Xử lý sai phạm theo kiểu... Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM

29/10/2016 - 15:50

PNO - Môi trường sư phạm lẽ ra phải thật sự trong sáng, nêu gương, nhưng trong thời gian qua lại xảy ra không ít vụ việc thưa kiện trong nhà trường trên địa bàn thành phố.

Có những vụ việc thưa kiện kéo dài suốt hai-ba năm nhưng vẫn không được ngành giáo dục thành phố giải quyết đến nơi đến chốn; thậm chí có những trường hợp không giải quyết, chậm giải quyết hoặc giải quyết chưa thấu tình đạt lý, khiến mọi người khó nghĩ khác hơn là có sự dung túng, bao che.

Cho đến thời hiện tại, tại trường THPT Gò Vấp vẫn tiếp tục diễn ra những gì được xem là tiêu cực, sai phạm liên quan đến bà Tô Hạ Uyên, Hiệu trưởng nhà trường. Đáng buồn hơn là những điều không tốt đẹp này lại được đưa lên mạng xã hội facebook để bêu riếu, mỉa mai.

Bức xúc của GV tập trung vào chuyện bất minh về điểm số, phúc lợi, tài chính; gian dối khai tính giờ phụ trội, và gần nhất là chuyện bà Tô Hạ Uyên - người đang bị GV tố cáo nhiều sai phạm - chẳng những không bị xử lý mà còn được Sở GD-ĐT “rước” về làm cán bộ Phòng Tổ chức cán bộ.

Vụ việc thưa kiện tại ngôi trường này đã kéo dài suốt ba năm nhưng đến nay vẫn không được Sở GD-ĐT quan tâm giải quyết. Chuyện khởi đầu từ tháng 9/2013, khi GV phát hiện trường lạm thu của HS một khoản tiền lên đến 800 triệu đồng. Nội dung vụ việc được thưa gửi đến các cấp. Là cơ quan quản lý trực tiếp nhà trường về mọi mặt nhưng Sở GD-ĐT không thụ lý vụ việc, trong khi Quận ủy Gò Vấp đã nhanh chóng vào cuộc và kết quả là: 5/7 vấn đề GV tố cáo là đúng.

Hiệu trưởng nhà trường là bà Chu Thị Phước Mỹ phải bồi hoàn lại 1.766.000.000đ (chỉ riêng trong hai năm học 2011-2012 và 2012-2103) và bị khiển trách. Quận ủy Gò Vấp sau đó đã có công văn yêu cầu Sở GD-ĐT thành lập đoàn thanh tra để xử lý tiếp vụ việc; khi lập đoàn cần thông báo để Quận ủy cử người tham gia. Nhưng, Sở GD-ĐT đã không làm gì!

Bất ngờ hơn, tháng 8/2014, bà Phước Mỹ được Sở bố trí giữ chức Phó phòng Tổ chức cán bộ của Sở cho đến khi về hưu vào tháng 9/2015. Về khoản tiền hơn 1,7 tỷ đồng, đến nay toàn thể GV của trường không hề biết đã được xử lý như thế nào, bồi hoàn hay chưa.

Xu ly sai pham theo kieu... So Giao duc - Dao tao TP.HCM
Trường THPT Nguyễn Du xảy ra khiếu kiện kéo dài

Cứ tưởng bà Phước Mỹ ra đi thì mọi rắc rối sẽ chấm dứt, nào ngờ người lên thay là bà Tô Hạ Uyên lại tiếp tục theo vết xe đổ với nhiều sai phạm tương tự. Tập thể GV của trường tố cáo lên Sở GD-ĐT. Đơn gửi từ cuối tháng 7/2015, nhưng nửa năm sau Giám đốc Sở trả lời: “Sở GD- ĐT nhận thấy các việc làm này chưa gây thiệt hại đến đơn vị”(!?).

Cho rằng cách trả lời này là thiếu trách nhiệm, 21 GV của trường THPT Gò Vấp lại tiếp tục tố cáo sự việc đến các cơ quan hữu trách. Trước áp lực này, Sở GD-ĐT buộc phải thụ lý đơn tố cáo, nhưng đến nay, gần một năm trôi qua, GV vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều GV của trường THPT Gò Vấp cho biết: họ chỉ nghe loáng thoáng là Sở đã có kết luận thanh tra, đã giải quyết, nhưng giải quyết cụ thể như thế nào thì không thấy văn bản. Cũng không thấy dán kết luận thanh tra ở trường theo quy định”. Trong khi đó, vào đầu năm học mới đây, bà Tô Hạ Uyên lại được Sở GD-ĐT rút về làm cán bộ Phòng Tổ chức cán bộ (!?).

Tương tự, tại trường THPT Nguyễn Du (Q.10), chuyện “GV tố cáo hiệu trưởng” cũng đã xảy ra và kéo dài đã được ba năm. Trong khi mọi chuyện vẫn còn lửng lơ thì mới đây Sở GD-ĐT lại điều ông hiệu trưởng trường này sang một trường khác và tiếp tục làm hiệu trưởng!

Còn tại trường THPT Ngô Gia Tự (Q.8), vào tháng 3/2014, tập thể GV đã gửi đơn tố cáo Ban giám hiệu nhà trường mà đứng đầu là Hiệu trưởng Trương Quang Dũng đã có nhiều sai phạm như không dạy học mà vẫn hưởng phụ cấp ưu đãi, lạm thu tiền học nghề của HS, lạm chi- loạn chi quỹ dạy thêm học thêm, có dấu hiệu sai phạm cả về tài chính ngân sách… Thưa kiện kéo dài nhưng không được Sở GD-ĐT quan tâm giải quyết, nên tập thể GV đã tố sự việc đến UBNDTP, đồng thời khiếu nại cả Giám đốc Sở GD-ĐT là ông Lê Hồng Sơn đã chậm giải quyết đơn.

Ngày 11/9/2014, UBNDTP ra văn bản chỉ đạo Giám đốc Sở GD-ĐT giải quyết vụ việc theo đúng quy định pháp luật và báo cáo kết quả. Đáng nói ở chỗ: trong suốt một năm rưỡi trước đó, Sở kiên quyết không thụ lý vụ việc, nhưng chỉ một ngày sau khi UBNDTP chỉ đạo thì Sở này vội vàng về trường công bố kết luận thanh tra.

Theo đó, họ “nhặt” ra 5 trong số 15 nội dung tố cáo để “thanh tra” và kết luận là “cả năm nội dung tố cáo đều sai” (theo Thông báo kết quả giải quyết tố cáo số 3350/TB-GDĐT-TTr ngày 22/9/2014 do Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn ký).

Nhận thấy kết luận trên “có vấn đề”, những người tố cáo lại tiếp tục tố cáo đến nhiều cơ quan của thành phố và Trung ương. Sự việc lại “dội” về Sở GD-ĐT buộc cơ quan này không thể thờ ơ. Phải đúng một năm rưỡi sau, Sở GD- ĐT mới có thông báo kết quả giải quyết tố cáo (Thông báo số 685/TB-GDĐT-TTr 16/3/2016) với kết quả gần như trái ngược hoàn toàn với kết quả trước đó. Cụ thể, Sở kết luận: có sáu nội dung “tố cáo đúng” và bốn nội dung “đúng một phần”.

Trong những nội dung “tố cáo đúng” có nhiều nội dung bất cứ ai làm trong ngành GD- ĐT đều biết là Hiệu trưởng Trương Quang Dũng đã làm sai, như chuyện không tham gia giảng dạy mà hưởng phụ cấp ưu đãi 30%, chuyện lạm thu tiền học nghề, chuyện lạm chi- loạn chi và cắt xén tỷ lệ chi cho GV từ quỹ dạy thêm học thêm… nhưng trước đó Sở đã “bẻ cong cán cân công lý” khi kết luận GV tố cáo sai. Tuy nhiên, tập thể những GV ký đơn cho rằng: Sở vẫn còn lập lờ, bao che nhiều sai phạm nghiêm trọng liên quan đến ngân sách của ông hiệu trưởng nên chưa dừng lại.

Nhiều sai phạm

Trong khi lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM cho rằng các trường hợp đều được xem xét giải quyết đúng trình tự pháp luật thì theo kết luận thanh tra của Sở Nội vụ về việc chấp hành các quy định pháp luật về công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, kỷ luật công chức viên chức… tại Sở GD-ĐT TP.HCM được ký ngày 20/10 vừa qua, có 14/18 trường hợp được Sở GD-ĐT bổ nhiệm và bổ nhiệm lại chưa đúng trình tự thủ tục theo quy định hiện hành; 10/11 CBCC bị Sở xử lý kỷ luật không đúng với trình tự và hình thức quy định.

Những vi phạm được nêu cụ thể là: không thực hiện giới thiệu của CBCC, không thực hiện đề xuất giới thiệu; không họp hoặc lấy phiếu tín nhiệm của cán bộ chủ chốt; bỏ qua việc cho tập thể thảo luận biểu quyết (đối với những trường hợp bổ nhiệm nguồn tại chỗ); chưa làm việc với cấp ủy và thủ trưởng cơ quan nơi đang công tác; chưa có ý kiến biểu quyết của tập thể lãnh đạo nơi tiếp nhận (đối với trường hợp bổ nhiệm nguồn nơi khác). Đối với trường hợp bổ nhiệm lại, chưa lấy ý kiến hoặc phiếu tín nhiệm của tập thể CBCC hoặc tập thể lãnh đạo trong đơn vị, chưa có đánh giá đề xuất của thủ trưởng đơn vị trực tiếp.

Trong năm 2014 và 6 tháng năm 2015, Sở xử lý kỷ luật 11 trường hợp (khiển trách: 8, cảnh cáo: 2, buộc thôi việc: 1), nhưng có đến 7 trường hợp không nêu điều khoản áp dụng hình thức xử lý vào quyết định xử lý; 3 trường hợp không nêu lý do áp dụng hình thức xử lý kỷ luật vào quyết định xử lý; 10/11 trường hợp không ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét kỷ luật theo quy định, trong đó nêu rõ thời điểm công chức có hành vi vi phạm, thời điểm bị phát hiện và thời hạn xử lý kỷ luật.

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI