Bao bánh tráng của người Quảng

07/02/2023 - 07:08

PNO - Người Quảng Ngãi sinh sống rất nhiều ở TPHCM. Ghé các hàng quán bán đồ ăn sáng, luôn thấy bao bánh tráng tòng teng nơi góc quán...

 

bánh tráng có mặt ở hầu hết các món ăn
Bánh tráng có mặt ở hầu hết các món ăn

Mỗi lần về quê Quảng Ngãi, chồng tôi thường mua đồ ăn sáng về cho ba mẹ, rồi anh mới chở tôi ra ngoài ăn sáng. Hôm thì anh mua bún giò, hôm thì cháo lươn, hôm thì don...

Khi thức ăn sáng được bày ra, mẹ chồng luôn lấy bao bánh tráng treo ở góc nhà xuống, mở ra và bẻ bánh làm 3, làm 4, rồi đưa cho ba chồng. Bánh tráng liền đó được bóp nhỏ hơn, cho vào các tô bún/cháo/don để sẵn trên bàn.

Ban đầu tôi nghĩ, chắc bánh tráng ăn kèm với các món nước thì mới no, nhưng lại nghĩ, ngay cả trẻ con, dù không ăn hết tô bún, nhưng vẫn cứ ung dung, hồn nhiên bẻ bánh tráng lốp bốp vào tô.

Người dân các tỉnh duyên hải miền Trung cũng hay ăn bánh tráng, đặc biệt là bánh tráng cuốn với rau sống, với thịt heo hoặc cá, còn bánh tráng nướng thì thường dùng thay muỗng để ăn kèm với các món gỏi, trộn. Nhưng kiểu ăn bánh tráng “đại trà” như người Quảng Ngãi thì khá đặc biệt.

Bạn bè tôi, có người từng đùa “Hình như ở Quảng Ngãi, chỉ khi uống cà phê, người ta mới không cho bánh tráng vào, còn lại thì bánh tráng có mặt ở hầu hết các món ăn. Từ các món ăn mặn, đến chè, xôi cũng có bóng dáng bánh tráng”. Câu nói tưởng đùa nhưng thật ra là sự khái quát khá thú vị.

Mùa đông ở đây, dùng miếng bánh tráng thay muỗng, múc miếng chè đặc còn đang nóng hổi, thật là thích thú. Bạn đã ăn bánh tráng kẹp xôi chưa? Cũng khá ngon đấy! Nhưng tôi bảo đảm, không có món ăn nào mà “hao” bánh tráng như món don. Don là động vật thuộc họ hến, tập trung nhiều ở sông Trà Khúc, sông Vệ, Quảng Ngãi. Lần đầu ăn don, hẳn bạn sẽ cảm thấy lạ lùng, bởi món ăn gì toàn nước, chỉ có một ít don và hành tây, hành lá xắt nhuyễn.

Nhưng, bỏ bánh tráng vào đi, (bánh tráng lúc này làm nhiệm vụ thay sợi bún, sợi phở), sẽ thấy độ lợi hại của bánh tráng, ngon một cách đặc biệt. Ở xứ này còn có món “hao” bánh tráng nữa là món chả ram. Tiệc tùng, giỗ quẩy hoặc thích thì làm ram ăn chơi.

Người Quảng Ngãi đặc biệt thích ram bắp - sự kết hợp của bánh tráng và bắp bào nhỏ, đã trở thành món đặc sản xứ này, chay mặn đều dùng được, cho vị ngọt ngào, ít ngấy. Bánh tráng còn là món khai vị. Bánh tráng dẫn lối cho các cặp đôi mới quen nhau hay những ai mới gặp gỡ lần đầu, để bớt sự ngại ngần, có thể dùng tay bẻ miếng bánh tráng nhâm nhi, thoải mái chuyện trò.

Người Quảng Ngãi sinh sống rất nhiều ở TPHCM. Ghé các hàng quán bán đồ ăn sáng, luôn thấy bao bánh tráng tòng teng nơi góc quán, để nếu là khách Quảng Ngãi, thể nào khách cũng bảo cho thêm miếng bánh tráng ăn kèm với cháo lươn, cháo lòng, tiết canh, bún... Với họ, nếu không có sự góp mặt của bánh tráng thì món ăn mất đi độ hấp dẫn. 

Ngày tết, hay giỗ, chạp, mẹ chồng tôi luôn nướng một bao bánh tráng to, khi bánh nguội, cho vào bao, buộc chặt lại, để dành ăn cả tuần. Bánh tráng được xem là linh hồn của mâm cỗ, bánh được đặt ở trên tất cả các lễ vật. Mâm cao cỗ đầy tới đâu mà thiếu bánh tráng nướng thì coi như chưa thành tâm, một thiếu sót nặng nề.

Chồng tôi là con trưởng, anh khắc cốt ghi tâm điều này. Thỉnh thoảng anh ấy cũng mua về bao bánh tráng, chừng 10 cái. 20 năm chung sống, tôi giờ cháo, bún gì cũng phải ăn kèm miếng bánh tráng mới chịu. 

Phi Khanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI