Bộ GD-ĐT vô can trước thực trạng 'cơm chấm cơm' tại các trường đại học?

15/01/2018 - 07:35

PNO - Một khi chất lượng giáo viên không được cải thiện thì cũng đồng nghĩa với việc chất lượng giáo dục đại học Việt Nam mãi chỉ ở đẳng cấp “ao làng”. Bộ GD-ĐT có “vô can” với thực trạng tồi tệ này?

Khái niệm “cơm chấm cơm”- giảng viên đại học chỉ có trình độ đại học - đã xuất hiện từ trước năm 2000, khi cả nước có gần 50% giảng viên đại học có trình độ... đại học.

Đáng buồn là sau chừng ấy năm phát triển giáo dục đại học, rồi đến sự ra đời của Luật Giáo dục đại học năm 2012, quy định chuẩn giảng viên đại học phải có bằng thạc sĩ trở lên, nhưng báo cáo mới đây của Bộ GD-ĐT tiếp tục cho thấy ở không ít trường đại học vẫn còn tình trạng “cơm chấm cơm”. 

Bo GD-DT vo can truoc thuc trang 'com cham com' tai cac truong dai hoc?
Giảng viên chỉ có trình độ đại học là một thực tế đã tồn tại quá lâu trong các trường đại học Việt Nam - Ảnh mang tính minh hoạ (Phùng Huy)

Cả một trường đại học (ĐH) chỉ vỏn vẹn 30 giảng viên (GV) đứng lớp; 64% GV có trình độ... ĐH - là một trong những sự thật khiến dư luận không khỏi giật mình khi Bộ GD-ĐT công bố kết quả thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng năm 2017 của 208 cơ sở giáo dục ĐH.

Đó lại không phải chuyện cá biệt, mà không ít trường ĐH từ Bắc chí Nam cũng có quá nửa GV đứng lớp chỉ có bằng ĐH.

“Bảng phong thần” của bộ cho thấy, có đến 20 trường ĐH có số GV chỉ có bằng cử nhân chiếm đến 30%-64%. Trường ĐH Võ Trường Toản có 252/392 GV cơ hữu có trình độ ĐH (gần 64,3%); ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương có 179/297 (hơn 60%); ĐH Phan Chu Trinh có 39/76 (trên 51%); ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương có 81/165 (hơn 49%); ĐH Điều dưỡng Nam Định có 100/205 (gần 49%); ĐH Công nghệ dệt may Hà Nội có 126/276 (trên 45%); ĐH Y Dược Cần Thơ có 142/445 (trên 32%)…

Càng bất ngờ hơn trong danh sách này còn có cả những cái tên “bề thế” ở Hà Nội và TP.HCM như ĐH Y Dược TP.HCM; ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch; ĐH Công nghiệp Hà Nội; ĐH HUTECH; ĐH Nông lâm TP.HCM… Trường nào cũng có đến hàng trăm GV chỉ có trình độ cử nhân.

Đó là chưa kể, nhiều trường ĐH hoành tráng, chỉ tiêu tuyển sinh đến vài ngàn sinh viên/năm, nhưng cả bộ máy chỉ có vài chục GV cơ hữu. Trường ĐH Gia Định đã thành lập hơn 10 năm nhưng chỉ có 39 GV, ĐH Y khoa Tokyo - Việt Nam 33 GV, ĐH Trưng Vương 36 GV, Phân hiệu ĐH Thái Nguyên tại Gia Lai 31 GV, ĐH quốc tế Bắc Hà 41 GV, ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội 43 GV, ĐH Hùng Vương (TP.HCM) 59 GV…

Tính từ khi ban hành Thông tư 08 của Bộ GD-ĐT về quy định mở ngành, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành vào cuối năm 2011, nguồn lực GV - yếu tố quan trọng nhất của một trường ĐH - vẫn cứ ở cảnh giật gấu vá vai.

Sáu năm là thời gian đủ để các trường chuẩn bị đội ngũ GV đảm bảo chất lượng đào tạo, nhưng chỉ một số trường làm được trong khi nhiều trường vẫn “bình ổn” ở mức… “kịch sàn”.

Trường thiếu GV vẫn cứ thiếu, trường vay mượn vẫn tiếp tục vay mượn. Sau đó một năm, Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực, đã quy định cụ thể: chuẩn của chức danh GV giảng dạy trình độ ĐH phải là thạc sĩ trở lên (trừ một số ngành chuyên môn đặc thù do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định). Nhưng, những trường thiếu GV cơ hữu, GV dưới chuẩn, thuê mướn cơ sở… vẫn ung dung tổ chức tuyển sinh, đào tạo; thậm chí quy mô tuyển sinh ngày càng lớn.

Không ít nhà giáo dục đã hết sức bất bình trước cảnh “tay không bắt giặc” của nhiều trường ĐH, lại còn có số lượng ngành đào tạo gấp đôi so với các trường công lập đủ tiềm lực khác. Có trường ĐH ngoài công lập có đến 5-7 cơ sở thuê mướn manh mún mà chỉ tiêu tuyển sinh cứ tăng dần mỗi năm... Đây thật sự là một dấu hỏi lớn cho công tác quản lý giáo dục.

Nhìn tổng thể, bất chấp thực trạng thiếu người, thiếu cơ sở vật chất; hệ thống giáo dục ĐH của ta lại phát triển “thần tốc”. Trường, ngành, quy mô tuyển sinh liên tục nở nồi.

Con số GV gồng gánh sinh viên (SV) luôn vượt xa chuẩn. Cụ thể, cuộc rà soát năm 2015 cho thấy tỷ lệ SV/GV rất cao. Ở nhiều trường, mỗi GV phải “gánh” từ 50 SV trở lên. Gần 100 ngành, một GV phải gánh hơn 100 SV, nhiều nhất là ở khối ngành kinh tế, quản lý, luật và giáo dục.

Tính đến hết năm học 2016-2017, cả nước có đến 235 cơ sở giáo dục ĐH, đó là chưa tính các trường khối an ninh, quốc phòng. Quy mô đào tạo vọt lên hơn 1,76 triệu SV trong khi tổng số GV chỉ có 72.792 người. Tính từ đầu năm 2016 đến 31/7/2017, đã có 184 ngành mở mới ở trình độ ĐH…

Từ năm 2011 đến nay, Bộ GD-ĐT đã có ít nhất 3 đợt thanh tra, cứ “sờ” đến đâu là thấy “thiếu chuẩn” ở đó. Cuối năm 2011, kiểm tra 24 trường ĐH thì phát hiện có đến 41 ngành không có GV là tiến sĩ, 12 ngành không có tiến sĩ và thạc sĩ, thậm chí có ngành còn chưa có GV cơ hữu và nhiều GV chưa có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Đầu năm 2014, bộ thông báo 503 ngành ở các trường bị dừng tuyển sinh do “trắng” điều kiện tối thiểu về GV…

Quy định đã có, hành lang pháp lý đầy đủ, thanh tra phát hiện thiếu sót cũng đã nhiều nhưng khâu xử lý vẫn còn như "giơ cao đánh khẽ". Một khi chất lượng GV không được cải thiện thì cũng đồng nghĩa với việc chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam mãi chỉ ở đẳng cấp “ao làng”.

Bộ GD-ĐT có “vô can” với thực trạng tồi tệ này? 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI