Bối cảnh quay phim ở Việt Nam: Vẫn chỉ là thì tương lai

24/11/2019 - 20:40

PNO - Sau 'Kong: Skull Island', Việt Nam vẫn chưa nằm trong danh sách những bối cảnh quay phim tiềm năng của điện ảnh thế giới. Tín hiệu khởi sắc là có nhưng để bật lên là điểm đến hấp dẫn, vẫn là câu chuyện dài hơi.

Trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21, Hội thảo Bối cảnh quay phim tại Việt Nam đã được diễn ra với nhiều mổ xẻ, nhằm mục đích đẩy mạnh hơn nữa hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế và ghi tên Việt Nam vào danh sách các nước có bối cảnh quay phim lý tưởng. Nhưng khác với kỳ vọng, sau Hội thảo, câu chuyện bối cảnh quay phim vẫn chưa tìm thấy lối ra. 

Vàng không có sẵn 

Tháng 3/2017, Kong: Skull Island của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts được quay ở 5 danh thắng thuộc 3 tỉnh gồm: Tràng An, Vân Long, Tam Cốc (Ninh Bình), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Phong Nha (Quảng Bình). Trong đó, cảnh quay được thực hiện nhiều nhất ở quần thể du lịch Tràng An (Ninh Bình).

Sau khi phim ra rạp, đạo diễn Jordan Vogt-Roberts được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chọn là Đại sứ du lịch Việt Nam từ 2017 – 2020. Điều này càng chứng tỏ những đóng góp của đạo diễn có tiếng tại Hollywood mang ý nghĩa quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với thế giới. Nhưng, không minh chứng nào thuyết phục bằng những con số ấn tượng về du lịch với lượng khách đến Việt Nam tăng lên nhanh chóng.

Boi canh quay phim o Viet Nam: Van chi la thi tuong lai
Hình ảnh trong phim Kong: Skull Island

Theo ông Trần Nhất Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - Kong: Skull Island là cột mốc đáng nhớ của điện ảnh Việt, nhưng đây không phải là lần đầu tiên, phong cảnh Việt Nam được lên phim thế giới.

“Khoảng năm 1990 – 2002, 3 phim ghi hình đầu tiên thuộc dòng nghệ thuật do các hãng phim Pháp, Anh, Úc sản xuất: Indochina, The lover,  The quiet American. Nhờ 3 chùm phim này, Việt Nam lần đầu tiên lên màn bạc phương Tây như xứ sở nhiệt đới với nhiều thắng cảnh đẹp”, ông Trần Nhất Hoàng chia sẻ. 

Nói như bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Cục trưởng Cục điện ảnh, Trưởng BTC LHP VN lần thứ 21, Việt Nam là quốc gia có nhiều danh lam thắng cảnh, có bề dày không gian văn hoá vùng miền độc đáo. "Nhiều địa danh nổi tiếng, những miền đất xinh đẹp của Việt Nam đã được các nhà làm phim Việt chọn làm bối cảnh, tạo nên những thước phim gây ấn tượng với khán giả", bà Hà nói thêm.

Với những gì đang sở hữu, Việt Nam hoàn toàn có thể nằm trong danh sách các nước có bối cảnh quay phim lý tưởng nhưng không, nếu ví cảnh sắc thiên nhiên đang sở hữu là vàng, thì vàng ở đây chưa được khai thác. 

Boi canh quay phim o Viet Nam: Van chi la thi tuong lai
Bối cảnh The quiet American được quay tại Việt Nam

“Khoảng 70 phim Hollywood làm về đề tài chiến tranh Việt Nam từ năm 1975 đến đầu thập niên 1990. Tất cả đều dùng bối cảnh quay phim ngoài Việt Nam, những bối cảnh thay thế ở các quốc gia Đông Nam Á có khí hậu, địa hình và con người tương tự Việt Nam”, ông Trần Nhất Hoàng lấy làm tiếc về việc Việt Nam không được chọn làm bối cảnh trong khi phim làm về cuộc chiến tranh từng xảy ra trong lịch sử nước nhà.

Ngoài ra, ông Trần Nhất Hoàng nhắc lại sự kiện năm 1990, đạo diễn Oliver Stone sang Việt Nam để xin phép quay bộ phim thứ 3 trong chùm tác phẩm Vietnam War – Heaven & Earth; năm 1995, dự án thứ 18 về James Bond – Tomorrow never dies đến Việt Nam, nhưng cả 2 không được thông qua. 

Mở nút thắt đa ngành

Thiếu cơ chế, chính sách, thiếu thông tin quảng bá, ngành bổ trợ (như đạo cụ, thiết bị) thiếu về dịch vụ và kinh nghiệm, thiếu nhân lực chuyên nghiệp... là những lý do được cho rằng khiến cảnh đẹp Việt Nam vẫn chưa thể tiếp cận được các sản phẩm điện ảnh của thế giới. 

Boi canh quay phim o Viet Nam: Van chi la thi tuong lai
Hình ảnh trong phim Indochina quay tại Việt Nam, phát hành năm 1992

Theo đó, theo ông Trần Nhất Hoàng, việc thay đổi chính sách, quy định pháp lý, khung pháp lý để tạo điều kiện cho các dự án hợp tác phim như hoàn thuế, thủ tục hải quan, nhập cảnh người và thiết bị... là điều nên được đẩy mạnh. Ngoài ra, việc thúc đẩy quảng bá quốc tế cũng cần được đầu tư một cách bài bản, không thể chờ đợi đến khi nhà sản xuất nào đó chọn quay ở Việt Nam mới hô hào thông tin mà cần phải chủ động tìm cách tiếp cận họ từ trước.

Ở khía cạnh tự giới thiệu Việt Nam với bạn bè quốc tế, theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, các phim Việt hiện tại đang tìm đường đến nhiều LHP quốc tế. Tại đây, nếu các phim được thực hiện chỉn chu, cảnh quay đẹp, chắc chắn sẽ gây ấn tượng mạnh với các ê-kíp phim nước ngoài.  

"Có thể thấy một điều rằng, phong cảnh thiên nhiên Việt Nam dù vẫn mang vẻ đẹp độc đáo nhưng sẽ ít người thấy được nếu như không có những tác phẩm điện ảnh giàu giá trị nghệ thuật", từ nhận định này, bà Hà cho rằng khi điện ảnh phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của ngành du lịch, và rộng hơn là thúc đẩy nền kinh tế đất nước. 

Boi canh quay phim o Viet Nam: Van chi la thi tuong lai
The lover quay tại Việt Nam năm 1986, hoàn thành năm 1990 và ra mắt năm 1992

Về phía ngành du lịch, Tiến sĩ Hà Văn Siêu, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định ngành du lịch không vô can trong việc đẩy mạnh hình ảnh Việt Nam đến với các ê-kíp làm phim quốc tế. Ông Siêu cũng nhìn thấy rõ xu hướng du lịch theo phim ảnh tuy không phải là loại hình du lịch mới tại Việt Nam nhưng vẫn chưa được khai thác đúng và phù hợp. Đặc biệt, ông chỉ ra những cách làm "ăn xổi, ở thì", dựa hơi của các đoàn làm phim nhằm lôi kéo khách du lịch đến địa điểm nhưng vô tình làm sai, phá hỏng di tích, làm biến mất một cơ hội phát triển du lịch.

Có thể nói, nhanh, khéo léo và đồng bộ là điều cần có để bối cảnh Việt Nam được chú ý hơn. Trong câu chuyện này, một cá nhân không thể xoay chuyển tình thế mà phải cần đến sự chung tay của đa ngành. 

Diễm Mi 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI