian khó có nhau

Anh Huỳnh Văn Thị (thường được gọi là anh Bảy Thị), sinh năm 1960, nhà ở ấp 3, xã Tân Kiên, H.Bình Chánh, TP.HCM, còn vợ anh là chị Nguyễn Thị Quý, sinh năm 1959. Anh chị là bạn học với nhau từ thuở thiếu thời.

Tốt nghiệp phổ thông, cả hai cùng chọn ngành sư phạm. Ra trường, chị Quý về làm giáo viên mầm non, rồi học tiếp thành cô giáo dạy tiểu học tại Trường tiểu học An Phong, Q.8, TP.HCM. Còn anh Thị, vì gia đình quá khó khăn, lại thêm đàn em nhỏ, nên phải bỏ nghề giáo để theo cha đi phụ hồ.

Khi các em đã lớn, anh Thị đi học cắt may. Thấy anh có khả năng sư phạm, người thầy truyền nghề khuyến khích anh làm giáo viên. Kể từ đó, anh làm thầy dạy cắt may ở Trung tâm Dạy nghề H.Bình Chánh. 

Năm 1984, đôi nhân tình tiến đến hôn nhân. Cuộc sống còn thiếu thốn nhưng ấm áp. Anh Bảy Thị nói: “Cô ấy hiền lành và giỏi giang. Đi dạy, luôn là giáo viên giỏi, còn ở nhà chu toàn hết mọi thứ trong ngoài. Năm 2008, tôi quyết định mở lớp dạy cắt may Kim Ngân ở ngã ba Tân Kiên, cô ấy vui lắm. Rồi tôi được mời tham gia công tác mặt trận, hai năm sau được dân bầu làm trưởng ấp. Cũng trong năm này, xã vận động ấp thành lập câu lạc bộ (CLB) Xây dựng gia đình hạnh phúc… Vợ tôi ủng hộ hết mình, nên tôi lại là người dẫn dắt CLB”.

Anh Bảy Thị cùng vợ

Năm 2014, chị Quý về hưu, nhưng vẫn ở lại giúp nhà trường vì chưa có giáo viên thay thế. Nhưng rồi biến cố đã xảy đến: trên đường đi dạy về, chị bị cướp giật té xuống đường, hôn mê! Tai họa khiến mọi người bàng hoàng. Ba tuần cấp cứu ở bệnh viện Chợ Rẫy ai cũng nghĩ chị không qua khỏi. Chị được chuyển sang điều trị phục hồi chức năng khi các chi và cơ gần như đều đơ cứng, không có dấu hiệu của sự hồi sinh. Thế nhưng với anh Bảy Thị, vợ còn hơi thở, dù mong manh, anh vẫn còn hy vọng. 

Phục hồi chức năng và giúp vợ tìm ký ức 

Từ thầy giáo dạy cắt may và trưởng ban nhân dân ấp, anh Bảy Thị bất đắc dĩ trở thành một “điều dưỡng” cho vợ. Tuần đầu tiên ở bệnh viện phục hồi chức năng, chị Quý thực sự sống cuộc sống thực vật, ăn bằng ống dẫn và cơ thể không có giảm giác. Hằng ngày, anh Bảy Thị cận kề chăm sóc, thủ thỉ với vợ, xoa nắn chân tay cho vợ.

Bỗng một ngày chị Quý tự rút dây dẫn thức ăn khỏi miệng, anh Bảy Thị lại thêm hy vọng, bởi phản ứng vậy là sẽ hồi sinh. “Tôi hỏi bác sĩ xem có thể đút sữa cho cô ấy được không. Bác sĩ trả lời, cứ thử”. Vậy là suốt đêm hôm ấy, anh Bảy Thị thức trắng để thấm từng giọt sữa cho vợ. Ly sữa pha nóng phải hâm lại mấy lần. Rồi anh nhìn thấy đôi môi của vợ mấp máy và có động tác nuốt. Nỗi mừng vui nơi anh là không tả xiết.

Hơn một tháng ròng rã, mỗi ngày anh dành gần 20 tiếng cho vợ. Người thân, ai vào thăm chị cũng không kìm được nước mắt, nhưng anh Bảy Thị lại nén nước mắt vào lòng. Khi chị Quý mở mắt, nhìn thấy chồng và gọi “anh”, anh bảy Thị mới rơi nước mắt. Anh biết vợ mình đã thật sự sống lại. Ngày ngày, anh đưa chị vào phòng tập vật lý trị liệu, xem từng động tác mà các bác sĩ, điều dưỡng làm để về tập cho vợ. Mỗi sáng, chiều, anh đẩy vợ đi khắp khuôn viên bệnh viện. Mặc dù đầu óc chị Quý vẫn chưa phục hồi, nhưng anh Bảy Thị vẫn kiên trì nói với vợ đủ thứ chuyện để giúp chị tìm lại ký ức. 

Chị kể: “Khi tôi tỉnh lại, được trở về nhà, nhìn trong nhà mới thấy đúng là mình vừa từ chỗ chết trở về. Quần áo, đồ dùng cá nhân của tôi đã được xếp gọn gàng, như chuẩn bị để mang đi. Nhìn cảnh tượng đó, tôi quyết tâm phải sống tiếp cho những người yêu thương mình…”. 

Nói về chồng, chị Quý mỉm cười hạnh phúc: “Anh chu đáo lắm. Khi tôi đi chưa vững, ngày nào anh ấy cũng bắt tôi tập đi. Hôm đầu đi 10 bước, hôm sau tôi đi thẳng ra cổng rào, hôm sau nữa, đi một vòng, rồi tăng dần nhiều vòng quanh sân”. 

Khi chị Quý đã hồi phục tốt hơn, mỗi ngày sau khi tan việc ở ban ấp, anh Bảy Thị lấy xe máy chở vợ vòng quanh xóm, dọc bờ sông Chợ Đệm, chỉ cho vợ từng căn nhà hàng xóm. Anh “giới thiệu” lại với vợ từng mối quan hệ họ hàng. Hơn một năm kiên trì, chị Quý vận động bình thường trở lại, nhưng giọng nói vẫn còn… đơ. “Cô ấy không than tiếng nào, nhưng nhiều lúc ngồi nhìn xa xăm trông rất buồn. Tôi biết vợ từng làm giáo viên mà giờ mất đi giọng nói thì buồn lắm. Nhà thì xa bệnh viện, đâu thể mỗi ngày mỗi chở vợ đi tập nói. Tôi nghĩ ngợi hoài. Cuối cùng quyết định mở karaoke cho vợ tôi tập hát” - anh Bảy Thị kể.

 

Anh Bảy Thị và chị Quý cùng chăm mảnh vườn trước nhà
Anh Bảy Thị và vợ cùng chăm mảnh vườn trước nhà

Anh Bảy Thị đã thành công. Chỉ vài tháng sau khi tập hát với chồng, chị Quý bắt đầu nói tròn vành, rõ chữ. Nhưng người chồng ấy không dừng hy vọng giúp vợ hồi phục vẹn toàn các chức năng. Mỗi ngày, anh giao “bài tập”, bắt chị luyện viết, luyện đọc… Thấy hai đứa cháu ngoại đang đi nhà trẻ, anh bảo để bà ngoại dạy cho học chữ. Hai con gái anh chị đều là giáo viên nên sợ “mẹ dạy không giống chương trình”. Nhưng anh trấn an: “Các con đừng lo, ba đang tìm ký ức cho mẹ… Khi ký ức trở về, mẹ sẽ dạy các cháu ổn thôi!”.

Niềm tin cùng sự kiên trì của người chồng đã giúp chị Quý tái sinh. Không chỉ dạy cháu học, làm việc nhà, chị còn cùng chồng trồng một vườn hoa, trồng rau sạch và nhiều loại cây gia vị trước sân nhà. Hai năm sau đó, nhìn vợ chồng anh Bảy Thị mang tạp dề, thi nấu ăn ở lễ hội chào mừng ngày Gia đình Việt Nam 2016, bà con xã Tân Kiên, H.Bình Chánh đều bất ngờ. Họ đến chúc mừng anh chị. Còn anh cười và nói: “vợ tôi vốn 
giỏi mà!”.

Nhắc chuyện tập nói cho vợ, anh Bảy Thị rưng rưng: “Còn nhớ lúc vào thăm Quý ở bệnh viện Chợ Rẫy, một người bạn thân thiết của chúng tôi đã ôm vai động viên tôi cố vững vàng, chuẩn bị hết tất cả đi… Các y bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp cứu chữa cũng đều không tin cô ấy qua khỏi. Nhưng vợ tôi đã trải qua quá nhiều vất vả, vì chồng, chăm lo cha chồng nằm bệnh biết bao năm, lo hai con nhỏ, bếp núc chu toàn. Tới ngày nghỉ hưu, chưa kịp ngơi tay thì tai họa ập đến. Tôi không thể buông tay…”. 

Anh Huỳnh Văn Thị là Chủ nhiệm CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc ấp 3, xã Tân Kiên, H.Bình Chánh hơn 10 năm qua. Anh dẫn dắt CLB từ ngày thành lập với hơn 20 cặp vợ chồng thành viên. Bằng nhiều hoạt động phong phú như sinh hoạt chuyên đề, tổ chức các hội thi nấu ăn, tổ chức mừng kỷ niệm ngày cưới các cặp vợ chồng… CLB do anh dẫn dắt ngày càng có tiếng vang, đến nay đã có hơn 200 cặp vợ chồng tham gia. Ngay thời điểm xảy ra dịch COVID-19, CLB vẫn duy trì sinh hoạt qua online, offline để các gia đình chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con, giữ gìn sức khỏe, hạnh phúc. Tuy nhiên, khi nhắc đến anh Bảy Thị, thì mọi người nhớ nhất vẫn là chuyện anh giành giật sự sống cho vợ…

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI