6 năm, dự án chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất vẫn nằm im

08/07/2022 - 06:14

PNO - Cải tạo kênh A41 được xem là giải pháp cấp bách chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất. Thế nhưng, sau sáu năm triển khai, dự án này vẫn nằm im do chưa nhận được sự đồng thuận của một số người dân.

Dự án cấp bách, triển khai ì ạch

Mấy hôm nay, hầu như chiều nào trời cũng mưa. Từ căn nhà trên đường Ba Vì nhìn ra đoạn kênh A41 đen ngòm, chị Mỹ Quyên ngao ngán: “Cứ mưa là rác nổi lềnh bềnh, nước kênh bốc mùi hôi nồng nặc. Đoạn này còn đỡ, chứ ở đoạn dưới, mỗi lần mưa lớn, nước bẩn còn tràn lên đường gây ngập. Chúng tôi ở đây quanh năm sống chung với ô nhiễm”.

Một đoạn kênh A41 bị ngập đầy rác thải
Một đoạn kênh A41 bị ngập đầy rác thải

Mỗi lần mưa to, các nhân viên trong sân bay Tân Sơn Nhất cũng đứng ngồi không yên, bởi nếu mưa kéo dài thì sân bay sẽ có nguy cơ ngập, ảnh hưởng xấu đến an toàn bay. Năm 2016, sân bay từng bị ngập trong hai giờ đã khiến nhiều chuyến bay bị tạm hoãn.

Những năm qua, vào mùa mưa, sân bay Tân Sơn Nhất thỉnh thoảng vẫn bị ngập. Cục Hàng không Việt Nam và cơ quan chuyên môn của TPHCM đã nhiều lần họp, bàn giải pháp chống ngập cho sân bay này, trong đó từng tính đến các phương án khá tốn kém như đào hồ điều tiết, xây dựng trạm bơm. 

Theo các đơn vị chuyên môn, sân bay Tân Sơn Nhất có ba hướng thoát nước chính: ở hướng bắc, nước thoát ra kênh Hy Vọng; ở hướng đông nam, nước thoát ra mương Nhật Bản rồi dẫn về cống thoát nước trên đường Nguyễn Kiệm - Phan Đình Phùng, sau đó thoát ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; ở hướng nam, nước chảy qua kênh A41 (hai nhánh) dẫn về cống thoát nước đường Cộng Hòa - Út Tịch rồi thoát ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Trong đó, kênh A41 có chức năng tiêu thoát 50% lượng nước ở sân bay nhưng do bị lấn chiếm nhiều vị trí nên dòng chảy bị thu hẹp, khả năng thoát nước kém. Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều đoạn kênh A41 đi qua các tuyến đường như Ba Vì, Cộng Hòa hiện còn rất hẹp. Ở đoạn chảy ra đường Cộng Hòa, dòng chảy chỉ còn chưa đến 1m. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến sân bay Tân Sơn Nhất 
bị ngập.

Năm 2016, HĐND TPHCM đã duyệt chủ trương đầu tư công cho dự án cải tạo kênh A41. Tháng 10/2016, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã phê duyệt dự án này. Theo đó, đoạn kênh từ đường Út Tịch đến đường Giải Phóng sẽ được lắp đặt cống hộp đôi; đoạn từ đường Giải Phóng đến đường Phan Thúc Duyện (gồm hai nhánh) được lắp đặt cống hộp đơn thay cho kênh hở hiện hữu; phía trên làm đường rộng 12m, vỉa hè mỗi bên rộng 4m. Dự kiến, UBND Q.Tân Bình hoàn thành việc đền bù, giải phóng mặt bằng trong tháng 6/2017, sau đó triển khai thi công và hoàn thành vào năm 2018. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa xong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những nguyên nhân chính khiến tiến độ giải phóng mặt bằng chậm là do người dân bị ảnh hưởng bởi dự án chưa đồng thuận, thậm chí họ đang khiếu nại. Người dân cho rằng, bản vẽ thiết kế mặt bằng kênh A41 “bị tác động” bởi tim kênh không đi theo đường thẳng mà bị điều chỉnh. Điều trùng hợp là phần bên kia của tuyến kênh, có rất nhiều trụ sở doanh nghiệp. Người dân cũng cho rằng, giá bồi thường không thỏa đáng. 

Ngoài ra, theo người dân, đường trên kênh A41 là đường phố nội bộ bởi nó liên kết giao thông trong phường, trong khu dân cư, hè đường này thuộc loại III, mỗi bên chỉ 1-2m theo tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành. Việc chủ đầu tư xác định hè đường tuyến kênh A41 rộng 4m dẫn đến việc phải điều chỉnh lại quy hoạch, thu hồi nhiều diện tích đất, phá vỡ nhiều công trình nhà ở đã ổn định lâu dài, gây thất thoát, lãng phí.

Tăng đối thoại để gỡ vướng

Ông Trương Tấn Sơn - Phó chủ tịch UBND Q.Tân Bình - cho hay vị trí ở đường Cộng Hòa mà người dân phản ánh “bị điều chỉnh tim kênh” nằm đối diện Công ty In Tài chính, thuộc Bộ Tài chính. Theo bản vẽ đã được Sở Giao thông Vận tải TPHCM phê duyệt thì doanh nghiệp này bị thu hồi hơn nửa căn nhà. Còn ở phía đường Phan Thúc Duyện, dự án này ảnh hưởng đến phần đất thuộc hồ bơi của quân đội nhiều hơn, chỉ có hai hộ dân bị ảnh hưởng. 

“Mục tiêu của dự án cải tạo kênh A41 là giảm kẹt xe, giảm ngập nước ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, đồng thời chỉnh trang đô thị, cải thiện cuộc sống của người dân”.

Ông Trương Tấn Sơn

Do đó, ông Trương Tấn Sơn khẳng định, không có chuyện bản vẽ thiết kế bị tác động với mục đích né đất của doanh nghiệp. Dự án này được triển khai đúng pháp luật và đã được HĐND TPHCM duyệt chủ trương, UBND TPHCM bố trí vốn, các sở thẩm định về chuyên môn. Về mức giá đền bù, ông cho biết, UBND quận đã nhiều lần thông tin cho người dân về tính pháp lý để đơn vị chức năng xây dựng giá đề bù. 

Ông Trương Tấn Sơn lý giải: “Bà con nói giá đền bù xây dựng không đúng quy định nhưng để tính ra giá đất, cơ quan chức năng đã áp dụng công thức chung là giá đất nhân hệ số K (hệ số điều chỉnh giá đất), nhân diện tích. Năm 2014, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 51 về bảng giá đất trong giai đoạn 2015-2019 và sau này là Quyết định 02 ban hành giá đất giai đoạn 2020-2024. Về hệ số K, năm 2019, UBND TPHCM đã ban hành hệ số K riêng cho dự án này. Trên cơ sở pháp lý này, cơ quan chức năng đã tính ra giá đất đền bù cho bà con”.

Cũng theo ông Trương Tấn Sơn, khi thực hiện dự án cải tạo kênh A41, có 135 hộ dân và bảy tổ chức bị ảnh hưởng. Tháng 4/2022, hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án đã tổ chức niêm yết dự thảo chính sách và phương án bồi thường, tái định cư. Bước đầu, có 96 trường hợp đồng thuận, đạt 67,6%. Sau đó, UBND Q.Tân Bình đã thành lập tổ công tác làm việc với các hộ chưa đồng ý. Đến hết tháng 6/2022, có 114 trường hợp (80,8%) đồng thuận. Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án đã chi trả cho 84 trường hợp. 

Ông Trương Tấn Sơn thông tin, trong quá trình triển khai dự án, phát sinh khoảng 20 đơn thư của cá nhân, tập thể, chủ yếu là phản ánh và kiến nghị. UBND Q.Tân Bình đã tổ chức các tổ công tác đến làm việc với từng hộ dân để giải quyết vướng mắc, nhằm sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án cải tạo kênh A41.

“Qua các buổi làm việc, tiếp xúc, người dân phản ánh, kiến nghị nhiều vấn đề. UBND Q.Tân Bình nhận thấy, một số nội dung phản ánh là có cơ sở để xem xét và đã yêu cầu trong thẩm quyền của mình, hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án nghiên cứu, quyết định theo hướng có lợi cho người dân. Với những nội dung không đúng thẩm quyền, UBND quận ghi nhận và sẽ làm việc với các sở, ngành liên quan để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp. Sau các buổi làm việc, hầu hết người dân đều cơ bản đồng thuận và hiểu rõ hơn về dự án”, ông Trương Tấn Sơn nói. 

Dự án cải tạo kênh Hy Vọng cũng gây thất vọng

Ngoài dự án cải tạo kênh A41, dự án cải tạo kênh Hy Vọng nhằm chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất cũng đang “giậm chân tại chỗ”. Kênh Hy Vọng có chức năng tiêu thoát nước cho toàn bộ diện tích phía tây, phía bắc sân bay và lưu vực 51ha xung quanh. Nước thoát xuống kênh Hy Vọng sẽ đổ về tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát. Hiện, kênh Hy Vọng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng gần 200 hộ dân sống dọc bờ.

Năm 2013, UBND TPHCM chỉ đạo phải khẩn trương thực hiện dự án này, nhưng phải đến năm 2016, thiết kế cơ sở của dự án mới được UBND TP.HCM phê duyệt. Sau đó, tưởng chừng dự án sẽ được khởi công đúng như kế hoạch thì Ngân hàng Thế giới (WB) ra thông báo dừng hỗ trợ 400 triệu USD cho dự án quản lý rủi ro chống ngập khiến dự án cải tạo kênh Hy Vọng gặp khó khăn về nguồn vốn. 

Theo Sở Xây dựng TPHCM, dự án cải tạo kênh Hy Vọng được xếp vào nhóm ưu tiên thực hiện trong kế hoạch chỉnh trang đô thị giai đoạn 2021-2025. Dự án này có tổng mức đầu tư 1.980 tỷ đồng. 


 Sơn Vinh 
 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI