Bị tẩy chay, rau củ Trung Quốc vẫn nhập về ồ ạt

29/06/2013 - 07:59

PNO - PN - Nhiều tiểu thương buôn bán rau củ quả (RCQ) tại các chợ lẻ TP.HCM khẳng định: “không bán hàng Trung Quốc (TQ)”. Nhưng thực tế, tổng lượng RCQ TQ về các chợ đầu mối TP.HCM vẫn không hề giảm. Vậy lượng hàng này đi đâu?

Tẩy chay nhưng có thể mua lầm 

Đi chợ những ngày này, một tâm lý chung dễ thấy ở các bà nội trợ là “quá sợ hàng TQ”. Hầu hết người mua đều hỏi kỹ nguồn gốc, xuất xứ của các loại rau củ, trái cây và hỏi qua nhiều sạp, biết chắc không phải hàng TQ thì mới dám mua. Thế nhưng, không phải người bán nào cũng nói thật, phần lớn đều nói tránh là “hàng Bắc, Đà Lạt, Nha Trang…” để bán được hàng. 

Ghi nhận tại một số chợ trong các quận nội thành TP.HCM như chợ Tân Định, Bà Chiểu, Gò Vấp, Nguyễn Văn Trỗi, Thị Nghè, Hòa Hưng… cho thấy, thời gian này, RCQ trong nước chiếm số lượng nhiều do các loại đang vào mùa vụ, đặc biệt là trái cây như: chôm chôm, vải, nhãn, măng cụt, ổi, táo, mãng cầu…Tuy nhiên, nhiều sạp vẫn bày bán xen lẫn thêm các loại trái cây ngoại nhập, như: táo Mỹ, cam, nho Mỹ và nhiều táo, lê TQ. Đáng nói, loại táo Fuji có nguồn gốc từ TQ nhưng nhiều tiểu thương vẫn mạnh miệng khẳng định là táo Nhật để bán được hàng. Còn loại cam TQ có vỏ vàng sậm cũng “đội lốt” cam Vinh, hay đào TQ thì được “lên đời” thành “đào Sapa”… 

Một số loại rau củ khiến người mua dễ bị nhầm lẫn như cà rốt, khoai tây, hành tây, súp lơ, cải thảo, bắp cải, củ cải… nhiều tiểu thương vẫn lập lờ nguồn gốc. Một tiểu thương tại chợ Hòa Hưng (Q.10, TP.HCM) còn hướng dẫn: “cà rốt TQ có màu đỏ sậm hơn chứ không tươi như loại cà rốt Hà Nội”. Chị này nói chắc nịch: “Bây giờ ai mà dám bán hàng TQ nữa. Lấy về không bán được”. Dù nói vậy nhưng trên sạp này vẫn bày bán súp lơ trắng của TQ. 

Tại nhiều chợ, các mặt hàng hành, tỏi, gừng TQ vẫn được bày bán khá nhiều. Tuy nhiên, đây là những mặt hàng mà tiểu thương thường thẳng thắn cho biết về nguồn gốc và người mua cũng có thể dễ dàng phân biệt dựa trên hình thức. Hành TQ có màu vàng nhạt, tròn chứ không tím, hơi dẹp như hành Việt Nam (VN); tỏi TQ có màu trắng, tép to đều còn tỏi VN tép có màu tím nhạt và không đều. 

Tại các chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn (TP.HCM) những ngày này, hàng trăm tấn RCQ TQ vẫn ùn ùn về chợ mỗi đêm. Hàng TQ về chợ thường dao động theo mùa vụ. Hiện nay, nhiều chủng loại RCQ từ TQ: cà rốt, khoai tây, súp lơ, bông cải, hành tây… đang đầy ắp các quầy sạp. Bên cạnh các loại trái cây như bom, lê thường xuyên có hàng, mùa này còn có thêm đào, cam vỏ vàng sậm, dưa Tân Cương, dưa Kim Cô Nương…Đại diện Ban Quản lý một số chợ đầu mối TP.HCM cho rằng, phần lớn RCQ TQ được tiêu thụ bởi các cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp, nhà hàng, quán ăn… vì giá rẻ, sơ chế nhanh, ít hư hao.

Bi tay chay, rau cu Trung Quoc van nhap ve o at

Mặc dù sức mua rau củ quả Trung Quốc giảm do người tiêu dùng dè dặt nhưng lượng hàng rau củ quả Trung Quốc về chợ vẫn không giảm 

Chỉ lấy mẫu kiểm tra hàng trong nước? 

Hiện, lượng RCQ về chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (Q.Thủ Đức, TP.HCM) trung bình đạt 3.200 tấn/đêm, trong đó RCQ TQ chiếm 400 tấn. Chị P. - kinh doanh RCQ tại chợ Thủ Đức, cho biết: “Thời gian này hàng tiêu thụ rất chậm, nhưng đã ký hợp đồng với đối tác rồi nên vẫn phải nhập đủ hàng theo số lượng đã ký. Có hôm hàng tồn quá nhiều phải đổ bỏ”. 

Hàng TQ về chợ đầu mối lên đến hàng trăm tấn/mỗi đêm và phân phối đi khắp chợ lẻ, nhưng công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng đối với mặt hàng này hiện nay khá lỏng lẻo. Thương lái các chợ đầu mối cho biết, hàng TQ vào chợ rất dễ dàng, thông thường chỉ cần xuất trình hóa đơn chứng từ và giấy kiểm dịch, rất ít khi cơ quan chức năng lấy mẫu RCQ TQ kiểm nghiệm. Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó giám đốc Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, ở phạm vi trách nhiệm chợ, hằng đêm có lấy mẫu RCQ để kiểm tra nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng thường chỉ lấy mẫu đối với các mặt hàng RCQ trong nước để cảnh báo, nhắc nhở; còn RCQ ngoại nhập thì cơ quan bảo vệ thực vật có trách nhiệm lấy mẫu kiểm soát chất lượng. 

RCQ ngoại nhập, đặc biệt là hàng TQ dù bị nhiều lần cảnh báo có chất độc hại, nhưng việc kiểm tra chất lượng vẫn không được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ. Một cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM cho biết, lẽ ra Chi cục giám sát hàng nhập về ba chợ đầu mối mỗi đêm, nhưng hiện nay gần như công tác này được khoán cho chợ tự làm. Trong khi quy định hàng vào chợ phải có giấy xuất kho, hóa đơn chứng từ, giấy kiểm dịch, nhưng thường là giấy photo chứ không có sao y công chứng nên không loại trừ khả năng giấy kiểm dịch không có giá trị khi được tái sử dụng cho nhiều lô hàng khác nhau. “Nếu thương lái muốn qua mặt cơ quan chức năng, thì họ sẽ sửa thông tin về lượng hàng, ngày giờ… trong giấy kiểm dịch dễ dàng. Thường hàng vào chợ bước đầu chưa biết được có vi phạm hay không nên thường không bị kiểm tra gắt gao, khi kiểm tra mẫu phát hiện gì thì mới yêu cầu thương lái cung cấp giấy tờ gốc”, vị này nói. 

Hàng về chợ đầu mối đã vậy, RCQ TQ khi về đến chợ lẻ thì dễ dàng “tiến thẳng” vào bàn ăn người tiêu dùng. Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát đối với mặt hàng RCQ TQ thì cũng nên công bố rõ ràng danh mục và cách nhận biết những mặt hàng TQ hiện đang được nhập vào VN để người tiêu dùng chọn lựa, cảnh giác với những loại RCQ có nguy cơ chứa chất độc hại. 

 Nguyễn Cẩm - An Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI