8 ngày vào rừng chăm sóc động vật hoang dã

23/06/2022 - 13:30

PNO - Trong hành trình trưởng thành của mình, tôi đã gom nhặt rất nhiều chuyến đi thú vị. Tám ngày vào rừng làm tình nguyện viên chăm sóc động vật hoang dã đã trở thành một trong những trải nghiệm vô cùng đặc biệt đối với tôi.

Anh Trọng đang chăm thú
Anh Trọng đang chăm thú

Một ngày của tình nguyện viên

Giữa lúc bận rộn với những deadline, tôi sững người khi nhìn thấy dòng tiêu đề email: “Xác nhận làm tình nguyện viên bảo tồn động vật hoang dã ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập”. Cả tôi và cô bạn thân đều đã chờ đợi suốt hai tháng sau khi nộp đơn, mong mỏi từng ngày để… được gọi tên. Hành trình đến với Vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước) không phải là một chuyến du lịch bụi như mọi lần nhưng lại là chuyến đi tôi đã mong ngóng nhiều ngày.

Theo chỉ dẫn của ban tổ chức, nhóm tôi từ khắp Bắc, Trung, Nam tụ họp tại bến xe miền Đông để lên đường đến Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Nơi đây cách trung tâm tỉnh Bình Phước hơn 120km về phía đông bắc, được mệnh danh là “lá phổi xanh của vùng đất đỏ Đông Nam bộ”.

Đón chúng tôi là những cô gái trẻ cũng đến làm tình nguyện trước đó vài tuần. Khi chúng tôi vừa đặt hành lý xuống sàn nhà, anh Trọng - cán bộ Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Vườn quốc gia Bù Gia Mập - đã có mặt, sắp xếp ổn thỏa nơi ăn, chốn ở và dặn chúng tôi nghỉ ngơi để lấy sức cho một tuần lao động thực thụ.

Hoạt động của một tình nguyện viên chính thức bắt đầu từ  7g30 sáng hôm sau. Đoàn tình nguyện viên được chia thành ba nhóm: chăm vượn, khỉ, diều hoa, trăn…; chăm heo rừng; chăm hươu, nai.

Bữa chiều của động vật hoang dã
Bữa chiều của động vật hoang dã

Ngày đầu tiên của tôi bắt đầu bằng công việc chăm sóc vườn thú. Nhu - cô em gái đã làm tình nguyện viên nhiều lần ở đây - hướng dẫn tôi cắt rau lang tại vườn để cho những chú vượn đen má vàng, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi dài, trăn, diều hoa, công… ăn.

Ở sở thú, tôi từng được nhìn thấy những loài động vật này nhưng có lẽ cũng như bao du khách ghé thăm, tôi chỉ thấy tò mò, thích thú nhưng chẳng có nhiều thời gian và sự quan tâm để tìm hiểu về đời sống, tập tính sinh hoạt của từng giống loài. Chuyến đi này thật khác. Bên cạnh những chuồng thú được rào bằng thép B40, tôi ngồi giữa khuôn viên khu vườn 2ha để cắt rau, tìm thức ăn cho bầy thú chứ không còn thong dong ngắm chúng. Vừa hướng dẫn tôi cách tiếp cận với động vật hoang dã dữ tợn, thích trêu người (khỉ đuôi dài, vượn đen má vàng…), anh Trọng vừa kể lại những câu chuyện đau lòng về nguồn gốc của chúng.

Động vật ở đây hầu hết đều thu được từ việc săn bắt, nuôi nhốt, buôn bán trái phép. Thậm chí, có con còn cụt chân do bị săn bắn, hoại tử đến mức thoi thóp khi được phát hiện. Bên cạnh khu vực chuồng thú, những người bạn của tôi đang hào hứng thử lái chiếc “chiến mã” của chú Hùng - một chiếc xe kéo như ở vùng nông thôn, được chế thêm phần chở hàng ngay sau xe máy.

Những tình nguyện viên khắp mọi miền đất nước
Những tình nguyện viên khắp mọi miền đất nước

Chú Hùng (Thạch Rum) là một người Campuchia chạy nạn sang Việt Nam từ năm 1971, sau đó định cư ở Việt Nam, ổn định gia đình và gắn bó với trung tâm cứu hộ đã hơn 1/3 cuộc đời. Chú làm việc say mê lắm. Chẳng mấy chốc chú đã cắt xong mười mấy đụn cỏ tươi để các tình nguyện viên chất đầy xe, chở về làm bữa sáng cho những chú hươu sao, nai, bò và bê.

Chiếc máy cắt tự chế đã hoàn thành nhiệm vụ. Hai thân chuối to đã được thái đều thành những thớ trắng phau nhỏ gọn. Tôi xung phong trộn cám ngô, cám gạo cho heo. Buổi trưa, nắng xiên gay gắt, chúng tôi trở lại căn nhà gỗ nghỉ ngơi, tiếp tục những hoạt động tương tự vào buổi chiều.

Buổi chiều, những con thú không chỉ ăn rau lang, uống nước như buổi sáng mà sẽ được ăn cơm nắm với thịt và trứng, “tráng miệng” bằng trái cây tươi ngon được thu hoạch ngay tại vườn.

Khi chiêm ngưỡng vườn mận sai trĩu quả, đỏ ửng cả một khoảng trời, chúng tôi chợt hiểu tình yêu của các cán bộ trung tâm dành cho động vật. Họ “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, từ dọn chuồng, vuốt ve, trò chuyện, đến cho ăn uống, tập các thói quen sinh hoạt hoang dã cho thú. Tất cả đều được làm hết sức chỉn chu, tỉ mỉ như thể họ đang chăm bẵm cho những đứa con bé bỏng.

Hươu, nai tại Bù Gia Mập
Hươu, nai tại Bù Gia Mập

Hero House - ngôi nhà chở ước mơ nửa thế kỷ

Hoàng hôn nhuộm đỏ bầu trời ngay trước hiên nhà, bên những giàn hồng cổ trĩu bông, tỏa hương ngào ngạt. Tháo đôi ủng lao động, kết thúc một ngày làm việc khi trời chập tối, tôi không khỏi ngạc nhiên vì những điều vừa được trải nghiệm trong ngày.

Không chỉ tiếp thu nhiều kiến thức bổ ích về rừng và động vật hoang dã, tôi còn có thêm những người bạn mới chỉ biết nhau qua mạng xã hội trước đó, mà nếu không gặp nhau trong một chuyến đi ý nghĩa thế này, có lẽ cả đời cũng khó thân thiết.

Nắng tắt dần sau những ô cửa sổ thoáng gió tại Hero House - ngôi nhà dành riêng cho các tình nguyện viên đến làm việc tại Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật - Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Bình Phước.

Một góc hiên nhà
Một góc hiên nhà

Buổi tối, chúng tôi cùng nhau đi chợ, nấu ăn, thưởng thức ẩm thực khắp các vùng miền qua tay nghề của những người bạn mới. Ngồi bên nhau, chúng tôi ca hát, tập yoga, chơi những trò chơi tập thể… Trong một không gian có tám chiếc giường tầng và một bàn đá sinh hoạt chung, có lẽ người thiết kế cũng hy vọng những tình nguyện viên từ xa lạ sẽ trở nên gần gũi, thân quen khi cùng sống dưới một mái nhà.

Chú Mỹ Trung - người kết nối những tình nguyện viên với trung tâm - không ngừng kể cho tôi nghe về những căn nhà Hero House đang dần có mặt ở nhiều nơi tại Việt Nam. Chú luôn mơ ước lan tỏa thật nhiều tình yêu rừng, tình yêu động vật hoang dã… đến lớp trẻ. Những ngôi nhà được đặt tên Hero House dành cho những người hùng thầm lặng, cũng là nơi chở những ước mơ cao đẹp ấy.

Được sống trong một căn nhà hơn 60 năm tuổi mang đầy tâm huyết của biết bao thế hệ, tôi càng trân trọng lý tưởng sống của những người như anh Trọng, chú Hùng, chú Trung… và nghiệm ra những điều tôi đang chờ đợi. Không giống những chuyến du lịch khám phá trước kia, hành trình tám ngày ở Bù Gia Mập thực sự giúp tôi thấu cảm về lòng biết ơn.

Những ngày qua, tôi đã chứng kiến những loài động vật hoang dã tưởng chừng đáng sợ, dữ dằn nhưng thật ra lại rất dễ bị tổn thương bởi con người. May thay, chúng được cứu và câu chuyện về chúng trở thành bài học để mỗi người ghé thăm đều được cảnh tỉnh lương tri.

Tôi biết ơn cả những con người chất phác, đầy tâm huyết nơi đây bởi họ đã dành nhiều năm cuộc đời để hết lòng với công việc chăm sóc những sinh vật yếu thế. Và đặc biệt, những câu chuyện đời được chia sẻ vào mỗi tối càng làm tôi trân trọng hơn cuộc sống hiện tại.

Bài và ảnh: Nguyễn Thùy Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI