Các hiệp định thương mại tự do giúp Việt Nam đạt thặng dư trên 6 tỷ USD

10/11/2018 - 12:00

PNO - Từ năm 2007 đến nay, lượng hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký với các quốc gia, vùng lãnh thổ nhiều gấp 5 lần giai đoạn trước đó.

Tại diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế với chủ đề “Tạo thuận lợi thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp” do Viện Nghiên cứu phát triển, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức tại TP.HCM mới đây, ông Ngô Chung Khanh - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) - cho rằng, số lượng hiệp định thương mại song phương, đa phương mà Việt Nam ký kết tăng vọt trong thời gian gần đây xuất phát từ mốc thời điểm năm 2007, khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). 

Cac hiep dinh thuong mai tu do giup Viet Nam dat thang du tren 6 ty USD
Các hiệp định thương mại tự do giúp Việt Nam đạt thặng dư trên 6 tỷ USD

Theo ông Khanh, việc gia nhập tổ chức này như một giấy chứng nhận Việt Nam đủ tiêu chuẩn để tham gia thị trường quốc tế theo luật quốc tế. Thêm vào đó, nền kinh tế Việt Nam có xu hướng thích làm ăn với láng giềng như các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc nhưng lại thường xuyên thâm hụt thương mại rất lớn với những nước này.

Chẳng hạn, trong năm 2017, thâm hụt thương mại với Trung Quốc là 23 tỷ USD, Hàn Quốc 30 tỷ USD, ASEAN 6,5 tỷ USD, lãnh thổ Đài Loan 9,2 tỷ USD. Tổng cộng, thâm hụt thương mại với các nước và vùng lãnh thổ này lên đến 68,7 tỷ USD. Nếu chỉ có những Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các khu vực lân cận, tỷ lệ thâm hụt thương mại của Việt Nam sẽ ngày càng lớn hơn.

Trong khi đó, với những nước xa hơn thì Việt Nam lại có thặng dư thương mại, như với Mỹ là 32,4 tỷ USD, EU là 26 tỷ USD; nhờ vậy, chúng ta mới có thể thu hẹp về thâm hụt thương mại. Dự đoán, 2018 sẽ là năm đầu tiên Việt Nam đạt thặng dư thương mại hơn 6 tỷ USD.

Ông Khanh cho rằng, ký nhiều FTA, mở cửa thị trường xuất khẩu mới đưa đến kết quả này. Minh chứng rõ nhất là ngành dệt may: nếu chưa gia nhập WTO, thuế quan áp dụng với hàng may mặc thành phẩm của Việt Nam là 150% so với các nước thành viên; còn khi gia nhập WTO, thuế quan trung bình giảm xuống còn 25%, và khi có FTA, mặt hàng này xuất khẩu vào các nước đối tác ký kết sẽ chỉ còn chịu mức thuế 0 - 5%.

Nhờ có các hiệp định này mà giá trị xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, từ mức 5,4 tỷ USD vào năm 1995 (thời điểm gia nhập ASEAN) lên 213,8 tỷ USD như hiện nay. Ngoài ra, FTA còn giúp Việt Nam thúc đẩy cải cách hành chính, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường và xây dựng các điều kiện thuận lợi cho các dự án khởi nghiệp.

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI