Ăn nỗi nhớ

14/12/2015 - 15:51

PNO - Tập tạp bút Ăn nỗi nhớ của nhạc sĩ Hà Quang Minh là những tình cảm lưu luyến về vùng đất Sài Gòn của một người từ Hà Nội nhập cư.

Từ nỗi nhớ đó, cảm xúc của anh quay về gợi nhớ đến nơi mình đã sinh ra. Những cảm xúc chân thật được ghi nhận từ góc phố, vòm cây sang thu, những tiếng nói cười đã nhẹ nhàng đi vào lòng người đọc. Không có gì to tát cả, chỉ là những cảm nhận nhưng rồi chính sự tinh tế đã “níu” người đọc ở lại với trang sách.

Khi lang thang phố xá nhộn nhịp ồn ào, anh cảm nhận: “Người Sài Gòn nướng bắp rắc thêm ít mỡ hành lên trên cho thơm, cho ngậy. Tôi thì không thích bắp nướng có mỡ hành. Cứ nướng lụi thế thôi, đơn giản thế thôi, mộc mạc thế thôi với tôi là đủ. Quà quê mà cầu kỳ làm gì. Nhưng không thể nói Sài Gòn không sành vị bắp nướng. Chẳng qua thói quen thôi”. Chính nhờ “khác lạ” này tác giả nhận ra: “Mà ẩm thực, cần lắm sự đa dạng, đa dạng như một bức tranh có nhiều hình khối, mảng màu”.

Rồi ngay cả thời tiết cũng thế, âm thanh đường phố, tiếng nói vùng miền… đã cho anh có sự so sánh khác nhau không kém phần lý thú. Sao lại không thích thú với thông tin này: “Ở Hà Nội, thời thập niên 80, tôi còn nhớ mãi một từ mà tôi cho rằng đáng được liệt vào hàng “xuất sắc” là từ “leng keng” dành để ám chỉ những ai hâm hấp”.

An noi nho

Từ ngữ, cách nói ấy không dừng lại, sau đó nó được thay thế bằng “lái tàu điện”, “đếm lá”… “Hãy hình dung một người cứ ngơ ngẩn vừa đi vừa ngửa cổ đếm lá trên vòm cây thì bạn đủ hiểu cái sự “hâm hấp” ấy nó rõ ràng ra sao”. Lại nữa, nếu ở Hà Nội có từ “ném đá hội nghị” nhằm chỉ hành vi phá đám hoặc tham gia câu chuyện của người khác một cách vô duyên thì ở Sài Gòn lại là từ “sọc dưa”… Ôi, tiếng Việt mình, phong phú quá đi mất.

Với người này, có thể những chuyện ấy, từ ấy bình thường nhưng với người khác lại có một ấn tượng khác hẳn. Hà Quang Minh nhắc ta nhớ về cơn mưa, nhưng anh “phát hiện” ra: “Những tươi mát ập đến, nhanh như tính cách người Sài Gòn, khiến người ta như lập tức chìm vào một căn phòng máy lạnh ngay sau khi bước qua cánh cửa ngăn cách họ với cái nóng gần bốn chục độ”. Với tác giả, mưa Sài Gòn là sự “tươi mát”, một ví von không kém phần tinh tế.

Thêm một tập tạp bút Ăn nỗi nhớ của Hà Quang Minh, ta lại thấy hiện rõ nét ở một góc độ khác, giàu tình cảm như chính anh thổ lộ: “Cám ơn Hà Nội - Tạ ơn Sài Gòn đã cho tôi cảm xúc viết những trang chia sẻ này”.

Lê Văn Nghệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI