Bánh dày Tam Quang

05/06/2022 - 06:30

PNO - Nếu về Tam Quang, bạn hãy thử nếm chiếc bánh dày dẻo thơm để một lần cảm nhận vị đậm đà từ những chiếc bánh trắng mịn thơm tho bước ra từ truyền thuyết xa xưa vẫn còn được lưu giữ mỗi ngày nơi một vùng quê có bề dày lịch sử.

 

Bánh dày Tam Quang - ẢNH: THANH HẢI
Bánh dày Tam Quang - Ảnh: Thanh Hải

Một ngày men theo quốc lộ 1A, men theo những nhớ thương ngày nhỏ, tôi xuôi xe qua cầu Bà Bầu, qua cầu ông Bộ, rồi qua cả cầu An Tân... Rẽ 618, con đường thênh thang ngút ngát tầm mắt, cứ thế, xe tôi băng qua những cung đường nắng bụi. Đường xẻ núi, núi tách làm hai nửa. Nửa bên này thưa thớt những nhà, nửa bên kia nham nhở những công trình lớn nhỏ.

Đi hết đường 618, tôi rẽ trái, tới chợ Tam Quang - khu chợ sầm uất với cảng cá Kỳ Hà nổi tiếng. Không chọn cho mình góc đẹp nhất của quán cà phê River trên tầng ba lộng gió ngó ra bến cảng lúc nào cũng tấp nập ghe tàu, tôi rẽ trái, tìm về ngôi nhà quen thuộc của một người bạn cũ. 

Lần đó, lúc tôi đến, bà của bạn tôi đang chuẩn bị xay gạo nếp. Bà có nghề làm bánh lâu đời nuôi cả bầy con trưởng thành từ những ngày xa xưa. Ấy là chiếc bánh dày - loại bánh đã đi vào lịch sử ẩm thực Việt Nam mỗi dịp giỗ vua Hùng. Chiếc xô nhựa đựng đầy ắp những hạt nếp căng mọng thơm nức như đánh thức trí tò mò trong tôi. Thấy tôi chăm chú, bà vừa thao tác vừa giảng giải cách để làm ra được một chiếc bánh thơm ngon đúng điệu.

Bà bảo, phải chọn nếp bầu, giống nếp được cấy ở Bàu Đưng - Tam Mỹ: “Núi Thành mình có nếp bầu nổi tiếng một vùng đấy con ạ! Thứ nếp vừa thơm vừa dẻo ấy làm bánh gì cũng ngon, mà lại bánh dày thì nhất…”.

Bà bảo, phải chọn nếp bầu, giống nếp được cấy ở Bàu Đưng - Tam Mỹ: “Núi Thành mình có nếp bầu nổi tiếng một vùng đấy con ạ! Thứ nếp vừa thơm vừa dẻo ấy làm bánh gì cũng ngon, mà lại bánh dày thì nhất…”.
Bà của bạn tôi "bật mí" nếp bầu làm bánh dày là ngon số 1

Sau khi vo sạch nếp, ngâm độ vài tiếng cho mềm, bà bưng ra chiếc cối đá, ngồi dạng chân vững chãi. Một tay bà múc gạo nếp đổ vào miệng cối, tay kia bà quay đều tay quay. Từng dòng nước gạo trắng đục theo nhau chảy ra từ kẽ hở của chiếc cối, bà đổ lên xay lại cho đến khi không còn lợn cợn. Bột nếp được cho vào một túi vải sạch, cột chặt miệng rồi để lên một chiếc kệ đá nhẵn thín, dùng vật nặng đè lên túi bột chờ cho nhỏ hết nước.

Tiếp đến, bà bắc nồi luộc đậu xanh, đãi vỏ làm nhân. Bà bảo chỉ dùng đậu quê, tuy hạt nhỏ nhưng thơm và béo, bổ dưỡng. Sau khi đậu chín, bà cho vào một ít dầu phụng đã phi nén, một muỗng nhỏ hạt nêm cho thêm phần đậm đà và một ít tiêu bột nhằm tăng độ thơm ngon.

Bột nếp ráo nước được đổ ra một chiếc mâm thiếc to, thêm một tẹo muối rồi nhào nặn. Dáng người bà nhỏ thó, đôi tay cứ thoăn thoắt như làm xiếc. Bột nhồi vừa tới, bà soạn sẵn mấy cái vỉ đan bằng nan tre, trải lên một tấm lá chuối, phết một ít dầu ăn cho bánh khỏi dính lá. Cứ một cục bột, bà nắn mỏng ra, cho vào một muỗng nhân đậu xanh, rồi khum tay để bột phủ kín lấy nhân đậu, xong đặt vào vỉ. Chỉ một loáng đã có mấy vỉ được đặt cách thủy vào nồi nước đang chờ sẵn trên bếp.

Vị béo vị bùi đủ đầy rồi, chừ quan trọng là khâu nước chấm. Một chén nước mắm tinh khiết, một chén đường và một chén nước lọc, cả ba được đun nhỏ lửa cho đến khi sôi, để nguội. Ớt tỏi xay nhuyễn. Bà nghiêng người đẩy những thanh củi, từng giọt mồ hôi rịn ra trán, ánh lửa như đang nhảy múa một thứ vũ điệu huyền bí. Tôi đưa điện thoại chụp lại khoảnh khắc ấy. Thế mới biết, có những khoảnh khắc đẹp được lưu lại từ những điều bình dị.

Bà mở nắp chiếc nồi đang sôi ùng ục. Khói tỏa ra thơm ngát, những chiếc bánh trắng tròn mũm mĩm nằm mời gọi. Bà vớt bánh ra, bảo chờ nguội mới được ăn.

Nếu về Tam Quang, bạn hãy thử nếm chiếc bánh dày dẻo thơm
Nếu về Tam Quang, bạn hãy thử nếm chiếc bánh dày dẻo thơm

Với bà, nghề làm bánh không chỉ nuôi sống gia đình, nó còn là niềm đam mê sáng tạo. Thi thoảng, để thêm phần bắt mắt lũ trẻ con, bà mài củ dền hoặc cà rốt, cũng có khi là nắm lá dứa giã nhuyễn, rồi vắt lấy nước. Thứ nước màu đẹp đẽ ấy được dùng để ngâm gạo nếp, làm nên những chiếc bánh đầy màu sắc. Nhìn bọn trẻ tròn xoe mắt trước những chiếc bánh rực rỡ, lòng bà vui sướng mãn nguyện.

Những lúc ấy, tôi cảm giác như mình đang đứng trước một nghệ nhân mang trong mình sứ mệnh lưu giữ văn hóa ẩm thực cổ xưa, hơn là một người thợ lành nghề đầy tâm huyết. Bánh dày của bà còn được kẹp với bánh tráng gạo hoặc bánh phồng tôm cho thêm phần lạ miệng. 

Thúng bánh dày của bà theo những chuyến xe về khu công nghiệp, nơi có đông công nhân. Với đồng lương ít ỏi, mười ngàn đồng cho hai cặp bánh đủ giúp họ lót dạ đầu ngày. Những chiếc bánh dày của bà còn được treo lủng lẳng trên cổ xe chờ đến tay những đứa trẻ ngóng mẹ đi chợ về. Những chiếc bánh ấy còn theo bà con ra đồng cho bữa nửa buổi của hôm nhổ cỏ, tỉa mạ…

Ai ở Tam Quang - Núi Thành đều biết đến thúng bánh dày Bà Ba. Giờ đây bà không còn nữa nhưng cô Hương, con gái bà, thừa hưởng sự tận tụy của mẹ, cũng miệt mài với những thúng bánh mỗi ngày trên khắp các nẻo quê.

Nếu về Tam Quang, bạn hãy thử nếm chiếc bánh dày dẻo thơm để một lần cảm nhận vị đậm đà từ những chiếc bánh trắng mịn thơm tho bước ra từ truyền thuyết xa xưa vẫn còn được lưu giữ mỗi ngày nơi một vùng quê có bề dày lịch sử. 

Hồ Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI