Cảnh giác với các bệnh dị ứng mùa mưa

30/11/2018 - 17:50

PNO - Hàng năm, hễ vào mùa mưa, lượng bệnh nhân tới khám tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM do các bệnh lý dị ứng ngoài da thường tăng từ 4-10 lần.

Bác sĩ Lê Thái Vân Thanh - Phòng khám Chăm sóc da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cảnh báo người dân nên theo dõi và kịp thời phát hiện các dấu hiệu dị ứng có thể chuyển biến nguy hiểm do yếu tố môi trường và thời tiết gây ra.

Dị ứng với lực tác động của gió và nước 

Trước tiên, không thể bỏ qua nhóm bệnh dị ứng do yếu tố vật lý, thường gặp nhất là bệnh mề đay. Những bệnh nhân này tới khám chủ yếu sau khi tiếp xúc với gió lạnh, nước mưa, nước triều cường… với biểu hiện phổ biến là toàn thân nổi mảng sẩn phù. Nếu đúng là dị ứng vật lý thì chỉ sau vài giờ, tổn thương trên da sẽ dịu đi và biến mất. Tuy nhiên, nhiều người không chịu nổi những cơn ngứa đã cào gãi làm da trầy xước, vi khuẩn và chất bẩn thâm nhập vào vết thương khiến tình trạng thêm trầm trọng, thậm chí có thể dẫn tới nhiễm trùng nếu không được chăm sóc và xử lý kịp thời. 

Canh giac voi cac benh di ung mua mua
Vào mùa mưa ngập, lượng bệnh nhân đến khám dị ứng da tại các bệnh viện thường tăng từ 4-10 lần - Ảnh: PNO

Một số trường hợp đặc biệt, mỗi khi trời trở gió hoặc có mưa, khi ra đường, người bệnh phải bịt mặt, mặc áo che chắn kín mít bởi cơ địa những người này rất nhạy cảm, chỉ cần vài giọt mưa quất lên người hoặc gió mạnh tạt vào phần da để hở sẽ bị nổi mề đay, sẩn phù khắp người. Những đối tượng có cơ địa dị ứng với các yếu tố vật lý thời tiết như trên do có thể lường trước được nguy cơ, càng nên có biện pháp chủ động phòng tránh. Khi thời tiết chuyển mùa, người bệnh nên hạn chế ra đường; nếu cần thiết phải ra ngoài đừng quên ăn mặc kín đáo, che chắn cẩn thận.

Dị ứng da do nhiễm khuẩn 

Nhóm bệnh dị ứng thứ hai thường gặp sau mỗi trận mưa lụt là nhiễm khuẩn. Trong đất, nước, cống rãnh có nhiều vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng và các chất độc hóa học. Bên cạnh đó, đa số người dân thường có thói quen thả chó, mèo đi vệ sinh bừa bãi ở vườn cây, công viên, đường sá. Trong phân của các loài vật nuôi này tồn tại ấu trùng giun đũa chó. Khi mưa ngập, xe chết máy, mọi người đành chịu trận ngâm chân trong nước bẩn nhiều giờ, ấu trùng giun đũa chó sẽ theo nước bẩn xâm nhập chui qua vết trầy xước ở vùng da ngâm trong nước. 

Khi bị ấu trùng giun đũa chó thâm nhập, người bệnh sẽ thấy da nổi rõ các đường ngoằn ngoèo. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, giun đũa chó sẽ thâm nhập vào các cơ quan nội tạng, trường hợp nặng có thể gây tử vong. Không riêng ấu trùng giun, nước ngập ẩn chứa rất nhiều nguy cơ gây bệnh cho da. Khi da đang bị trầy xước, việc ngâm trong nước bẩn sẽ khiến tế bào vảy sừng ở vết thương mềm và tróc ra, từ đó rất dễ bị đỏ da, xuất hiện mụn mủ trên nền da, có cảm giác kích thích, châm chích do viêm da tiếp xúc kích ứng. 

Canh giac voi cac benh di ung mua mua
 

Tự bảo vệ mình trước và sau các cơn mưa ngập

Để bảo vệ sức khỏe nói chung cũng như làn da nói riêng khỏi các bệnh dị ứng khi mưa ngập, bác sĩ Vân Thanh khuyên người dân sử dụng trang phục bảo hộ. Hãy luôn để sẵn trong cốp xe máy đôi ủng ni-lông đi mưa, bộ quần áo mưa dạng đồ nhái để nếu phải lội nước vẫn giữ cho cơ thể không tiếp xúc trực tiếp với chất bẩn.

Trong trường hợp bất khả kháng bị mắc mưa và phải ngâm chân trong nước ngập, khi về nhà phải tắm ngay bằng xà phòng diệt khuẩn. Cần lưu ý, nên tắm nhanh, không nên kỳ cọ, chà xát cơ thể quá nhiều hay quá mạnh vì càng chà kỹ, làn da vốn đã mềm thêm mong manh sau khi ngâm nước nhiều giờ càng dễ bị trầy xước, tạo cơ hội cho vi khuẩn, vi nấm xâm nhập.

Ngoài ra, nên hình thành thói quen kiểm tra các vị trí dễ bị dị ứng như khóe móng chân, phần da bị ngâm nước ngập. Nếu phát hiện dấu hiệu khác lạ, dù chỉ là một vết hơi đỏ nhẹ thì cũng nên sát trùng ngay. 

Nên dùng cồn để sát trùng da thay vì dùng nước muối sinh lý bởi khi dùng cồn, nếu da có bị trầy xước khi thoa lên sẽ dễ dàng cảm nhận hơn, từ đó tránh được sự chủ quan khi theo dõi vết thương. 

 Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI