Ai dễ bị thiếu vi chất dinh dưỡng?

28/01/2018 - 16:30

PNO - Mỗi ngày, cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ vi chất dinh dưỡng nhưng những chất này đóng vai trò quan trọng.

Đó là trẻ em và phụ nữ mang thai do nhu cầu tăng cao nhưng chế độ ăn chưa đáp ứng đủ.

Vai trò của vi chất dinh dưỡng

Mỗi ngày, cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ vi chất dinh dưỡng nhưng những chất này đóng vai trò quan trọng, khi thiếu sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể, đặc biệt là với trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Vi chất dinh dưỡng bao gồm nhóm vitamin (A, B, C, D, E…) và nhóm các nguyên tố khoáng (can-xi, phốt pho, sắt, kẽm, i-ốt, selen, đồng…). 

Vitamin, chất khoáng có nhiều vai trò sinh học, tham gia vào các quá trình chuyển hóa trong cơ thể.

Ai de bi thieu vi chat dinh duong?
 

Trẻ tăng cân đều có bị thiếu vi chất dinh dưỡng?

Trẻ tăng cân đều chứng tỏ năng lượng từ chế độ ăn đủ cho nhu cầu tăng trưởng. Những chất sinh năng lượng chủ yếu là bột đường (từ cơm, xôi, khoai, bắp, bánh mì, bún, mì, bánh phở...), chất đạm (từ thịt, cá, trứng, tôm, cua, sữa...) và chất béo (từ dầu, mỡ, bơ...).

Ai de bi thieu vi chat dinh duong?
 

Nếu trẻ ăn nhiều đường ngọt và chất béo thì vẫn tăng cân, thậm chí bị béo phì nhưng hoàn toàn có thể bị thiếu vitamin A, thiếu sắt, kẽm nếu chế độ ăn không đủ thực phẩm nguồn gốc động vật (thịt, cá, trứng, sữa...) so với nhu cầu.

Nếu gia đình không sử dụng muối i-ốt để chế biến thức ăn thì trẻ sẽ bị thiếu i-ốt do các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, rau xanh đều không đủ i-ốt cho cơ thể. 

Tại sao phụ nữ mang thai dễ bị thiếu vi chất?

Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng tăng cao trong quá trình mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Tuy nhiên, mức độ tăng nhu cầu năng lượng lại không cao bằng nhu cầu các vi chất dinh dưỡng.

Trong khi nhu cầu năng lượng và chất đạm lúc mang thai tăng chỉ khoảng 20% so với lúc chưa có thai, nhu cầu vitamin A và chất sắt tăng trên 50%, nhu cầu chất kẽm tăng gần gấp đôi.

Phòng ngừa thiếu vi chất bằng cách nào?

- Đa dạng hóa bữa ăn, chọn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. vitamin A có trong gan, thịt, cá, trứng, sữa toàn phần, rau quả xanh và vàng đậm (rau muống, rau dền, mồng tơi, rau đay, rau ngót, cà rốt, bông cải xanh, bí đỏ, xoài, đu đủ, gấc…). Chất sắt có nhiều trong thịt, cá, gan, huyết hoặc rau xanh, các loại đậu, hạt, mè. 

Ai de bi thieu vi chat dinh duong?
 

- Chú ý kết hợp cách ăn uống hợp lý: bữa ăn có chất béo giúp hấp thu tốt vitamin A. Trái cây và rau tươi có vitamin C giúp hấp thu tốt chất sắt và kẽm. Không uống trà, cà phê ngay sau bữa ăn. Nên tách việc uống sữa thành bữa riêng biệt với bữa ăn chính.

- Dùng thực phẩm bổ sung vi chất: dùng muối i-ốt thay cho muối thường trong chế biến thức ăn hằng ngày (nhưng không nêm mặn), dùng đường vitamin A khi cần sử dụng đường, sử dụng bột ăn dặm có bổ sung vi chất, dùng dầu ăn có bổ sung vitamin A…

- Bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ 6 - 36 tháng (2 lần mỗi năm), trẻ dưới 5 tuổi sau những đợt bệnh nhiễm trùng liên tục và bà mẹ ngay sau sinh (để tăng vitamin A trong sữa mẹ). Bổ sung sắt cho bà mẹ mang thai và phụ nữ tuổi sinh đẻ.

- Cho trẻ bú sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu và bú sớm sau sinh để nhận được sữa non giàu dinh dưỡng.

- Vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường, xổ giun định kỳ đối với trẻ trên 2 tuổi. Chủng ngừa đúng lịch.

Trẻ nhỏ được ăn uống đầy đủ có cần bổ sung vitamin A liều cao? 

Trẻ dưới 3 tuổi hay gặp phải các vấn đề về ăn uống như biếng ăn, ăn kém, chế độ ăn không đa dạng, ăn thiếu chất, dễ bị nôn ói... Trẻ ở lứa tuổi này cũng dễ bị các bệnh nhiễm trùng làm hao hụt vitamin A. Sau mỗi đợt bệnh viêm hô hấp, tiêu chảy, nhiễm siêu vi, sởi... cơ thể trẻ sử dụng rất nhiều vitamin A mà chế độ ăn ngày thường có thể không đáp ứng đủ.

Vitamin A được bổ sung với liều dự phòng sẽ không gây thừa. Một liều vitamin A liều cao sẽ chỉ dự phòng được từ 4-6 tháng nên một năm trẻ cần được bổ sung 2 lần. Nếu cùng một lúc trẻ uống nhiều viên vitamin A hoặc khoảng cách giữa các lần uống quá gần thì có thể gây ngộ độc.

Những hậu quả của việc thiếu vi chất dinh dưỡng

- Thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt.

- Còi xương do thiếu can-xi và vitamin D.

- Bướu cổ do thiếu i-ốt.

- Thiếu vitamin A và bệnh khô mắt.

- Suy dinh dưỡng, thấp còi do thiếu kẽm. 

TS.BS Trần Thị Minh Hạnh 
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI