Bữa ăn bán trú ở trường, phụ huynh muốn giám sát không dễ!

04/11/2020 - 07:17

PNO - Bữa ăn bán trú ở trường bao gồm bữa trưa và xế là nguồn dinh dưỡng chính trong ngày cho trẻ. Liệu phụ huynh có thể kiểm soát được chất lượng?

Muốn mục sở thị phải báo trước?

Sau khi con học và ăn ở trường được khoảng hai tháng thì phụ huynh Trường tiểu học Trần Thị Bưởi (Q.9, TP.HCM) mới vỡ lẽ về bữa ăn ở trường của con. Khi mục sở thị nguồn thực phẩm đầu vào, nhiều phụ huynh đã không thể im lặng được nữa. Trong hai ngày 2 và 3/11, phụ huynh liên tục kéo đến yêu cầu nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục đổi nhà cung cấp thực phẩm, chịu trách nhiệm về chất lượng bữa ăn trong thời gian qua. 

Nhà trường phải chịu mọi trách nhiệm liên quan đến bữa ăn bán trú - Ảnh: Gia Tuệ
Nhà trường phải chịu mọi trách nhiệm liên quan đến bữa ăn bán trú - Ảnh: Gia Tuệ

Nhiều phụ huynh không thể giữ được bình tĩnh, bật khóc ngay khi thấy thức ăn của con.

“Mấy hôm trước, có một nhóm trong ban đại diện phụ huynh tham gia khảo sát bữa ăn bán trú. Nhóm này đi về thông báo lên nhóm phụ huynh xác nhận bữa ăn tốt, đạt chất lượng. Thế nhưng hình ảnh họ chụp về thì hỡi ôi, bữa ăn của trẻ chỉ có vài miếng trứng chiên, canh, chuối. Chúng tôi không thể tin đó là bữa ăn trưa của học sinh ở trường. Trẻ ăn như thế sao có sức học, phát triển. Phụ huynh đóng 30.000 đồng cho một suất ăn buổi trưa và xế", một phụ huynh bức xúc.

Từ những nghi ngờ này, từ 5g, phụ huynh theo dõi, kiểm tra nguyên liệu đầu vào thì phát hiện mì tôm không có bao bì và gói chung vào một túi kèm những gói gia vị; tương cà, tương ớt được đựng trong những can nhựa lớn…

Đó là chưa kể, nguyên liệu đầu vào còn rẻ hơn nhiều lần so với thị trường thì làm sao đảm bảo chất lượng. Thí dụ, giá 1kg giò sống được cung cấp vào trường chỉ có giá 64.000 đồng, 1kg giò lụa giá 65.000 đồng… trong khi các sản phẩm cùng loại trên thị trường phải có giá 100.000-200.000 đồng/kg. Thậm chí, trong ngày 2/11, thực đơn bữa ăn không có cà rốt nhưng nguyên liệu nhập vào lại có cà rốt và còn bị hư, dập rất nhiều. Ngoài ra, còn có rau cải bị héo úng...  

Trẻ gần như dùng các bữa ăn chính ở trường, từ ăn sáng đến ăn xế, chỉ ăn ở nhà buổi tối. Nhưng thực chất, phụ huynh muốn giám sát bữa ăn cho con không dễ.

Chị Đào Hồng, phụ huynh có con học tại một trường tiểu học, khẳng định: “Hiện nay, phụ huynh không kiểm tra được bữa ăn của các con. Tôi từng đề nghị cô giáo cho phụ huynh vào xem các con ăn. Cô nói sẵn sàng nhưng phụ huynh phải báo trước với nhà trường. Nếu báo trước thì vào xem chi nữa?”.

Cách đây ít hôm, một số phụ huynh của Trường tiểu học Newton Goldmark (TP.Hà Nội) muốn giám sát chất lượng bữa ăn của con đã vào bếp ăn của trường, lấy mẫu thức ăn mang đi kiểm tra. Sau đó cho rằng thức ăn có vấn đề về an toàn thực phẩm nên làm đơn phản ánh. Kết quả, 39 học sinh có phụ huynh ký vào đơn đã bị nhà cung cấp từ chối cung cấp bữa ăn. Sau đó, nhà trường phải đề nghị bếp ăn để phụ huynh lựa chọn sử dụng bữa ăn bán trú tại trường hoặc không.

Phải ưu tiên sức khỏe học sinh 

Trong khi đó, ở góc độ quản lý, các trường cho rằng việc người ngoài tự ý ra vào trường trong giờ học, ra vào khu vực nhà bếp mà không được sự sắp xếp và kiểm soát sẽ tiềm ẩn rủi ro.

“Tôi nghĩ rằng, phụ huynh muốn vào kiểm tra bếp ăn tại trường là hợp lý nhưng mỗi buổi kiểm tra phải có biên bản, có niêm phong mẫu thức ăn, có đại diện phụ huynh, đại diện nhà trường chứ không phải phụ huynh tùy ý vào bếp ăn rồi tự ý lấy mẫu thức ăn mang đi kiểm tra mà không có xác nhận của bất cứ cơ quan nào chứng minh đó là thực phẩm trong bếp của trường…”, bà Thạc Thị Mai Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Newton Goldmark, nói. 

Nói về bữa ăn bán trú tại trường mình, bà Văn Quỳnh Giao, Phó hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (TP.Hà Nội), cho biết ban đại diện phụ huynh của trường có thể đến kiểm tra bếp ăn bán trú, công tác nhập thực phẩm, hóa đơn một cách tự nhiên.

“Ở trường tôi, bất cứ lúc nào phụ huynh cũng có thể vào nhà bếp xem bộ phận bếp ăn nấu suất ăn cho các con ra sao, kiểm tra thực phẩm cũng như hóa đơn, chứng từ nhà trường nhập thực phẩm. Nếu có vấn đề gì, phụ huynh kiến nghị, nhà trường sẽ xem xét xử lý ngay. Ví dụ qua kiểm tra, phụ huynh có kiến nghị bộ phận nhà bếp cần làm nóng thức ăn cho học sinh vì mùa đông đến sẽ đảm bảo sức khỏe hơn. Nhà trường rất cầu thị và tiếp thu ngay”, bà Giao nói.

Ngoài ra, mỗi tuần giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ đưa thực đơn lên nhóm của lớp, mỗi bữa ăn của học sinh đều có hình ảnh để phụ huynh kiểm soát. 

Cũng theo bà Giao, nhà trường thực hiện công tác bán trú công khai, minh bạch và rất hoan nghênh việc phụ huynh giám sát, không có gì phải e ngại. 

Để giám sát bữa ăn bán trú tại các trường hiệu quả, theo cô Lê Thị Loan, Phó trưởng khoa Giáo dục Học viện Quản lý Giáo dục, vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh rất lớn. Ban đại diện cha mẹ học sinh phải phân công nhau giám sát bữa ăn của con. Đồng thời, nhà trường phải nâng cao trách nhiệm, đặt quyền lợi và sức khỏe của học sinh là ưu tiên hàng đầu mới thực sự giải quyết được các vấn đề về bữa ăn bán trú. 

Ban đại diện cha mẹ học sinh có quyền kiểm tra đột xuất bếp ăn

Cô Lê Thị Loan, Phó trưởng khoa Giáo dục Học viện Quản lý Giáo dục, cho biết: trong Thông tư 55 về Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành có quy định rất rõ về chức năng, nhiệm vụ cũng như quyền hạn của ban phụ huynh. Phục vụ bữa ăn bán trú cho học sinh là thỏa thuận dân sự giữa nhà trường và phụ huynh nên ngay từ đầu năm học ban phụ huynh phải minh bạch và thể hiện rõ quyền hạn của mình bằng các văn bản trong đó có các điều lệ chặt chẽ để thỏa thuận với nhà trường chứ không nên thỏa thuận bằng miệng.

Theo đó, ban phụ huynh có quyền kiểm tra đột xuất bếp ăn, các vấn đề về thực phẩm, nguyên liệu cũng như hóa đơn, chứng từ. Nhà trường phải chịu hoàn toàn trách nhiệm liên quan đến bữa ăn bán trú. Khi có văn bản, từ góc độ pháp lý rõ ràng thì có vấn đề gì xảy ra cứ bên nào sai bên đó phải chịu trách nhiệm. 

Đại Minh - Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI