Bệnh nhân đau khổ khoét da vì thấy con gì… bò trong người

29/12/2020 - 06:43

PNO - Người đàn ông loay hoay dùng nhíp cắm sâu vào bắp đùi, khui lên một miếng da để “chứng minh” có con gì đó đang bò trong lớp da mình.

 

Một bệnh nhân bị hoang tưởng ký sinh trùng đến khám tại BV Da liễu TPHCM.
Một bệnh nhân bị hoang tưởng ký sinh trùng đến khám tại BV Da liễu TPHCM.

 

Rạch mặt... vì sợ con gì bò dưới da

Bệnh nhân nam N.V.T. (quận 6, TPHCM) đội chiếc mũ lùm sụp che gần kín khuôn mặt trong khi ngồi chờ đến lượt khám, luôn ngọ nguậy trên ghế. Đôi chân xuất hiện hàng chục vết sẹo, có cái đã lành, có cái đang mưng mủ, có cái chỉ mới vừa xuất hiện.

Người đàn ông khoảng 40 tuổi được người nhà đưa đến khám tại Bệnh viện Da liễu TPHCM vì cứ than sao có con gì đang bò bò sâu dưới lớp da. Cảm giác khó chịu khiến anh không thể ngồi yên. Khi bác sĩ đến khám, anh đau khổ cầm chiếc nhíp chà chà lên da và nhấn mạnh xuống để gắp lên một phần da thịt của mình và nói với bác sĩ: “Đây nè, đây nè, có con gì đang bò. Để tui gắp lên cho coi”.

Người nhà cho biết trước nhập viện khoảng 1 tháng, bệnh nhân bị nổi đỏ và ngứa khắp người. Anh cứ luôn nghĩ là có con gì đó đang bò trong người, nhất là ngay phía dưới lớp da.

Tuy vậy, kết quả xét nghiệm tìm giun sán không hề xuất hiện trong cơ thể anh. Nhưng anh vẫn không tin bác sĩ và khẳng định có cảm giác con gì bò dưới da nên phải dùng nhíp đâm vào da để "trục xuất" con vật...  Nhưng bệnh nhân không biết mình đã mắc phải một hội chứng loạn thần - bệnh hoang tưởng.

Để “chiến đấu” với những ký sinh trùng ảo tưởng trên người, anh T. nhất quyết không chịu buông chiếc nhíp ra khỏi bàn tay.

Trường hợp tương tự là anh T.M.H. (45 tuổi, nhà ở huyện Bình Chánh, TPHCM). Nhưng ám ảnh "con gì bò dưới da" của anh H. lại có sức tàn phá khủng khiếp hơn và kéo dài hơn.

Anh cho biết khoảng 6 tháng nay, có con gì bò trên mặt mình. Anh khóc với bác sĩ khi cảm giác rất rõ ràng nó đang đào hang vào sâu lớp da để ẩn nấp.

Vì thế, anh quyết định phải dùng nhíp để kéo nó ra khỏi da mặt. Kết quả là mặt anh với chi chít sẹo, nhiều vết loét sâu, bầm, mưng mủ. Khi đến khám, có vết thương còn đọng máu vừa kịp khô.

Người dân đến khám bệnh tại BV Da liễu TPHCM
Người dân đến khám bệnh tại BV Da liễu TPHCM

Khi ký sinh trùng chỉ có trong hoang tưởng

Bác sĩ CK2 Nguyễn Trúc Quỳnh – Khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết cả 2 trường hợp nói trên hoàn toàn không mang có ký sinh trùng trong người. Kết quả điều trị tại các bệnh viện khác đều không tìm thấy giun sán trong cơ thể họ. 

Vậy cảm giác như có con gì đó đang bò trên da và thậm chí tìm cách đào hang vào sâu trong da để ẩn nấp là do đâu? Sau khi xem xét các kết quả xét nghiệm và không phát hiệu dấu hiệu bất thường, các bác sĩ nghĩ nhiều đến nguyên nhân: hoang tưởng ký sinh trùng - Delusional infestation.

Sau khi lắng nghe lời kể bệnh nhân, quan sát vết thương và dùng bảng hỏi, bác sĩ Nguyễn Trúc Quỳnh đã chuyển gửi 2 bệnh nhân nói trên đến Bệnh viện Tâm thần TPHCM để chẩn đoán và sau đó bệnh nhân quay trở lại để được tiếp tục điều trị vết thương trên da.

Theo bác sĩ Quỳnh, hoang tưởng là những ý tưởng phán đoán sai lầm, không phù hợp với thực tế khách quan, nhưng người bệnh tin chắc đó là hoàn toàn chính xác.

Bác sĩ Nguyễn Trúc Quỳnh cho biết khi bị hoang tưởng ký sinh trùng, người bệnh tin họ bị nhiễm ký sinh trùng, mặc dù các bác sĩ cố giải thích là các bằng chứng về xét nghiệm... hoàn toàn không phát hiện.

Thông thường bệnh nhân sẽ mô tả chủ quan về ký sinh trùng đang bò hoặc đào hang vào da và ẩn nấu dưới bề mặt của da. Khi đến bệnh viện khám, người bệnh sẽ mang theo những mẫu vật hoặc hộp diêm là những thứ họ tin rằng chứa ký sinh trùng. Họ luôn mang theo bên mình để đưa ra bằng chứng về nhiễm ký sinh trùng khi gặp bác sĩ.

Vì sao những bệnh tâm thần lại liên quan đến bệnh lý ở da? Theo bác sĩ Nguyễn Trúc Quỳnh, da và não có nguồn gốc phôi thai từ cấu trúc ngoại bì giống nhau và được điều hòa bởi nhiều chất thần kinh và hormon giống nhau.

Đã có những nghiên cứu trên thế giới cho thấy hầu hết tất cả các rối loạn tâm thần có thể dẫn đến rối loạn da. Cụ thể, khi căng thẳng xuất hiện, làm trầm trọng thêm các biểu hiện da như: xuất hiện vảy nến, mụn trứng cá, viêm da cơ địa...

Rối loạn tâm thần chiếm 30% - 40% ở người mắc bệnh về da. Vì sự tương tác hai chiều giữa da và tâm thần nên rất khó để phân biệt vấn đề chính nằm ở da hay tâm thần.

Mặt khác, hệ thần kinh, hệ nội tiết và hệ miễn dịch tương tác trong các rối loạn da có liên quan đến tình trạng căng thẳng tâm lý- xã hội và có thể giải thích mối quan hệ phức tạp giữa da và các rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, khi mắc bệnh ở da, người bệnh chỉ lo điều trị về da mà bỏ qua về sức khỏe tinh thần.

Đôi chân nhiều nốt sẩn và sẹo do dùng nhíp gắp con ký sinh trùng trong tưởng tượng
Đôi chân nhiều nốt sẩn và sẹo do dùng nhíp gắp con ký sinh trùng trong tưởng tượng
Hoang tưởng ký sinh trùng có thể xảy ra trong rối loạn hoang tưởng tiên phát (hoang tưởng phát sinh không liên quan đến rối loạn tri giác) hoặc rối loạn tâm thần thứ phát (hoang tưởng xuất hiện trên cơ sở rối loạn tri giác, rối loạn cảm xúc hay rối loạn ý thức như tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ hoặc trầm cảm nặng) và rối loạn hoang tưởng thứ phát có thể liên quan đến các rối loạn bệnh lý như: rối loạn tuyến giáp, HIV, bệnh ác tính, thiếu chất (vitamin B12, B3 và folate). 

Hiếu Nguyễn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • hoàng hà 30-12-2020 21:50:40

    đối với người bị TTHT, đừng cố gắng giải thích về xét nghiệm, về khoa học đối với họ. chỉ vô ích và họ sẽ cho rằng các bs nói dối , hoặc trình độ thấp. chỉ có thể chữa bằng liệu pháp tâm lý mà thôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI