Ai phải chịu trách nhiệm khi người bệnh tâm thần đánh chết người?

06/04/2021 - 11:11

PNO - Cơ quan công an cho hay nghi phạm dùng gạch đánh tử vong nữ công nhân vệ sinh môi trường có tiền sử bệnh tâm thần.

Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đang tạm giữ Lê Như Toàn (30 tuổi, trú tại Ninh Bình) để điều tra về hành vi giết người. Toàn được xác định là nghi phạm dùng gạch tấn công một nữ công nhân vệ sinh môi trường đến tử vong.

Nạn nhân là chị V.T.H. (43 tuổi, trú tại quận Bắc Từ Liêm), nhân viên Công ty cổ phần Môi trường và dịch vụ đô thị Vĩnh Yên.

Đáng chú ý, theo cơ quan công an, Toàn là người không nghề nghiệp, từng có tiền sử bệnh tâm thần. Nhiều người đặt câu hỏi nếu Toàn thật sự bị tâm thần thì có phải chịu trách nhiệm về hành vi mà mình gây ra?

Nghi phạm Lê Như Toàn
Nghi phạm Lê Như Toàn

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, nhận định giữa nghi phạm và nạn nhân không quen biết nhau và không có mâu thuẫn gì. Nghi phạm có biểu hiện bị bệnh tâm thần nên đã dùng gạch đập nhiều lần vào đầu khiến nạn nhân tử vong. Xét hành vi phạm tội của nghi phạm đã cấu thành tội giết người. Tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Về nguyên tắc, khi xác định vụ án có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và khi có đủ căn cứ xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp tố tụng dưới sự giám sát và phê chuẩn của viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Trong quá trình điều tra, nếu có căn cứ xác định nghi phạm bị bệnh tâm thần hoặc có nghi ngờ về năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì phải ra quyết định trưng cầu giám định khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội để có căn cứ xử lý nghi phạm theo quy định của pháp luật.

Kết luận giám định của cơ quan chuyên môn sẽ quyết định năng lực chịu trách nhiệm hình sự của nghi phạm. Kết luận giám định sẽ xảy ra hai trường hợp:

Thứ nhất, nếu nghi phạm bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức và năng lực điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người. Tuy nhiên hành vi phạm tội của bị can sẽ được giảm nhẹ một phần hình phạt do bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức điều khiển hành vi.

Thứ hai, nếu nghi phạm bị bệnh tâm thần mất khả năng nhận thức và năng lực điều khiển hành vi thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can và chuyển hồ sơ cho viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi đã được viện kiểm sát ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ vụ án.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự “Phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác”, nếu có căn cứ xác định nghi phạm bị bệnh tâm thần mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người.

Cũng theo luật sư Thơm, Nghị định 64/2011 quy định việc bắt buộc chữa bệnh này chỉ áp dụng trong phạm vi tố tụng hình sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi có hậu quả hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Sau khi bị đưa đi chữa bệnh bắt buộc, sức khỏe ổn định sẽ được trở về gia đình (nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự), họ sẽ tạo nên sự bất an đối với cộng đồng, vì không có gì bảo đảm chắc chắn rằng họ sẽ không tiếp tục phạm tội khi bệnh tình tái phát. 

Như vậy trách nhiệm đưa người bị bệnh tâm thần khi khám điều trị phải do sự tự nguyện của gia đình và phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh của mỗi gia đình có người nhà bị bệnh.

Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ luật Dân sự, khi người bị mắc bệnh tâm thần hay một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì phải được tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Khi đó cha, mẹ, vợ, chồng hoặc con của người đó sẽ trở thành người giám hộ đương nhiên.

Trường hợp không có người giám hộ đương nhiên thì UBND xã, phường, thị trấn nơi người bệnh cư trú có trách nhiệm cử hoặc đề nghị người giám hộ.

Như vậy, kể cả trong trường hợp nếu người bị bệnh tâm thần được miễn trách nhiệm hình sự thì người giám hộ nếu không chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người mắc bệnh gây ra theo Điều 606 Bộ luật Dân sự.

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI