Ba Huân và VinaCapital đàm phán về hợp đồng 'Anh – Việt bất nhất'

07/08/2018 - 14:26

PNO - Ông Phạm Thanh Hùng – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Ba Huân cho biết trong chiều nay (7/8), CT Ba Huân và Tập đoàn VinaCapital cùng ngồi lại với nhau đàm phán, thảo luận thêm về hợp đồng hợp tác giữa hai bên.

“Chúng tôi chưa thể thông tin cụ thể gì thêm vì hai bên vẫn đang thương thảo, đàm phán để cùng đi đến thống nhất hợp lý. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ thông tin với báo chí”, ông Hùng nói.

Liên quan đến hợp đồng giữa Công ty Cổ phần Ba Huân (CT Ba Huân) và VinaCapital, mới đây CT Ba Huân đã có văn bản số 68/2018 gửi Thủ tướng nhờ “hỗ trợ chấm dứt hợp tác với VinaCapital”.

Ba Huan va VinaCapital dam phan ve hop dong 'Anh – Viet bat nhat'
VinaCapital đầu tư 32,5 triệu USD (khoảng 730 tỉ đồng) để mua lại một số lượng cổ phần của CT Ba Huân.

Trước đó, đầu năm 2018, CT Ba Huân nhận được đề nghị hợp tác đầu tư từ Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) do VinaCapital quản lý.

Theo đó, VinaCapital đầu tư 32,5 triệu USD (khoảng 730 tỉ đồng) để mua lại một số lượng cổ phần của CT Ba Huân. VinaCapital đã đưa ra một số thỏa thuận hợp tác ban đầu bằng ngôn ngữ tiếng Anh để các bên ký kết làm cơ sở cho quá trình hợp tác sau này.

Mặc dù thỏa thuận hợp tác quy định sử dụng hai ngôn ngữ Anh – Việt nhưng hai bên mới chỉ ký bản tiếng Anh.

Sau khi VinaCapital gửi văn bản thỏa thuận bằng tiếng Việt, đối chiếu với các văn bản thỏa thuận bằng tiếng Anh đã ký trước đó, CT Ba Huân nhận thấy thỏa thuận hợp tác có nội dung không đúng, không như trao đổi ban đầu của hai bên.

Cụ thể, trong bản tiếng Anh, VinaCapital tự động đưa tỷ suất hoàn vốn đầu tư (IRR) của mình quá cao là 22%/năm, gần gấp 3 lần lãi suất vay vốn ngân hàng.

Trong khi đó, VinaCapital hạn chế ngành nghề kinh doanh của CT Ba Huân chỉ gồm sản xuất, kinh doanh gà thịt và trứng gà, loại bỏ toàn bộ các ngành nghề kinh doanh khác của CT Ba Huân.

VinaCapital còn yêu cầu, nếu CT Ba Huân không đạt kết quả kinh doanh như quy định sẽ bị phạt hoặc buộc trả lại vốn đầu tư cộng dồn với lãi suất 22%/năm; hoặc phải chuyển giao cho VinaCapital (hoặc một đối tác do quỹ này chỉ định) số cổ phần tối thiểu 51% tổng số cổ phần của CT Ba Huân…

Cho rằng những yêu cầu trên không hợp lý, CT Ba Huân không ký văn bản thỏa thuận bằng tiếng Việt và đã đề nghị hủy bỏ thỏa thuận.

Ba Huan va VinaCapital dam phan ve hop dong 'Anh – Viet bat nhat'
CT Ba Huân muốn hủy hợp đồng hợp tác với VinaCapital.

Tuy nhiên, phía VinaCapital vẫn chưa đồng ý đề nghị này. Vì vậy, CT Ba Huân đã gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền can thiệp, các hiệp hội liên quan giúp đỡ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công ty trong quá trình chấm dứt hợp tác, giúp công ty và nông dân Việt giữ lại và phát triển thương hiệu nông nghiệp của quốc gia.

Đại diện VinaCapital cho biết, đơn vị này sẽ làm việc lại với CT Ba Huân về các vấn đề mà Ba Huân đưa ra trong lá thư gửi cho Thủ tướng, sau khi có kết quả sẽ thông tin chính thức với các phương tiện truyền thông.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng –  Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM nhận định: “Trong trường hợp của CT Ba Huân và VinaCapital, phải xác định rõ yếu tố nào dẫn đến việc sai lệch, bất nhất trong hai bản ngôn ngữ này thì mới có hướng giải quyết, xử lý phù hợp. Ví dụ, cần làm rõ sai lệnh là do dịch thuật chưa chính xác hay có một bên cố ý lừa dối bên còn lại”.

Nhiều ý kiến cho rằng, về mặt nguyên tắc, CT Ba Huân và VinaCpital có thể thỏa thuận lại các điều khoản với các giải pháp khác để cùng đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên, không bên nào bị thiệt.

Trong trường hợp không thỏa thuận được, hai bên có thể đưa ra tòa thương mại để nhờ xét xử và phải thực thi theo kết luận, phán quyết của tòa.

Theo Luật sư Phạm Ngọc Hưng, trong hợp đồng kinh tế giữa các bên, dù là có pháp nhân Việt Nam hay không, đều không hạn chế việc ký bằng ngôn ngữ nào, bao nhiêu thứ tiếng…

Tuy nhiên, trong nội dung hợp đồng thường có ghi chú thêm: hợp đồng này được ký bằng bao nhiêu ngôn ngữ, có giá trị ngang nhau hay không…

Khi xảy ra tranh chấp, phải xem lại những thông tin ghi chú này để xác định giá trị của hợp đồng. Nếu hợp đồng được ký bằng hai ngôn ngữ và có giá trị ngang nhau thì khi xảy ra tranh chấp, ngôn ngữ nào được ưu tiên hơn…

Trường hợp hợp đồng được ghi bằng hai ngôn ngữ, nhưng các thỏa thuận hợp tác không giống nhau thì sẽ phải đề nghị thỏa thuận lại. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì doanh nghiệp có thể đề nghị hủy hợp đồng.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI