Bạc đầu vẫn phải xin phép mẹ đi chơi

05/02/2023 - 06:33

PNO - Gần 70 tuổi đầu mà bạn đi chơi phải xin phép mẹ, hệt như ngày xưa còn nhỏ. Mẹ bạn hỏi cặn kẽ con đi đâu, với ai, khi nào về...

 

Chúng tôi hẹn hò gặp nhau rất khó (ảnh minh họa)
Chúng tôi vừa kẹt cháu nhỏ vừa kẹt cha mẹ già, hẹn hò gặp nhau rất khó (ảnh minh họa)

Nhóm bạn chúng tôi thời trung học, năm nay ai nấy cũng đều quá hay xấp xỉ tuổi 65, có vài người vẫn còn mẹ. Có bạn, mẹ 90 tuổi còn khỏe, đi ra vào trong nhà được nhưng đa phần mẹ các bạn đều yếu, bệnh. Thành ra, những khi chúng tôi muốn họp mặt đi chơi đâu đó hay ngồi cà phê phải hẹn trước mấy ngày để sắp xếp. Hoàn toàn không có chuyện đi chơi xa nghỉ lại đêm mà là đi về trong ngày. 

​Một vài người như tôi, cha mẹ đã mãn phần nên không còn nặng gánh như các bạn ấy. Có bạn vừa chăm mẹ ốm, vừa có cháu nhỏ mà con cái cần sự trợ giúp, nên thời gian dành cho bạn bè rất khó khăn. Những lần đi chơi, các bạn tôi phải chuẩn bị các thứ đâu đó và nhờ người chăm sóc mẹ giúp. 

Năm ngoái, mẹ các bạn còn khỏe, tự lo được, nên chúng tôi đi chơi khá nhẹ nhàng. Năm nay, mẹ các bạn đều yếu, có mẹ không tự đi đứng được nữa, thành ra chuyến du xuân đầu năm không ai dám nghĩ tới. 

​Vậy mà cuối cùng chúng tôi cũng có chuyến du lịch Đà Lạt trên cả tuyệt vời, tuy là đi hơi gấp gáp trong tâm trạng lo lắng mẹ ở nhà, không biết người nhà chăm sóc mẹ ra sao. 

​Lên xe một bạn kể chuyện, cả tuần trước, bạn đã nhờ một người cháu đến chăm mẹ một ngày. Sáng sớm, sau khi lo cho mẹ ăn xong, bạn mới rụt rè nói với mẹ rằng: “Mẹ cho phép con đi chơi ngày hôm nay nhé!”.

Chúng tôi nghe mà chạnh lòng, gần 70 tuổi đầu mà đi chơi phải xin phép mẹ hệt như ngày xưa còn nhỏ vậy. Mẹ bạn hỏi là đi đâu, với ai, khi nào về, ở nhà mẹ bạn phải xoay sở thế nào nếu có chuyện cần…

Bạn thưa với mẹ là đã nhờ cháu đến giúp mẹ một ngày. Bạn giải thích đi chơi với những bạn nào, các bạn muốn khi còn có thể đi được, có những album kỷ niệm…

Mẹ của bạn biết chúng tôi là bạn lâu năm nên bà không nói gì. Lát sau thật lâu, mẹ bạn nói: “Phải chi mẹ đừng bệnh, con đi chơi với bạn thoải mái rồi, thương con quá!”.

Bạn trấn an mẹ: “Chỉ dịp tết bạn bè tụ họp đông đủ thôi mà mẹ, vả lại con cũng không có nhu cầu đi chơi nhiều nên mẹ đừng lo”.

Mẹ bạn bảo: “Con nói vậy cho mẹ an lòng chứ mẹ biết con ở nhà cả năm, phải đi đây đi đó cho khuây khỏa. Chỉ tại mẹ ốm nên con không đi được thôi”. 

​Nghe chuyện của bạn, chúng tôi chạnh lòng, nhưng rồi tiếp tục chuyến đi vui vẻ, chụp nhiều hình với hoa đào, thăm thú các nơi, cà phê thư giãn ai nấy tạm quên chuyện nhà. 

Vui chơi không quên nhiệm vụ, chúng tôi “xuống núi” sớm vì đến lúc ai cũng nghĩ đến mẹ ở nhà đang mong ngóng, lại thêm lo lắng không biết người nhà chăm mẹ ổn không, mẹ có thoải mái không….

​Sau đó chị bạn tôi kể rằng, chiều hôm về đến nhà, chị vội vàng bỏ túi xách ở phòng khách, rửa tay thật sạch rồi vào phòng hỏi han mẹ. Tuy buổi sáng mẹ đã đồng ý cho chị đi chơi cả ngày, nhưng vừa thấy chị, mẹ tỏ vẻ không hài lòng vì chị về trễ để bà trông ngóng mãi.

Bạn tôi thì thấy như mình có lỗi vì đã bỏ mẹ ở nhà cả ngày khi mẹ không thoải mái. Chị nói lời xin lỗi mẹ và giúp bà ăn uống, vệ sinh. Chị biết tính bà khó, chỉ muốn mình chị vệ sinh cho bà. Loay hoay lo cho mẹ mãi đến tối mịt chị mới ngồi vào bàn ăn cơm. 

​Dẫu biết, sinh lão bệnh tử là quy luật của đời người và bổn phận con cái là chăm mẹ già yếu bệnh tật, nhưng trong chúng ta không phải ai cũng vui vẻ chăm sóc mẹ, không phải lúc nào cũng nói lời nhẹ nhàng với mẹ được. Nhiều lúc mệt mỏi, phần lo cho gia đình riêng, cho con, cháu… Đâu phải lúc nào cuộc sống, công việc làm ăn của con cái đều suôn sẻ. Áp lực đè lên vai trò làm mẹ, làm con. Những lúc ấy, việc chăm sóc mẹ đôi khi trở thành rất nặng nhọc và không vui. 

Ảnh minh họa
Cha mẹ già rất sợ phiền luỵ con cháu (ảnh minh họa)

​Phần cha mẹ già, có người dễ tính biết con cái có gánh nặng riêng, cha mẹ cố làm sao giảm bớt lo lắng cho con… Nhưng cũng có ông bà rất khó tính, lúc nào cũng đòi hỏi con cái túc trực bên mình. Trong khi con cái đã lớn tuổi rồi, đâu còn trẻ, khỏe như ngày xưa, có lúc ốm đau, chân tay nhức mỏi…

​Do vậy, chúng tôi thường động viên nhau, cố gắng vui vẻ chăm sóc mẹ vì ngày mẹ ở với chúng ta không còn nhiều. Ai cũng biết vậy, nhưng trong hoàn cảnh chăm sóc mẹ già yếu mới hiểu. Tôi từng chăm sóc mẹ những ngày cuối đời mẹ nằm một chỗ. Những lúc ấy, tôi hay thấy ánh mắt của mẹ nhìn chúng tôi vẻ như có lỗi vì làm phiền con cái, càng thấm thía câu hát: Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào…

Kim Duy

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Cao Hữu Bình 07-02-2023 07:31:14

    Giờ mình đã là Cha là Mẹ rồi, tình yêu của mình cho con cái thế nào thì Cha Mẹ mình đã cho mình như thế rồi,hảy đặt mình vào tâm trạng Mẹ Cha ,bạn sẽ có những cảm xúc thật sâu ,thật thấm để cho mình có nhiều việc làm hiếu nghĩa với cha mẹ hơn trong tâm trạng tự nguyện :mình là 1 phần thân thể của Ba mẹ

  • Hà Phạm 06-02-2023 10:55:46

    Cha mẹ không bao giờ muốn làm phiền con cái nhưng khi về già các cụ thường bị các triệu chứng tuổi già dẫn đến suy giảm sức khoẻ, trí tuệ và từ đó mới có câu 1 già 1 trẻ bằng nhau. Ai không muốn sống khoẻ và chết nhanh nhưng mỗi người mỗi số phận và bạn hãy cứ yêu và vui vẻ đón nhận những điều như đầu bạc vẫn phải xin phép mẹ đi chơi vì trong mắt cha mẹ chúng ta vẫn là đứa con bé bỏng ngày nào sống trong tình yêu thương vô bờ bến. Thêm nữa việc đi hỏi về thưa là truyền thống của các gia đình có nề nếp và cần phát huy để xã hội trong cái mới vẫn đan xen nét đẹp của truyền thống nhằm tạo dựng xã hội ngày càng tốt hơn văn minh hơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI