21 phim hoạt hình nổi tiếng gây âu lo ở Trung Quốc

13/04/2021 - 09:50

PNO - Nhiều phim hoạt hình như "Heo Peppa", "Pony bé nhỏ", "Những chú gấu Bonnie"… bị phát hiện có những cảnh nguy hiểm đến trẻ em khiến Trung Quốc muốn dán nhãn phân loại.

Những bộ phim hoạt hình nổi tiếng được trẻ em yêu thích như Heo Peppa, Pony bé nhỏ, Những chú gấu Bonnie, Thám tử Conan… đang làm dấy lên làn sóng lo ngại trong cộng đồng người tiêu dùng Trung Quốc vì có chứa những nội dung độc hại khiến trẻ em bắt chước.

Ngày 12/4, Hiệp hội người tiêu dùng tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) đã đánh giá 21 phim hoạt hình tiềm ẩn nhiều vấn đề như nhân vật có hành vi nguy hiểm, phạm pháp, cài cắm quảng cáo sau khi dành ba tháng để xem. Trong số 21 phim này có 8 phim nước ngoài bao gồm ba phim phương Tây là Heo Peppa (Anh), Barbie: Cuộc phiêu lưu trong ngôi nhà mơ ước, Pony bé nhỏ (Mỹ) và 5 phim Nhật, trong đó có Thám tử Conan, Siêu anh hùng Tiga.

Phim Heo Peppa có cảnh chú heo mở cửa sổ máy bay và rơi xuống
Phim Heo Peppa có cảnh chú heo mở cửa sổ máy bay và rơi xuống

Hiệp hội đã chỉ ra một số cảnh nguy hiểm trong các phim trên như cảnh nhân vật heo cha mở cửa máy bay và rớt xuống trong phim Heo Peppa. Trong Siêu anh hùng Tiga có nhiều cảnh cháy nổ, đánh nhau. Pony bé nhỏ có cảnh một nhân vật trầm mình trong dòng nham thạch. Còn ở Barbie: Cuộc phiêu lưu trong ngôi nhà mơ ước các nhân vật treo người trên trực thăng, đai sắt bóng rổ và ngã từ đèn trần.

Báo cáo của Hiệp hội thống kê 21 phim trên có 123 cảnh u ám, rùng rợn, hồi hộp và cách miêu tả nỗi sợ hãi thể hiện mặt nhân vật thường bị phóng đại.

Phim Những chú gấu Bonnie nhận nhiều lời phàn nàn nhất từ các phụ huynh tham gia khảo sát vì nhân vật chính thường xuyên dùng cưa điện khiến trẻ em bắt chước, nhân vật phản diện có điệu cười rất ghê rợn.

Năm 2016, tại Giang Tây, đã xảy ra vụ việc một bé gái 10 tuổi dùng cưa điện giết chết em gái 5 tuổi của mình và sau đó thú nhận bắt chước nhân vật trong Những chú gấu Bonnie.

Cũng vì bắt chước hành động leo trèo của nhân vật chính phim này mà vào năm 2018, một bé gái 8 tuổi ở tỉnh Tứ Xuyên đã ngã từ cửa sổ lầu 6 một khu căn hộ. Gia đình bé đã đâm đơn kiện đơn vị sản xuất bộ phim hoạt hình, đòi số tiền bồi thường 600.000 nhân dân tệ. Tòa án tỉnh Tứ Xuyên đầu năm ngoái đã ra phán quyết bộ phim có phần trách nhiệm trong cái chết của bé.

cảnh phim Những chú gấu Bonnie bị cho là có liên quan đến cái chết của bé gái ở Tứ Xuyên
Cảnh phim Những chú gấu Bonnie bị cho là có liên quan đến cái chết của bé gái ở Tứ Xuyên

Hiệp hội cũng thực hiện cuộc khảo sát trực tuyến với hơn 1.000 phụ huynh có con nhỏ và 70% số người này cho biết con họ thường bắt chước những hành vi nguy hiểm, bạo lực trên truyền hình. 1/5 phụ huynh và giáo viên được phỏng vấn trực tiếp thừa nhận trẻ con hay bắt chước đánh nhau như trong phim. 80% phụ huynh tham gia khảo sát đồng tình việc phim hoạt hình cần được kiểm soát chặt hơn.

Hiệp hội tiêu dùng Giang Tô đề xuất phân loại phim hoạt hình và dòng hashtag Hiệp hội tiêu dùng Giang Tô yêu cầu phân loại phim hoạt hình hiện thu hút hơn 22 triệu lượt xem trên Weibo.

Đề xuất dán nhãn phim hoạt hình từng được đặt ra tại Trung Quốc vào năm 2013 sau khi xảy ra vụ việc một bé trai 10 tuổi trói hai bé trai vào cây và châm lửa đốt vì bắt chước cảnh cho sói ăn thịt dê trong phim hoạt hình Trung Quốc được yêu thích: Pleasant Goat and Big Big Wolf.

Sau đó, năm 2017, một bé gái 5 tuổi ở Urumqi đã bị chấn thương nghiêm trọng sau khi nhảy khỏi lầu 11 với cây dù bung mở vì nghĩ rằng sẽ đáp đất an toàn như trong một phim hoạt hình đã xem.

N.Hương (theo SCMP, GB)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI