"Bệnh khoe con": Có sao đâu?

30/05/2023 - 06:37

PNO - Kết thúc năm học, cũng là lúc những bảng điểm, giấy khen, chứng chỉ... của con được cha mẹ đăng đầy trên mạng xã hội. Nhiều người ta thán: "Bệnh khoe con khi nào mới hết?".

 

đối với trẻ trên 7 tuổi, cha mẹ muốn đăng ảnh con lên mạng xã hội cũng phải có sự đồng ý của trẻ
Với trẻ trên 7 tuổi, cha mẹ muốn đăng ảnh con lên mạng xã hội cũng phải có sự đồng ý của trẻ

Nhiều người không giấu được sự mỉa mai khi hỏi rằng "có phải đang vào mùa khoe con hay không?", khi thấy trên mạng đâu đâu cũng là những dòng trạng thái khen con, khéo léo hơn thì đăng hình bảng điểm cao với câu "dặn dò" sang năm tiếp tục cố gắng như thế này nữa nhé...

Thực tế thì, "khoe con" nếu đúng là căn bệnh, thì có lẽ bệnh nhân hầu hết là phụ nữ Việt Nam! Chỉ khác nhau chăng là về cách khoe, và mức độ kiềm chế khi khoe mà thôi. Có người "khoe thô thiển", kẻ nọ lại "khoe trá hình" bằng cách dẫn dắt những câu chuyện sâu xa, người khác nữa thì "khoe ngược" - là mắng con nhưng ngầm ý "show" những thành tích của con ra, và nhiệt thành trả lời các bình luận; người khác thì ý nhị hơn, chỉ khoe con trong chế độ bạn bè chứ không để chế độ công khai...

Để ý sẽ thấy, hầu như không bà mẹ nào là không khoe con. Mà đâu phải bà mẹ Việt, bà mẹ phương Đông, mẹ phương Tây cũng thế thôi. Mà, khoe con thì có gì sai? Một vĩ nhân nào đó đã nói, có 2 điều đặc biệt không thể giấu được, đó là say rượu và tình yêu. Tình yêu ở đây không chỉ là tình yêu nam nữ, mà đó còn là mẹ yêu con và ngược lại... 

Rất nhiều người cho rằng cảm thấy rất khó chịu với việc miệt mài khoe con, như thể trên đời không còn điều gì khác quan trọng. Thật ra đối với các bà mẹ, điều ấy cũng chẳng sai, với mẹ thì con cái mới là đối tượng còn quan trọng hơn cả bản thân.

Điều cốt lõi là, chúng ta khoe con như thế nào để đừng ảnh hưởng đến đứa trẻ. Không phải ngẫu nhiên mà luật của hầu hết các quốc gia đều nghiêm cấm hoặc đặt giới hạn cho việc đưa ảnh trẻ em lên mạng, dù người đưa có là cha mẹ hay bất kỳ ai. Chưa kể, dù không đưa hình ảnh, nhưng những bảng điểm, bằng khen chứa thông tin của trẻ, cũng tạo ra nguy cơ khá lớn về sự mất an toàn của trẻ, tiếp tay cho đối tượng lừa đảo... mà câu chuyện giả giáo viên báo tin học sinh tai nạn để lừa tiền của phụ huynh gần đây là ví dụ.

Một báo cáo được công bố mới đây cho biết, hiện có đến 46 triệu hình ảnh, video khác thường có liên quan đến chủ đề bóc lột, lạm dụng tình dục trẻ em trong kho lưu trữ của Europol (Cục Cảnh sát châu Âu). Đó là hệ quả để lại sau khi thế hệ cha mẹ hiện nay "vô tình" công khai mọi thông tin của con cái lên mạng xã hội.

Cách đây không lâu, một nữ diễn viên Hollywood nổi tiếng đã đăng ảnh con mình lên Instagram cùng dòng trạng thái trìu mến. Tuy nhiên, cô bé 12 tuổi ấy đã vào bình luận trong "nhà" của mẹ mình, rằng mẹ nên gỡ ảnh con xuống, và chất vấn: "Tại sao mẹ post ảnh con khi chưa có sự đồng ý của con?". Người mẹ có nhiều fan theo dõi trên MXH ấy bối rối, liền gỡ ảnh và xin lỗi con mình.

Bao nhiêu người mẹ Việt sẽ hiểu và tuân thủ được điều này? Đây mới là điều cần quan tâm nhất trong câu chuyện liên quan đến những người mẹ siêng khoe con trên mạng. Luật Việt Nam cũng quy định rõ: Đối với trẻ em dưới 7 tuổi, việc công bố thông tin, đời tư của trẻ phải được sự cho phép của cha, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ; đối với trẻ trên 7 tuổi, việc công bố thông tin này, ngoài phải xin phép 3 đối tượng trên, còn phải có sự đồng ý của chính đứa trẻ đó. Nói một cách khác, đối với trẻ trên 7 tuổi, cha mẹ muốn đăng ảnh con lên mạng xã hội cũng phải có sự đồng ý của trẻ.

Nếu bực dọc vì những dòng trạng thái không hợp ý, chúng ta chỉ cần nhấn nút lướt qua. Chuyện "khoe con" không đáng để chỉ trích với những phán xét nặng nề. Hãy lên tiếng, nếu thấy quyền của trẻ bị vi phạm. Còn lại, đó là chuyện của tiếng nói tình yêu.

Bích Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI