Âm nhạc của sự lắng nghe và chia sẻ

09/12/2022 - 18:34

PNO - Bức tranh nhạc Việt 2022 gần như đã hoàn thiện với những mảng màu đa sắc. Năm nay, dù không có quá nhiều điểm sáng, nhưng sự xuất hiện của chuỗi những ca khúc chữa lành cũng đủ mang sự ấm áp, thanh lọc cần thiết cho thị trường âm nhạc nói chung.

Sức sống của âm nhạc chữa lành

Thời điểm Hứa Kim Tuyền giới thiệu album Colours đến công chúng, anh nói rằng trước khi thực hiện dự án, anh biết lượng người xem, hiệu ứng truyền thông của album khó có thể lập thành tích cao tương tự những ca khúc hit anh từng viết trong năm. Tuy nhiên, anh vẫn mong muốn làm một album có thể chữa lành, mang lại điều tích cực, ý nghĩa cho cuộc sống.

Jun Phạm cùng bố trong MV 1900 hồi đó
Jun Phạm cùng bố trong MV 1900 hồi đó

Cho đến nay, nếu tính trên nền tảng YouTube, những ca khúc được giới thiệu trong album Colours nhận về số lượt xem tương đối. Có ca khúc vỏn vẹn vài trăm ngàn lượt xem, nhưng có MV cũng chạm mốc vài triệu lượt. Những con số này khó có thể so bì với nhiều bản hit mà Hứa Kim Tuyền sáng tác trong năm qua, nhưng nhắc về Colours, người xem vẫn dành những tình cảm đặc biệt cho sáng tạo của nam nhạc sĩ. Một ngày tôi quên hết đề cập đến cuộc sống của người mắc bệnh alzheimer, rằng có thể ký ức sẽ mất đi, nhưng những yêu thương bên cạnh họ sẽ còn mãi. Nếu một mai tôi bay lên trời viết về câu chuyện của một cậu bé đã nhường suất mổ tim cho bạn của mình, nhưng cậu đã không thể chờ đến suất mổ tiếp theo. Đây là hai trong nhiều sáng tác chạm một cách rất nhẹ nhưng rất sâu vào tâm hồn, có thể lấy nước mắt của khán giả, giúp họ thức tỉnh và biết trân quý hơn cuộc sống hiện tại.

Colours không phải là sản phẩm âm nhạc chữa lành duy nhất trong năm 2022. Bên cạnh album Colours, còn có ca khúc 1900 hồi đó của Huỳnh Hiền Năng, được Jun Phạm thể hiện; Đông tây nam bắc trọn vẹn cảm xúc qua giọng hát của Ái Phương; một số ca khúc được “phủ” lên màu sắc mới và thể hiện trong chương trình Xuân hạ thu đông rồi lại xuân như Về ăn cơm, Cuộc gọi về nhà, Mẹ yêu - Ước mơ của mẹ, Đôi bờ, Cha già rồi đúng không...

Bên cạnh những bản rap đả kích, châm biếm và không ít “rác” âm nhạc xuất hiện trong năm qua, thì những sản phẩm âm nhạc chỉn chu, mang giá trị chữa lành đang giúp cân bằng thị trường, cho khán giả có thêm sự lựa chọn, dù không quá nhiều.

Đi thôi bố ơi- Jun Phạm:

 

 

Có thời điểm, 2 chữ “chữa lành” được cho là “bội thực” trong nghệ thuật, khi có riêng dòng sách, phim, âm nhạc... ra mắt và nhấn vào yếu tố xoa dịu tâm hồn, giúp con người cảm thấy được sẻ chia, đồng cảm. Tuy nhiên, sự bội thực này cũng có nguyên do. Đó là bởi cuộc sống tinh thần của con người ngày càng bị tác động tiêu cực bởi nhiều yếu tố bên ngoài, đặc biệt sau 2 năm dịch COVID-19 với không ít xáo trộn, mất mát. Họ cần được vỗ về đời sống tinh thần bên trong, hướng đến những giá trị tích cực, tốt đẹp, hay đơn giản là “lắng nghe” và “chia sẻ”.

Hạt giống cần nhân rộng 

Ngoài MV 1900 hồi đó, Jun Phạm ra mắt series Đi thôi bố ơi!, cùng bố làm nên những kỷ niệm đẹp trong hành trình khám phá Việt Nam. Trong chính MV 1900 hồi đó, Jun Phạm cũng xuất hiện bên cạnh bố. Cả hai tương tác đồng điệu, tình cảm, gợi cho người xem nhiều cảm xúc, hoài niệm về người cha thân thương. “Chúng ta đi rất nhiều nơi, rất xa xôi nhưng bố mẹ một đời làm lụng vất vả, chăm lo gia đình và quen hơi tổ ấm. Họ có những chần chừ khi phải đi đâu quá xa, phần vì nhớ nhà, phần tuổi tác đã ghì họ ở một nơi quen thuộc như thể không khí. Nếu không trực tiếp hỏi chuyện, có lẽ tôi cũng không nhận ra được điều ấy. Tôi muốn đưa bố đi thật nhiều nơi. Nhưng trước khi đi đâu đó thật xa, 2 bố con sẽ cùng nhau tạo nên những kỷ niệm gần”, ca sĩ Jun Phạm chia sẻ. Dưới nội dung đăng tải của Jun Phạm trên YouTube, hàng loạt khán giả “mượn” nơi để tâm sự về gia đình, dành lời cảm ơn đến bố mẹ, và cảm ơn nam ca sĩ đã thực hiện một series ý nghĩa, yên lành.

Với nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền, khi được hỏi về 2 chữ “chữa lành”, một điều mà chính anh đã nhắc đến khi thực hiện chương trình Xuân hạ thu đông rồi lại xuân mùa 2, nam nhạc sĩ cho biết: “Thật ra, tôi khá ngại khi nói về 2 chữ “chữa lành”, vì nghe có vẻ chúng ta đang là bệnh nhân và cần điều trị. Nhưng cũng khó dùng một từ ngữ nào khác để mô tả đúng cho mục đích cuối cùng của những thứ mà tôi đang làm. Khi ra mắt album Colours, hay thực hiện chương trình Xuân hạ thu đông rồi lại xuân, tôi chỉ muốn khán giả sau khi nghe có được giấc ngủ ngon. Từ ý nghĩ này, tôi mở rộng, tìm tòi hơn về cách làm sao để đạt được mục đích đó. Với tôi, âm nhạc phải tạo cho người nghe sự vỗ về, đồng hành, sẻ chia, và nếu khiến mọi người khóc được, thì đó là điều cần thiết để giúp họ giải tỏa những cảm xúc không dễ thể hiện ra”.

Ca sĩ Ái Phương và Trúc Nhân trong chương trình Xuân hạ thu đông rồi lại xuân.
Ca sĩ Ái Phương và Trúc Nhân trong chương trình Xuân hạ thu đông rồi lại xuân.

Nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền cho biết, nhiều lần anh đã khóc khi nghe những sáng tác của mình. Khóc là bởi anh lấy cảm xúc viết từ những câu chuyện có thật, hoặc được nghe, được thấy, nên khi nghe lại, tâm trạng dễ xốn xang. Từ chính sự xúc động cá nhân, Hứa Kim Tuyền cũng mong muốn âm nhạc của mình làm được nhiều điều hơn với người nghe, để họ thấy được đồng cảm, kết nối. Nam nhạc sĩ cho biết dù các sáng tác khó thành hit, nhưng sức sống của nhóm tác phẩm này khá lâu bền, không dễ bị thay thế khi thị trường xuất hiện nhiều ca khúc mới.

Nếu những bản hit đạt vị thứ cao trên bảng xếp hạng là bề nổi của thị trường, thì chuỗi ca khúc, chương trình âm nhạc chữa lành nằm ở tầng sâu hơn. Vị trí nào cũng cần thiết cho bức tranh nhạc Việt nói chung, nhưng tầng sâu được xem như lớp nền, nếu càng dày, càng chặt, thì càng tốt cho thị trường. Vốn quý ấy của nhạc Việt cần nhân rộng, lan tỏa hơn nữa. 

Diễm Mi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI