Bẫy lừa trực tuyến bủa vây, làm sao để tránh?

19/08/2023 - 06:57

PNO - Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), số vụ lừa đảo trực tuyến ở Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Một chuyên gia cho biết ông cũng không kịp cập nhật các cách thức lừa đảo mới vì quá nhiều.

Chiêu thức biến hóa khó lường 

Dù chiêu thức tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng không còn mới nhưng nhiều người vẫn tiếp tục mắc lừa. Đó là do trước đây, các đối tượng xấu lừa qua điện thoại thông minh có cài ứng dụng Zalo, còn nay là thủ đoạn lừa đảo qua Telegram. Ứng dụng này cho phép đổi tên chủ tài khoản (nick) nhiều lần mà không cần xác minh nên việc tiếp cận các nạn nhân, thực hiện các chiêu thức lừa đảo dễ dàng hơn. 

Trước đây, các nhóm lừa đảo thường yêu cầu nạn nhân chuyển tiền mua hàng để nhận hoa hồng, còn hiện nay, để tránh bị nạn nhân nghi ngờ, mỗi ngày, kẻ xấu trả công “xử lý đơn hàng” mà không yêu cầu mua hàng. Sau vài ngày, người dùng có tâm lý kiếm tiền dễ, muốn kiếm được nhiều hơn, mới bị dụ chuyển tiền thanh toán các đơn hàng để chiếm đoạt. 

Các chuyên gia khuyên người dùng không nên đưa quá nhiều thông tin cá nhân lên mạng,  tự học cách bảo mật thông tin cá nhân - ẢNH: MINH AN
Các chuyên gia khuyên người dùng không nên đưa quá nhiều thông tin cá nhân lên mạng, tự học cách bảo mật thông tin cá nhân - Ảnh: Minh An

Anh N.V.P. (quận 6, TPHCM) kể, trên Telegram, anh nhận được lời mời vào nhóm “Thúc đẩy quảng bá thương hiệu cho các người nổi tiếng trên TikTok”. Khi vào nhóm, trong 3 ngày liên tiếp, anh được trả công 1 triệu đồng mà không cần phải làm gì. Sau đó, anh được yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản Công ty TNHH TM Crditway để mua hàng ảo, hưởng 40% hoa hồng trên mỗi đơn hàng, được rút tiền gốc bất cứ lúc nào, anh nghi ngờ nên dừng giao dịch.

Theo chuyên gia Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị mạng và an ninh mạng Athena - nhiều người bị lừa là do Telegram có tính năng xóa dữ liệu 2 chiều (các ứng dụng khác chỉ xóa được 1 chiều), người dùng có thể tạo ra nhiều tài khoản bằng nhiều số điện thoại, có thể đổi tên, đổi ảnh đại diện nhanh chóng. Mỗi lần lừa thành công, kẻ xấu lại đổi tên, đổi ảnh đại diện để tiếp tục đi lừa người khác cũng bằng tài khoản đang có. Telegram là ứng dụng mới, người dùng không biết quản lý nên bật chế độ công khai, bị kẻ gian nắm được số điện thoại để tiếp cận. 

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng - kể, ông vẫn thường xuyên cập nhật các chiêu thức lừa đảo mới nhưng vẫn không theo kịp sự “nâng cấp” liên tục của tội phạm. Gần đây, nhiều người cầu cứu ông sau khi thành nạn nhân của deepfake (hình thức giả dạng hình ảnh, video và lời nói của người thân quen). Với phương thức này, các đối tượng tìm hiểu khá kỹ mối quan hệ, thói quen của cả người chúng giả dạng lẫn nạn nhân. Ngoài hỏi vay mượn tiền, chúng còn giả mạo bên bán hàng gọi điện thông báo đã giao hàng và yêu cầu nạn nhân thanh toán qua tài khoản. 

“Tôi cũng từng bị kẻ xấu sử dụng hình ảnh để mời gọi tham gia các sàn đầu tư với lợi nhuận “khủng”. Khi nạn nhân ham lợi nhuận, nộp nhiều tiền thì chúng không cho rút tiền lại. Các đối tượng này còn yêu cầu nạn nhân phải tự quay video khen ngợi sàn, dịch vụ sàn rồi gửi cho chúng, nếu muốn rút được tiền. Sau đó, chúng dùng các video này làm công cụ quảng cáo, gửi đến người thân, bạn bè của nạn nhân để kiếm thêm nạn nhân mới và vẫn giam tiền nạn nhân” - ông Phan Dũng Khánh kể. 

Mới đây, chị Kim Oanh (quận 6, TPHCM) bị một kẻ giả mạo nhân viên Citibank mời chào vay 40 triệu đồng với lãi suất chỉ 0,8%/tháng, không thu thêm phí gì. Người này yêu cầu chị chuyển 8 triệu đồng để giải ngân nhanh khoản vay. Số tiền này sẽ được hoàn trả. Người này còn gọi video chứng minh đang ngồi ở văn phòng ngân hàng để chị Oanh tin tưởng (thực tế là video deepfake). Sau khi chị Oanh chuyển 8 triệu đồng, viện lý do sai mã hợp đồng, người này yêu cầu chị Oanh chuyển tiếp 24 triệu đồng. 

Chị nói: “Tôi đã chuyển tổng cộng gần 70 triệu đồng. Tôi nghi ngờ bị lừa nên gọi tới tổng đài ngân hàng trình báo. Đối tượng trên yêu cầu tôi quay video xin lỗi, khen ngợi y cung cấp dịch vụ tốt để được chuyển trả lại tiền. Tôi làm theo yêu cầu nhưng không thấy tiền đâu”. 

Chứng từ giả mạo của kẻ lừa đảo - Ảnh do các nạn nhân cung cấp
Chứng từ giả mạo của kẻ lừa đảo - Ảnh do các nạn nhân cung cấp

Nạn lừa đảo còn xuất hiện trong lĩnh vực thuế. Chị Nguyễn Thị Nga (quận 10, TPHCM) kể, sau khi đăng ký hộ kinh doanh cá thể, chị nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là cán bộ Cục Thuế TPHCM. Người này đọc đúng mã số thuế vừa đăng ký rồi yêu cầu chị Nga đóng 1,2 triệu đồng để nhận sách về luật thuế. Do mới kinh doanh, chưa hiểu rõ quy trình làm việc của ngành thuế nên chị Nga đã bị lừa. 

Phối hợp nhiều ngành để ngăn chặn 

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) - cho rằng, dịch vụ ngân hàng số là để tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân. Tuy nhiên do nhiều người còn mù mờ về kiến thức công nghệ, sản phẩm dịch vụ nên dễ bị lừa. Quy định về ngân hàng số, tài chính số của Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện nên khi xảy ra rủi ro thì xử lý chưa hiệu quả. Do đó, bên cạnh việc các tổ chức tín dụng tăng cường bảo mật, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho khách hàng.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng - cũng cho rằng, các tổ chức tài chính cần đẩy mạnh tuyên truyền cho khách hàng về bảo mật thông tin, chống lừa đảo. Theo ông, để phòng, chống lừa đảo, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan. Ví dụ, khi phát hiện các thủ đoạn lừa đảo mới, cơ quan công an cần nhanh chóng thông tin cho ngành ngân hàng để cảnh báo với khách hàng. Cơ quan công an phải công bố danh sách tài khoản được dùng để lừa đảo, để ngân hàng chặn các giao dịch đáng ngờ. Ngành công an, ngân hàng cũng cần phối hợp với các đoàn thể ở địa phương để tuyên truyền cho các đối tượng mà tội phạm thường nhắm đến, như phụ nữ, sinh viên, người già.  

Theo ông Ngô Tấn Vũ Khanh - Giám đốc phát triển tại Việt Nam của hãng sản xuất và phân phối phần mềm bảo mật Kaspersky khu vực Đông Nam Á - giải pháp bảo mật tốt nhất là nâng cấp nhận thức của người dùng mạng trên không gian mạng. 

Người dùng internet còn thiếu kiến thức trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, tạo điều kiện cho các đối tượng lừa đảo khai thác thông tin. 80% số vụ để lộ, lọt thông tin là do người dùng mạng tự cung cấp. Để bảo vệ mình, người dùng không nên đưa quá nhiều thông tin cá nhân lên mạng, phải tự học cách bảo mật thông tin cá nhân, nâng cấp trình duyệt, kiểm tra và thiết lập cài đặt nhiều lớp bảo vệ tài khoản.

Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị mạng và an ninh mạng Athena

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI