“Bọn 9x” ấy

Bài 1 - Chuyện và những từ ngữ của cảm xúc

05/07/2020 - 15:12

PNO - hãy làm, chấp nhận thử thách và sẵn sàng thất bại. Nếu chỉ đứng một chỗ thì làm sao biết mình đúng hay sai.

Bọn 9x” ấy

Mỗi khi nhìn về “bọn 9X” ấy nói riêng và người trẻ tuổi nói chung, người lớn thường có nhiều hoài nghi. Rằng chúng đã làm được gì? Rằng chúng đòi hỏi, hưởng thụ quá nhiều. Rằng chúng suốt ngày “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Rằng chúng đề cao cái tôi, chỉ biết đến bản thân, tinh thần tập thể kém. Thậm chí đôi khi người lớn còn so sánh chúng với những đứa kiệt xuất trong xã hội mà không biết cái đứa kiệt xuất ấy cũng phải nỗ lực, đánh đổi biết bao thứ.

Sự thật thì phần đông người trẻ luôn tràn đầy năng lượng, tự tin và mới mẻ. Họ không sợ sai, không sợ thất bại, càng không thiếu nhiệt thành, lòng quyết tâm và cả sự hồn nhiên. Và họ dùng tất cả những ưu điểm đó để tiến về phía trước.
Trong chuyên đề này, tôi cố tình chọn những bạn trẻ “bình thường” thay vì nổi trội. Một đôi người có đam mê, gặp một đôi người khác, tạo thành một nhóm trẻ, cùng làm, cùng sẻ chia, cùng sai và cùng trưởng thành. Niềm vui từ việc “được đóng góp chút gì đó cho cộng đồng, xã hội” là điểm đến cuối cùng của họ.

Chuyện là fanpage chuyên dịch những từ ngữ thú vị, độc đáo nhưng ít người dùng (wordporn) trên thế giới ra tiếng Việt. Được thành lập cách đây 5 năm, với mục đích ban đầu là “làm một blog nho nhỏ” để “viết nhăng viết cuội” như cách nói khiêm tốn của nhóm, fanpage của Chuyện hiện có hơn 94.000 lượt theo dõi, kèm hai quyển sách mang tên Từ điển cảm xúc thế giới liên tục được tái bản.

Mới đây, nhóm còn được Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng đặt hàng quyển Từ điển cảm xúc dành cho bé gồm hơn 70 từ được diễn giải dễ hiểu kèm hình minh họa màu trên sách khổ to. Chuyện sung sướng kể: “Lần tái bản hoặc in mới nào tụi em cũng hạnh phúc vì điều đó chứng tỏ dự án này rất được độc giả yêu mến”.

Hai tác giả của Chuyện: Thiên Bình và Thanh Nguyễn
Hai tác giả của Chuyện: Thiên Bình và Thanh Nguyễn

Từ fanpage thành sách

Chuyện do Thiên Bình, một bạn trẻ 9X, khởi xướng và đảm nhận tất cả các khâu từ sưu tầm, nghiên cứu từ ngữ, dịch thuật và làm hình ảnh lúc Bình đang... thất nghiệp, không biết làm gì cho đỡ chán. Về sau có Thanh Nguyễn, một họa sĩ chuyên thiết kế đồ họa, đảm trách khâu hình ảnh gia nhập. Họ trở thành đôi bạn cùng tiến và gắn bó với nhau đến tận bây giờ.

Bên cạnh đó, nhóm còn được sự giúp sức của nhiều thành viên - những người trẻ biết nhiều ngôn ngữ khác nhau và cùng niềm đam mê ngôn ngữ, muốn chia sẻ, đóng góp chút công sức cho việc chuyển ngữ, chỉnh sửa bản dịch để làm giàu thêm vốn từ tiếng Việt. Khi lượng từ trên fanpage lên tới con số 80, nhóm bắt đầu nhận được nhiều tin nhắn động viên phát hành một cuốn sách nhằm tổng hợp và lưu giữ các từ nhóm đã dịch. Việc này còn giúp độc giả dễ ghi nhớ và dễ mang theo.

“Ý tưởng này khiến tôi hơi băn khoăn vì mục tiêu ban đầu của dự án là phi lợi nhuận. Rất nhiều lần tôi tự hỏi, liệu những người đã yêu mến bấy lâu có nghĩ chúng tôi đang “tận dụng” sự yêu mến của họ để làm lợi riêng không? Sau khoảng thời gian dài đắn đo, tôi nhận ra dự án này khác hẳn các dự án sách in đến từ các fanpage nổi tiếng trên mạng. Họ tập hợp câu chuyện của độc giả gửi về hoặc yêu cầu quyên góp. Chúng tôi không như thế. Bởi phần lớn tư liệu, hình ảnh minh họa đều do chúng tôi thực hiện. Phía NXB cũng hỗ trợ rất nhiều để giá thành sản phẩm ở mức… ai cũng có thể mua được. Sau các dự án này, chúng tôi có thể làm tiếp cuốn sách thứ ba và lên kế hoạch cho một dự án khác, có thể là sách riêng dành cho những nghiên cứu sâu rộng hơn với từ ngữ” - chia sẻ của Thiên Bình.

Từ điển cảm xúc thế giới của Chuyện thu hút độc giả không chỉ bởi sự lý thú từ ngữ mang lại mà còn nhờ những bức hình minh họa đen trắng đơn giản nhưng giàu sức biểu cảm của Thanh Nguyễn. 

Tất nhiên, không thể phủ nhận MXH đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thời đại ngày nay. Chính nhờ những lượt thích, lượt chia sẻ và nền tảng nội dung miễn phí của nó mà các cây bút trẻ có cơ hội được biết đến nhiều hơn. Việc họ tiếp cận các NXB cũng sẽ dễ hơn trước kia rất nhiều. Cuối cùng, quan trọng nhất vẫn là chúng ta tận dụng MXH như thế nào mà thôi”.Khi được hỏi về vai trò của mạng xã hội (MXH) trong việc hình thành quyển sách, Thiên Bình đáp: “Tôi nghĩ, MXH chỉ là công cụ. Điều quyết định thành bại của một dự án vẫn là ý tưởng. Nếu không có MXH, tôi vẫn sẽ thực hiện dự án này bằng con đường offline vì trước đây tôi cũng từng xuất bản vài quyển sách. Công việc này đã dạy cho tôi bài học rằng, chỉ cần bạn có ý tưởng hay thì không cần PR rầm rộ, độc giả vẫn sẽ tìm đến bạn. Tôi không dám nói Từ điển cảm xúc thế giới là ý tưởng hay nhưng chắc chắn nó độc đáo và thú vị. 

“Người lớn thường xem khủng hoảng tuổi 18, 20 là trạng thái... dậy thì”

* Người lớn thường phán xét hoặc chê bai, không hiểu sao người trẻ lại làm thế, còn người trẻ thì cứ mặc kệ để lao về phía trước. Khi làm Chuyện, các bạn có vấp phải những ánh mắt tương tự?

Chuyện: Tôi nghĩ vai trò của những đánh giá từ người lớn tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào cách mà người trẻ phản ứng. Đôi khi họ chỉ thốt lên những cảm thán chứ không có ý gì. Người lớn có nhiều trải nghiệm. Cách nghĩ của họ khác. Có thể họ đã thành công và biết rõ rằng, đó là con đường tốt nhất mà người trẻ cần đi. Nhưng cuộc sống luôn đầy bất ngờ. Tốt nhất không phải là làm thế này, thế kia, theo sự sắp đặt của một ai đó mà là làm những gì mình thấy phù hợp nhất.

Nếu bạn để những đánh giá của người lớn làm mình tự ti, nghi hoặc khả năng, bạn sẽ chỉ mãi sống trong vòng an toàn của mình vì sợ làm người lớn thất vọng, buồn bã... Nhưng nếu bạn vượt qua được, thực sự theo đuổi thứ mình muốn và chứng minh bằng kết quả có thật, tự khắc, những đánh giá ấy sẽ dần dần biến mất. Cũng trong quá trình đó, bạn sẽ tự động khám phá ra năng lực bản thân. 

Hai quyển Từ điển cảm xúc thế giới
Hai quyển Từ điển cảm xúc thế giới

* Nhưng cảm giác khi bị so sánh với người khác về khả năng trong công việc, tài chính hẳn chẳng dễ chịu chút nào?

- Tất nhiên, rất nhiều là đằng khác. Với Thanh Nguyễn, làm họa sĩ tự do thật không dễ dàng. Thanh thường xuyên bị khách hàng “giam’’ tiền, trường hợp xấu nhất là bị quỵt, khiến áp lực tài chính rất lớn. Mà thường thì các nghề liên quan đến công việc sáng tạo như viết lách, vẽ vời… hay bị cho là không đáng giá bằng những nghề khác vì lằn ranh của công việc sáng tạo khá mù mờ và không có thước đo cụ thể. May mắn là thời đại ngày càng phát triển, nhiều người đã có cái nhìn đúng đắn hơn về các ngành nghề liên quan đến sáng tạo, chúng tôi “làm nghề” cũng dễ dàng hơn trước nhiều.

* Tâm lý học thường bàn đến khủng hoảng tuổi 30, 40 nhưng hiếm khi đề cập đến khủng hoảng của tuổi trẻ, đặc biệt là lứa tuổi 18, 20. Các bạn nghĩ sao?

- Theo tôi quan sát, vào thời mình 18, 20 tuổi, khủng hoảng lớn nhất của đa số bạn trẻ là ‘’không biết mình thích gì và nên làm gì”. Người lớn thường không xem đó là khủng hoảng, mà chỉ nghĩ là một trạng thái của “dậy thì”. Nhưng nếu không thật sự quan tâm, hậu quả của đợt khủng hoảng đó sẽ ảnh hưởng và hình thành nên tính cách của người trẻ sau này. 

Tôi thích viết lách, ngôn ngữ, nên sau khi tốt nghiệp cấp III, tôi xác định sẽ theo nghề viết (dù ngành học không liên quan). Đôi lúc, khó khăn trong công việc vẫn khiến tôi tự hỏi: liệu mình có phù hợp với công việc này? Có nên học thêm một lĩnh vực khác? Liệu mình có thật sự thích nó?... Không ai khác, chính bản thân mỗi người mới có thể trả lời. Con đường đi đến câu trả lời là hãy làm, chấp nhận thử thách và sẵn sàng thất bại. Nếu chỉ đứng một chỗ thì làm sao biết mình đúng hay sai.

* Cảm ơn bạn đã chia sẻ. 

Hoàng Linh Lan (thực hiện)

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI