Bệnh nhân tử vong do mắc COVID-19 có chung những đặc điểm gì?

02/05/2020 - 11:00

PNO - Sở Y tế TPHCM thông tin, các nhà nghiên cứu của Trung Quốc ghi nhận trên 113 trường hợp tử vong do COVID-19, nhận thấy những người này có nhiều điểm chung.

Nhân viên y tế tại Bệnh viện Dã chiến (huyện Củ Chi, TPHCM)
Nhân viên y tế tại Bệnh viện Dã chiến (huyện Củ Chi, TPHCM)

Các nhà nghiên cứu đánh giá toàn diện các dữ liệu lâm sàng, cận lâm sàng của nhóm bệnh nhân tử vong và nhóm bệnh nhân hồi phục trong số những người đã được chẩn đoán xác định nhiễm SARS-CoV-2.

Các bệnh nhân này được điều trị tại Bệnh viện Tongji (Vũ Hán, Trung Quốc). Nhóm nghiên cứu đã so sánh những đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng, xét nghiệm và X-quang của bệnh nhân theo các kết quả điều trị khác nhau.

Ngoài ra, với 113 ca tử vong đã tiến hành mổ tử thi để nghiên cứu, cụ thể:

- Độ tuổi và giới tính:

Tuổi trung bình của nhóm bệnh nhân tử vong (68 tuổi) lớn hơn đáng kể so với nhóm hồi phục (51 tuổi). Giới tính nam chiếm ưu thế ở những bệnh nhân tử vong (83 ca; 73%) so với những bệnh nhân hồi phục (88 ca; 55%).

- Thời gian ủ bệnh ở bệnh nhân tử vong: 

Thời gian trung bình từ khi xuất hiện triệu chứng đến lúc tử vong là 16 ngày (dao động từ 12 - 20 ngày ở nhóm tử vong) và thời gian trung bình từ triệu chứng đầu tiên đến lúc xuất viện (nhóm hồi phục) là 26 ngày. 

- Dấu hiệu thường gặp ở nhóm tử vong:

Bạch cầu tăng đến 1/2 ở bệnh nhân tử vong; trong khi ở bệnh nhân hồi phục thì rất thấp (khoảng 4%). Nhóm tử vong có kèm theo bệnh tăng huyết áp mạn tính, các bệnh tim mạch khác kèm theo (chiếm 54 ca, khoảng 48% trường hợp); trong khi ở nhóm hồi phục chỉ từ 4% - 24% trường hợp mắc bệnh này. Khó thở, tức ngực và rối loạn ý thức là những dấu hiệu lâm sàng phổ biến hơn ở những bệnh nhân tử vong so với những bệnh nhân hồi phục.

- Các biến chứng thường gặp khá phổ biến ở những bệnh nhân tử vong: 

Hội chứng suy hô hấp cấp tính, nhiễm trùng huyết (100% ca), suy tim, tăng kali máu, chấn thương thận cấp tính và bệnh não do thiếu oxy.

Đặc biệt, sự xuất hiện các biến chứng về hô hấp, tim và thần kinh có liên quan mạnh mẽ đến tiên lượng xấu ở những bệnh nhân mắc COVID-19.

Bệnh nhân mắc bệnh tim mạch có nhiều khả năng bị biến chứng tim. Điều kỳ lạ là biến chứng tim mạch không chỉ xảy ra ở nhóm bệnh nhân tử vong có bệnh lý tim mạch trước đó, mà với cả những bệnh nhân không mắc bệnh tim mạch.

Sự tiến triển của viêm phổi và viêm nhiễm toàn thân thường xảy ra trong 2 tuần đầu tiên và có thể quyết định sự tiến triển của bệnh (bệnh tự phục hồi hoặc tiến triển nặng).

- Điều trị ở nhóm bệnh trước tử vong:

Có ít bệnh nhân hơn trong nhóm tử vong so với nhóm hồi phục được điều trị bằng một thuốc kháng virus hoặc thuốc kháng virus kết hợp. Tình trạng viêm phổi nặng được quan sát thấy ở nhóm tử vong, trong đó có nhiều bệnh nhân đã được điều trị bằng glucocorticoid. Nhiều bệnh nhân trong nhóm tử vong được giúp thở do thiếu oxy máu nặng.

Tuy nhiên, nhóm tác giả khẳng định không thể kết luận từ nghiên cứu này về tác dụng của thuốc kháng virus, sử dụng steroid có lợi hay không, các tác giả đề nghị những vấn đề này cần được nghiên cứu thêm.

Công trình nghiên cứu này được đăng trên Tạp chí BMJ vào ngày 26/3/2020.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI