Báo động hàng loạt sinh viên bị đuổi học do... ngồi nhầm chỗ

29/06/2016 - 12:59

PNO - Hàng loạt sinh viên đang theo học tại các trường đại học (ĐH) bị buộc phải “ra trường trước thời hạn”.

Ở góc độ gia đình, khi có con em bị buộc thôi học là điều thật khủng khiếp. Ở góc độ hiệu quả đào tạo, đó là sự lãng phí lớn.

Học “chơi chơi”, rời trường trước thời hạn

946 sinh viên (SV) của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM vừa nhận quyết định buộc thôi học. Trong đó có 180 SV ĐH chính quy và 109 SV cao đẳng do vi phạm quy chế học vụ - cảnh báo học vụ lần ba; 103 SV liên thông ĐH hệ chính quy đào tạo theo hệ thống tín chỉ do không đăng ký môn học trong học kỳ II năm học 2014 - 2015 và học kỳ I năm học 2015 - 2016; 554 SV cao đẳng bị buộc thôi học cũng vì lỗi tương tự. TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết: “Trường tập trung vào việc nâng cao chất lượng đào tạo. Nếu SV không chịu đầu tư cho việc học thì sẽ bị cảnh báo lần ba, đồng nghĩa với buộc thôi học”.

Thực tế, nhiều SV mang tâm lý vào được ĐH thì sẽ tốt nghiệp ra trường. Mang quan niệm này đến giảng đường ĐH nên SV chỉ “học chơi chơi”, qua loa suốt thời gian dài, bất chấp lời nhắc nhở, cảnh báo của trường. Hậu quả là rấ t nhiề u SV phải đối mặt với quyết định buộc… ra trường sớm. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vừa công bố một loạt danh sách SV bị cảnh báo học vụ và buộc thôi học.

Có 617 SV các khóa (từ K37 đến K40) thuộc diện bị buộc thôi học và 666 SV các khóa (từ K37 đến K41) bị cảnh báo học vụ. Trong đó, khóa K38 có SV dự kiến bị buộc thôi học nhiều nhất là 278 người. Lý do buộc thôi học và cảnh báo học vụ là điểm trung bình chung tích lũy và điểm trung bình học kỳ của những SV này quá thấp, không đủ điều kiện tiếp tục theo học. Những SV bị cảnh báo học vụ ba lần liên tục hoặc bốn lần không liên tục sẽ bị buộc thôi học.

Bao dong hang loat sinh vien bi duoi hoc do... ngoi nham cho
Sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM trong giờ thực hành

Ông Phạm Thái Sơn, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cung cấp con số khiến nhiều người giật mình. Trung bình mỗi năm học, nhà trường có hơn 2.000 SV bị cảnh cáo học vụ và buộc thôi học. Trong đó, có hơn 1.000 SV bị buộc thôi học (gồm hơn 100 SV thuộc hệ ĐH, còn lại là SV thuộc các hệ khác).

Kết thúc học kỳ I năm học 2015 - 2016 vừa qua, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM có gần 120 SV rơi vào tình cảnh bị buộc thôi học do học lực quá yếu. Mỗi năm, trường này sàng lọc và loại không ít SV ra khỏi cuộc đua học tập. Cụ thể, số lượng SV bị buộc thôi học của trường này qua các năm như sau: năm 2012 có 275 SV, năm 2014 có 249 SV, năm 2015 có 100 SV, trong đó, đỉnh điểm năm 2013, nhà trường buộc thôi học đến hơn 500 SV.

Trước đó, Trường ĐH Tây Nguyên cũng “mạnh tay” cảnh cáo cả ngàn SV, trong đó có hơn 400 trường hợp bị buộc thôi học.

"Đi chỗ khác" vì... ngồi nhầm chỗ!

Theo quy chế đào tạo học chế tín chỉ, SV năm thứ nhất phải đạt điểm tích lũy từ 1,2 trở lên; năm thứ hai là 1,4; năm thứ ba là 1,6; hai năm còn lại phải đạt 1,8 trở lên. SV đạt dưới 1,2 bị thôi học. SV bậc ĐH chỉ được theo học trong thời gian tối đa là tá m năm. Những SV không theo kịp “luật chơi’ này đành phải… đi chỗ khác. Vì sao những SV này - những người đủ điểm đậu ĐH - lại không theo kịp “luật chơi” ở giảng đường ĐH? Câu trả lời mà các nhà quản lý giáo dục đưa ra chính là SV đang ngồi… nhầm chỗ. Nhầm do chọn sai ngành học, do không phù hợp với năng lực bản thân và nhầm cả thái độ học tập…

Nguyên do chính nằm ở bản thân của SV, ở khả năng thích nghi với việc tự học và phân bố khối lượng, kế hoạch học tập. Cấp ĐH, yêu cầu cao việc tự học, tự nghiên cứu. Nhiều SV, cứ đến gần kỳ thi mới cặm cụi học, nên kết quả kém. Đặc biệt, từ khi áp dụng đào tạo theo tín chỉ, số SV rời trường ngày càng nhiều. “Khi học theo tín chỉ, SV được chủ động lựa chọn môn học theo nhu cầu, đề cao tính tự giác, chủ động trong việc lựa chọn và sắp xếp lộ trình học tập của mình. Ngược lại, em nào lơ là hoặc không đủ khả năng theo kịp nhịp lập tức bị “lòi” ngay, không thể giấu được. Nhất là khi các trường ĐH đang nâng dần chuẩn đầu ra bằng những con số, tiêu chí cụ thể. Không chỉ kiến thức chuyên ngành mà còn các điều kiện phụ như tin học, ngoại ngữ, kỹ năng… vì vậy, SV rất khó “giấu dốt”. Chính bản thân SV chứ không phải ai khác là người có quyền quyết đinh sự tồn tại của các em”, một vị trưởng phòng đào tạo cho biết.

TS Trần Đình Lý phân tích: “Cũng có một số băn khoăn, suy nghĩ, dằn vặt... nhưng việc các trường quyết liệt sàng lọc là cần thiết. Việc này cũng có ý nghĩa với tình trạng hàng trăm ngàn cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp mà thất nghiệp, chọn nghề sai phải làm lại từ đầu”.

Theo TS Lý, một con số khá lớn SV có sự chuyển đổi ngành nghề sau khi theo học một thời gian. Đậu vào 100% nhưng rơi rụng dần chỉ còn 80% SV có thể tốt nghiệp. Nguyên nhân là các em chọn ngành theo cảm tính, không trắc nghiệm năng lực và sở thích cá nhân, không có sự tìm hiểu đặc trưng ngành nghề… Việc chọn ngành học nhưng lại “mù” thông tin về nghề dẫn đến chọn ngành không phù hợp, nhầm trường dẫn đến chán nản, học không nổi. Lời khuyên với các em SV là cần cân nhắc hợp lý về định hướng nghề nghiệp, học ngành phù hợp năng lực sở trường.

Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM đúc kết: “Đối với cá nhân, chọn sai ngành học dẫn tới bản thân không phát huy được hết năng lực, tố chất của mình trong học tập. Từ đó gây tâm lý chán nản, thất vọng, thiếu tự tin và mất đi động lực. Tinh thần trở nên căng thẳng, mệt mỏi và lâu dần làm giảm sút chất lượng sống và hiệu quả học tập. Cuối cùng, một thiệt thòi dễ đo đếm chính là hao phí thời gian và tiền bạc. Tôi hy vọng ở mùa tuyển sinh này, các em cân nhắc thật kỹ để chọn cho mình ngành học phù hợp với bản thân và xu hướng xã hội”.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI