Bỏ phiếu chọn tượng đài Vua Hùng: Đó là đời Vua Hùng nào?

20/04/2016 - 09:52

PNO - Nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ: "Tôi chỉ băn khoăn chuyện giả sử người ta hỏi đây là vua Hùng nào thì phải trả lời sao?"

Vừa qua, đúng vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng năm 2016, Ban quản lý khu di tích đền Hùng đã trưng bày các mẫu tác phẩm tượng đài Hùng Vương để lấy ý kiến nhân dân và các nhà khoa học.

Được biết, đây là kết quả sau bốn tháng phát động dự thi sáng tác phác thảo “Tượng đài Hùng Vương”. Từ cuộc thi này Ban tổ chức đã tiếp nhận 21 phương án, tác phẩm dự thi.

Sau đó, Hội đồng nghệ thuật đã chọn được 3 tác phẩm tiêu biểu để các tác giả tiếp tục chỉnh sửa,  để trưng bày trong khuôn viên khu di tích lịch sử Đền Hùng để người dân bỏ phiếu, từ đó lựa chọn mẫu tượng vị Vua Tổ của người Việt.

Bo phieu chon tuong dai Vua Hung: Do la doi Vua Hung nao?
Các mẫu tượng HV1, HV2, HV3 (theo thứ tự từ phải sang) được trưng bày lấy ý kiến. Ảnh: Lao Động

Đó là đời Vua Hùng nào?

Trước ý tưởng và hành động thực tế của Bản quản lý khu di tích, nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá: "Trong tất cả các ý tưởng mà nguyện vọng có một cái tượng gọi là tượng trưng cho các Vua Hùng là rất quý, tôi tán thành".

"Tôi chỉ băn khoăn chuyện giả sử người ta hỏi đây là vua Hùng nào thì phải trả lời sao? Có 18 đời Vua Hùng thì chắc chắn người ta sẽ hỏi đó là Vua Hùng nào? Vua hùng đầu tiên hay Vua Hùng cuối cùng, cho nên cái tính biểu trưng của nó anh phải có cách thể hiện" - ông Dương Trung Quốc bày tỏ.

Nhà sử học phân tích rằng: "Chính xác thì bao giờ chúng ta cũng nói là "các vua Hùng đã có công dựng nước", chứ không chỉ nói là vua Hùng. Thế bây giờ làm biểu tượng 1 cái 1 con người, tuy nó chỉ mang tính biểu tượng thôi nhưng mà ít nhất người ta cũng phải biết đó là vua Hùng nào" - ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh vào trọng tâm vấn đề.

Ông cho rằng chính Ban tổ chức phải đặt ra câu hỏi xem trả lời như nào. "Thế còn làm 1 hình tượng để biểu trưng tôi thấy dân chúng ta ủng hộ, hoan ngênh. Việc chọn bức tượng nào chắc cũng có nhiều tiêu chí", ông nhận định thêm.

Nhà sử học khái quát lại: "Khi chúng ta làm một chủ đề gì thì cần phải trả lời câu hỏi để thấy là phải cụ thể hóa ra thành ngôn ngữ tạo hình thì lại là vấn đề khác. Ở đây chúng ta lăn tăn trong cả tượng vua hùng nào trong số 18 vị, cho dù đó là truyện truyền thuyết.

Trong chuyện này tôi chỉ băn khoăn mỗi chuyện đó thôi, còn lại tôi đồng thuận với tất cả mọi chuyện".

Chưa bao giờ có ảnh Vua Hùng?

Cũng bày tỏ về quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Duy Bình - Trưởng khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: "Nhiều mẫu thì sẽ có nhiều sự lựa chọn. Càng có nhiều mẫu thì càng tốt để các nhà khoa học góp ý thì mình làm sẽ tốt hơn".

PGS dẫn chứng: "Ví dụ như tượng đại Bác Hồ tại UBND TP, hồi đó mới làm tôi cũng đã không thích tượng Bác ngồi rồi, đến năm 2015 khi tôi ra ngoài này bây giờ tượng Bác đã được đổi bằng tượng đứng. Thế nên là có nhiều sự lựa chọn vẫn tốt, đó là quan điểm của tôi".

"Nên dân chủ, công khai. Nếu có nhiều sự lựa chọn thì nhân dân, các nhà khoa học cũng có thể góp ý, càng nhiều góp ý càng tốt, trong đó có các nhà sử học và nhà khảo cổ học", ông phân tích thêm.

"Bởi vì chúng ta cũng chưa bao giờ có ảnh của cụ, rồi ít người biết mặt cụ, chúng ta cũng chỉ có một số truyền thuyết ở trên trống đồng, hình mô phỏng thôi", PGS Nguyễn Duy Bình lập luận.

Tuy nhiên, PGS cũng thể hiện sự cẩn trọng khi cho rằng, việc xây dựng cần phải chú ý làm sao cho nó trang trọng, trang nghiêm và phải mang tính giáo dục cho thế hệ trẻ và người dân để người ta biết được đấy là cội nguồn của dân tộc. Đấy là việc cần phải có sự tham khảo, bình luận, cần phải có hội thảo.

"Nếu làm về tượng cần phải có những kiến trúc sư giỏi, phải kết hợp giữa các nhà sử học, dân tộc học, văn hóa dân gian để người ta góp ý cho, vì thế tôi nghĩ nên tham khảo", chuyên gia đưa ra quan điểm.
 
Cũng theo ông: "Việc đúc tượng to hay nhỏ không quan trọng lắm, chưa cần có tượng đài của vua Tổ thì trong tim mỗi người Việt thì người ta đã có tượng đài rồi".

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI