Cách ly tại nhà là phải làm sao?

06/08/2020 - 20:09

PNO - Đến nay, Đà Nẵng đã thực hiện giãn cách xã hội được 10 ngày. Không ít người dân đã dần không chịu nổi việc hạn chế đi lại và không được ra đường kiếm sống. Tay làm hàm nhai, với những người không có điều kiện để tích lũy, một ngày không lao động là đã có nguy cơ chịu đói rồi.

Thành phần trung lưu như chủ doanh nghiệp hay chủ cửa hàng dịch vụ có thể cầm cự thêm nhưng lao động phổ thông và người thu nhập thấp thì rất khó.

Trên phố, một số nơi đã xuất hiện các xe bán bánh mì lưu động (dễ di chuyển đi chỗ khác khi có cán bộ công quyền xuất hiện, kiểm tra). Một số cửa hàng “không thiết yếu” cũng bắt đầu mở cửa bán lại.

Chuyến hàng cuối cùng của người đàn ông bán ve chai trước khi Đà Nẵng thực hiện Chỉ thị 16 - Ảnh: Lê Đình Dũng
Chuyến hàng cuối cùng của người đàn ông bán ve chai trước khi Đà Nẵng thực hiện Chỉ thị 16 - Ảnh: Lê Đình Dũng

Tôi hỏi mua gamepad - một thiết bị chơi game, trên đường Hàm Nghi, nhân viên bán hàng nói: “Em mở cửa để đi ship hàng chứ không bán tại đây, nhưng anh lỡ đến rồi thì em bán luôn”. Sau khi tôi rời đi, một khách hàng khác lại đến. Tương tự, ở gần khu vực có nhiều “điểm đỏ” ghi dấu bệnh nhân COVID-19 từng ghé qua, một số quán cà phê nhỏ cũng mở cửa “hóng mát” nhưng nếu có khách ghé qua thì “tiện thể” cũng… bán luôn.

Để ngăn chặn triệt để dịch bệnh ở Đà Nẵng, có hai cách hiểu về “cách ly tại nhà” có thể được áp dụng nếu thực hiện theo đề xuất của một số vị lãnh đạo. Một là thực hiện giải pháp mạnh, buộc toàn bộ người dân thành phố hạn chế tối đa việc ra khỏi nhà. Hai là để người nghi nhiễm, kể cả F1, tự cách ly 14 ngày tại gia đình, dựa vào ý thức tự giác ở nhà của người dân - nói đúng hơn phải là “tự cách ly trong cộng đồng”. Cả hai cách này, đều dẫn đến một kết quả: gia tăng gánh nặng lên tầng lớp có sức chống chọi yếu nhất trong xã hội - người nghèo và lực lượng lao động tự do. 

Dĩ nhiên người dân buộc phải có ý thức tốt chấp hành các quy định về phòng dịch, nhất là khi dịch bệnh lần này quá nghiêm trọng. Nhưng ai cũng cần ăn, cần uống mỗi ngày. Không thể chỉ dựa vào các điểm cứu trợ từ thiện mùa dịch. Hàng nhu yếu phẩm do các đoàn thể - cá nhân tự nguyện hỗ trợ chỉ giải quyết một phần nhỏ vấn đề lương thực phẩm.

Hôm nay - ngày 6/8, một số nơi thậm chí đã treo biển thông báo “không phát hàng từ thiện nữa”. Vì thế, nếu thực hiện “cách ly tại nhà” thì theo lý thuyết các tổ chức này cũng buộc phải ngưng hoạt động. Tức là thêm một nguồn sống mùa dịch của người nghèo bị cắt đứt.

Cuối cùng, điều gì sẽ đến với lực lượng công nhân khu công nghiệp, khi thành phố Đà Nẵng quyết định “cách ly tại nhà”? Hiện tại, ở hầu hết các nhà máy, bệnh nhân COVID-19 hay người nghi nhiễm bị buộc tạm dừng công việc vẫn được trả lương bình thường. Tuy nhiên, như công ty bạn tôi, khi công đoàn thẳng thắn đặt câu hỏi “nếu cách ly tại nhà, tức nhà máy ngừng sản xuất, công nhân có được trả lương thời gian không làm việc theo lệnh chính quyền không?”, ban lãnh đạo từ chối trả lời.

Tôi hiểu, gánh nặng chi phí cho các nhà máy này trong trường hợp đó là quá lớn, nhất là trong “thông lệ” công nhân chỉ có lương sản phẩm, ngày thường không có đơn hàng để làm còn không có lương, thì nói gì đến thời điểm “thắt lưng buộc bụng” này. Nói vậy để thấy, không phải người dân không muốn phối hợp với chính quyền về cách ly triệt để - phòng chống dịch bệnh mà tình thế không chiều lòng người.

Vì thế, chính quyền cần phải quyết đoán hơn. Nếu phải cách ly thì cách ly ngay. Nếu phải dùng biện pháp mạnh thì hãy dùng biện pháp mạnh lập tức. Thà rằng một lần dứt khoát, toàn thành phố giãn cách để ngăn chặn hẳn nguy cơ dịch bùng phát mạnh - nhất là khi phần lớn người dân còn đủ sức chấp hành.

Đừng như hiện tại, trong khi thành phần công nhân vẫn còn có thể đi làm, thì người lao động tự do đã phải ngồi không suốt 10 ngày ròng rã. Rồi nhỡ đến lúc buộc phải tăng nặng biện pháp cách ly, người lao động phải “nhịn đói” thêm ít nhất 2 tuần nữa thì họ biết phải làm sao?

Thường Dân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI