Cách nhà giáo, sinh viên tham gia chống dịch: Những câu chuyện chỉ có một lần trong đời

11/08/2021 - 06:27

PNO - Với nhà giáo, chữ sĩ cao hơn tất thảy. Thế mà, giữa mùa dịch, họ sẵn sàng mặc cả, thậm chí “đi xin”. Đó là việc xưa nay họ chưa từng làm, nhưng có hề gì khi đổi lại hạnh phúc cho bao người.

Khi nhà giáo… “đi xin”

Có ai ngờ, một cô giáo về hưu đã có món quà thật ý nghĩa để trao tặng các bệnh viện gồm một chiếc máy thở, một máy tạo ô-xy, 20 bình ô-xy loại 40 lít và nhiều trang thiết bị khác. Chuyện là, chọn đúng ngày sinh nhật, cô Hoàng Thị Thu Hiền, nguyên giáo viên ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, đã lên mạng xã hội Facebook đòi… quà sinh nhật. Ngại nói thẳng ra nên cô làm thơ cho có vần vui vẻ nhưng cũng không giấu mong muốn của mình: Mồng bốn năm ni/ Ai mà thương tui/ Giấu vào trong bụng/ Đừng vung lên phây/ Ai mà ghét tui/ Gởi tiền tài khoản/ Mua nhiều máy thở… 

Cô bộc bạch, đây là lần đầu tiên đòi quà sinh nhật và cũng chỉ dám làm một lần trong đời. Rất may, những câu thơ vui đã mang lại hiệu quả ngoài mong đợi. Cô giáo U60 đã nhận được rất nhiều yêu thương và ủng hộ bằng hiện vật nói trên để góp sức cùng các bệnh viện chống dịch. Cô cho biết thêm, sau khi về hưu, cô hay xin sách làm thư viện cho các trường tiểu học ở các tỉnh biên giới. Nay, mùa dịch cô chuyển sang xin nhu yếu phẩm để tiếp tế cho người dân…

Cô Hoàng Thị Thu Hiền tiếp tế thực phẩm cho người dân trong mùa dịch
Cô Hoàng Thị Thu Hiền tiếp tế thực phẩm cho người dân trong mùa dịch

Một nhà giáo cũng vừa làm chuyện lạ là kỳ kèo trả giá để mua được đồ rẻ nhất. Có điều món đồ ông mua không phải cho trường hay cá nhân mà là cho bệnh viện.

“Qua nhiều kênh, tôi biết Bệnh viện An Bình đang điều trị người mắc COVID-19 nhưng lại chưa có bộ máy xét nghiệm PCR. Thế là, tôi bàn bạc với đồng nghiệp trong trường, vận động viên chức, người lao động ủng hộ và nhận được số tiền hơn 600 triệu đồng. Tôi đi chọn máy tốt, trả giá đến xuống nước nài nỉ, cuối cùng nhận sự hỗ trợ của nhà cung cấp từ 1,6 tỷ đồng xuống còn 1,1 tỷ đồng cho chiếc máy xét nghiệm Realtime-PCR nguyên khối. Vậy là chốt được chiếc máy để giúp bệnh viện có điều kiện xét nghiệm nhanh chóng, cho kết quả chính xác nhằm sớm phát hiện các trường hợp dương tính với vi-rút SARS-CoV-2. Số tiền còn lại sẽ trích từ nguồn quỹ phúc lợi của trường sau”, tiến sĩ Phan Hồng Hải, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp TP.HCM, chia sẻ. 

Hay như cô giáo Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà sáng lập nhiều tổ chức giáo dục kỹ năng, trường mầm non, tiểu học tư nhân ở TP.HCM, đã “xin tiền” cộng đồng qua hai năm dịch bệnh. Cô xin tiền vì đã trót nảy ra sáng kiến Help A Teacher - chuyên giúp đỡ những giáo viên, bảo mẫu ở các trường, lớp mầm non gặp khó khăn, mất việc vì dịch COVID-19. Cô xin tiền nhà, rồi xin bạn bè đồng nghiệp, từ người quen đến người lạ, chỉ cần mỗi người chịu “cho” cô một ít là có thể giúp được vài trăm đến cả ngàn giáo viên vượt qua khốn khó mùa dịch bệnh. 

Chẳng có trải nghiệm nào vô nghĩa

Những ngày tháng Sáu oi ả, dịch bùng phát mạnh ở TP.HCM, hàng trăm trường học được trưng dụng làm khu cách ly điều trị, xét nghiệm, điểm tiêm vắc-xin. Mọi việc diễn ra cấp tập để không ảnh hưởng đến tiến độ phòng, chống dịch. Khi nghĩ phải mang gì theo khi “chạy dịch”, các thầy cô chỉ kịp mang theo hồ sơ học bạ học sinh lớp Chín để chuẩn bị cho các em thi chuyển cấp và lần thứ hai thì “ôm” thêm hồ sơ học sinh lớp Sáu để lỡ các em đậu lớp chuyên phải trả hồ sơ ngay… 

Cuộc rượt đuổi trong tích tắc đó cũng chưa là gì với những ngày khó khăn phía trước. Cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức (Q.1), kể: “Bàn giao trường làm khu thu dung điều trị F0 xong thì tôi cũng đi ở ẩn tự cách ly. Do trong quá trình dọn dẹp và sắp xếp chuyển đổi công năng, tiếp xúc nhiều, sợ lỡ có bị gì thì lây cho gia đình, mẹ già đã gần 80… Thay vì về nhà ở Q.11, tôi hỏi mượn nhà người em ở Q.12 để tự cách ly. Khi kế toán gọi điện, nhờ ký hồ sơ chứng từ để chuyển lương tháng Tám cho thầy cô, thì tôi buộc phải ra khỏi nhà. Chốt kiểm soát đầu tiên, tôi giải thích là phải đi ký giấy tờ. Anh công an nói: “Đó không phải việc thiết yếu, chị quay về!”. Tôi phải cố giải thích cho anh ấy hiểu ký này là thiết yếu, rồi phải đưa thẻ công chức ra. May quá, được đi. Mỗi chốt lại phải giải thích, cuối cùng cũng đến nơi “tác nghiệp”. Đó là chốt chặn cầu sắt ở An Phú Đông nối Q.12 và Q.Gò Vấp. Tôi và kế toán đi bộ lên cầu, đứng hai bên bờ chốt chặn thực hiện kỳ ký lương có một không hai”. 

Cô K.L., giáo viên Trường mầm non Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức) là một trong 700 tình nguyện viên của ngành giáo dục TP.Thủ Đức miệt mài xung phong trong mọi hoạt động chống dịch của P.Hiệp Bình Chánh và đội lấy mẫu xét nghiệm nhanh của TP.Thủ Đức. Chẳng may, cô bị dương tính với vi-rút SARS-CoV-2. Ở nhà còn có cha mẹ, chồng con, hỏi sợ không, giọng nói cô nhiều ưu tư khi trở thành F0 nhưng không hề hoang mang: “Tôi đã tiêm một mũi vắc-xin, tỷ lệ trở nặng sẽ không quá lớn, cố gắng giữ khoảng cách và thực hiện đúng hướng dẫn để không ảnh hưởng đến người thân. Tôi sẽ khỏi bệnh và trở lại”. 

Quả thực, không có trải nghiệm nào không giá trị, kể cả đó là những trải nghiệm dữ dội trong trận dịch khủng khiếp này. Để thấy rằng, nội lực con người là sức mạnh, tình yêu thương là vũ khí lợi hại nhất. Bằng tình thương và những nỗ lực không ngừng nghỉ, khó khăn sẽ lùi xa…

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI